Quỹ Bảo vệ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) phối hợp với tổ chức thiện nguyện quốc tế Save The Children và 4 tổ chức y tế đã gọi viêm phổi là “sát thủ bị lãng quên”.
"Thực ra thì bệnh viêm phổi hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị do dễ chẩn đoán. Tuy nhiên hiện nó lại đang là bệnh gây tử vong nhiều nhất đối với trẻ nhỏ với tỷ lệ thực sự gây sốc", Seth Berkley- giám đốc điều hành liên minh vacxin GAVI cho biết.
Không khí ô nhiễm là nguyên nhân khiến gia tăng các bệnh về đường hô hấp |
Viêm phổi do nhiều nguyên nhân như sống trong bầu không khí ô nhiễm, vi khuẩn, vi rút hoặc nấm. Nạn nhân mắc bệnh thường phải vật lộn để thở vì phổi đã chứa đầy mủ và chất nhờn. Bệnh hiện có thể được ngăn ngừa bằng vacxin hoặc điều trị bằng kháng sinh và trong trường hợp nghiêm trọng phải đặt ống thở oxy nhưng ở các nước nghèo thường bị hạn chế.
Theo thống kê vào năm 2018, Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, CH Congo và Ethiopia chiếm hơn một nửa số trẻ em chết vì viêm phổi, trong đó hầu hết nạn nhân đều dưới 2 tuổi.
"Hiện có hàng triệu trẻ mắc bệnh viêm phổi đang nằm chờ chết vì thiếu vacxin cũng như thuốc kháng sinh. Điều này đòi hỏi cần phải có một phản ứng quốc tế khẩn cấp", ông Kevin Watkins, giám đốc điều hành Save the Children kêu gọi.
Từ tháng 8 đến tháng 9/2019, BV Đa khoa Đồng Nai tiếp đón gần 7.000 bệnh nhân viêm phổi, tăng hơn 1.600 ca so với cùng kỳ năm ngoái |
Báo cáo mới nhất cho biết, bệnh viêm phổi gây ra 15% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng đáng buồn là chi phí cho nghiên cứu phát triển thuốc men hiện chỉ chiếm 3% so với các bệnh truyền nhiễm như sốt rét.
Phổi là cơ quan chịu trách nhiệm hô hấp trong cơ thể, quyết định sự sống còn của con người. Tuy nhiên, do tác động của môi trường, đặc biệt là khói bụi khiến lá phổi đang ngày một suy yếu, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn cấp tính ở phổi, chiếm khoảng 12% các bệnh về phổi. Bệnh không chỉ phổ biến ở trẻ em mà còn hay gặp ở người cao tuổi và gia tăng khi trời trở lạnh.