Đây là phát biểu của chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá, cựu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos.
Máy bay trực thăng phun nước ngăn đám cháy rừng lan sang khu dân cư ở ngoại vi thành phố Los Angeles (Mỹ) hôm 21/10. |
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Kinh tế Xanh vừa kết thúc ở Dubai (UAE), ông Santos cảnh báo: “Mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã vượt qua cả viễn cảnh chiến tranh hạt nhân và là mối quan tâm cấp bách nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Cho dù kể từ sau Thế chiến II, thế giới vẫn đang đối mặt với mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn còn tồi tệ hơn, đó chính là biến đổi khí hậu. Và một khi chúng ta không hành động, chúng ta sẽ diệt vong”.
Cựu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, người đã giành giải thưởng Nobel Hòa bình hồi năm 2016 vì những đóng góp của mình để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm tại quốc gia Nam Mỹ. Ông cũng từng là chính trị gia giành được nhiều tán thưởng từ các chính sách xanh của mình khi còn đương chức. Sau khi hết nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước, ông là một nhà hoạt động môi trường kiên định.
Tại sự kiện quốc tế kéo dài 2 ngày ở Dubai, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng kêu gọi cần có các chính sách tích cực hơn nhằm đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Giải pháp hiện nay là đánh thuế khí thải để lấy tiền tái đầu tư phát triển bền vững |
Theo các nghiên cứu, điều này đồng nghĩa sẽ khiến tốc độ tan băng tại Bắc Băng Dương nhanh gấp 10 lần và sẽ biến mất trong một vài năm nữa cho dù con người nỗ lực kiểm soát hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng kết luận rằng mức tăng nhiệt ở ngưỡng 2 độ C sẽ không ngăn chặn được những tác động nghiêm trọng như sự di cư hàng loạt do mực nước biển tăng, sự thiếu thốn nước và thực phẩm, cũng như sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các chuyên gia đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn để giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng như đánh thuế đối với khí thải carbon.
Ông Mohamed Kafafy, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng xanh thế giới, đơn vị đồng tổ chức hội nghị nói: "Một số quốc gia vẫn nghĩ rằng hướng tới nền kinh tế xanh là một điều xa xỉ. Thực ra, nó đã trở thành vấn đề cấp bách: tồn tại hay không tồn tại".
Theo ông Kafafi, các quỹ thu được từ thuế carbon nên được chi dùng để thúc đẩy các sáng kiến kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Trước đó, hồi đầu tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các quốc gia gây ô nhiễm khí thải carbon lớn nhất thế giới phải chấp nhận mức thuế phát thải là 75 USD/tấn trong thập kỷ tới để giữ cho mức độ biến đổi khí hậu ở ngưỡng an toàn. Đề xuất này bao hàm cả lượng khí thải nhà kính dưới dạng phụ phẩm thuộc các lĩnh vực từ năng lượng đến sản xuất, vận tải và nông nghiệp. IMF cho rằng, đây chính là động lực để cắt giảm các nguồn gây ô nhiễm bởi đánh thuế là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng khí hậu Trái đất nóng lên. |
Trợ lý Tổng thư ký LHQ, phụ trách các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu Ovais Sarmad cũng cảnh báo, thế giới đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng hiện sinh". "Chúng tôi có tất cả các thỏa thuận, chính sách và công cụ. Bây giờ, điều chúng tôi cần là tăng cường thực hiện", ông Sarmad nói.