Ngày 3/3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa tiếp nhận ca bé trai sơ sinh bị mẹ bóp mũi sau khi sinh.
Bà mẹ trẻ là sinh viên, nguyên quán Ninh Thuận, hiện đang trọ học tại Thủ Đức. Bé sơ sinh nặng 3,3 kg chào đời tại nhà trọ được bạn bè cùng trọ phát hiện, đưa đi cấp cứu lúc 18 giờ ngày 3/3 trong tình trạng ngưng thở. Sau khi được cấp cứu, đến 21 giờ cùng ngày, bé có dấu hiệu tốt nên được rút ống thở nội khí quản ra và cho bé thở bằng NCPAP qua đường mũi. Đến sáng ngày 5/3 thì bé đã tự thở được. Ngày 6/3 bé đã bắt đầu bú sữa được, trước đó bé được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Hiện sức khỏe của bé đã ổn định, lượng sữa bú đã tăng dần đều lên...
Cháu bé được chăm sóc tốt và có dấu hiệu bình phục
BS Trương Thị Mai Thanh, Trưởng Khoa bệnh lý sơ sinh BV Nhân dân Gia Định, cho biết, mặc dù rất mừng là bé đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên do bị thiếu oxy trong não một thời gian khá lâu trước khi nhập viện, nên vẫn phải tiếp tục theo dõi. Di chứng về sau vẫn chưa tiên lượng được.
Chị Thành Thị Thu H. (20 tuổi, bạn cùng phòng trọ với sản phụ Tr.), cho biết, trước đó không hề biết Tr. có thai. Ngày 3/3, Tr. kêu đau bụng và vào nhà tắm. Tuy nhiên, sau hơn 1 tiếng không thấy ra, mọi người mới xô cửa xông vào và phát hiện Tr. đã sinh em bé và lập tức đưa Tr. và bé đi cấp cứu. Trưa ngày 7/3, bà Tài Thị Tấm (sinh năm 1975, ngụ tại Ninh Thuận), mẹ của sản phụ Nguyễn Thị Uyên Tr. đã đến BV Nhân dân Gia Định trình giấy tờ để nhận cháu. Bà Tấm cho biết, bà không hề biết con bà mang thai. Khi hay tin, bà rất hoang mang, nhưng giờ nghe tin cháu đã khỏe tôi rất mừng. Tôi hiện chỉ mong muốn bé sớm khỏe mạnh và được đón về quê chăm sóc…
Những trường hợp như trên không phải hiếm và đa phần là đứa trẻ bị bỏ rơi khi. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chăm sóc bà mẹ trẻ em thì mỗi năm, TP.HCM có trên 1000 trẻ bị bỏ rơi, hầu hết là trẻ sơ sinh. Trong các trường hợp ghi nhận được, rất nhiều bà mẹ bất đắc dĩ không hề biết mình mang thai, đến khi phát hiện thì quá muộn để “giải quyết”. Mỗi năm, tại Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ phải tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Khoa sơ sinh dành cho trẻ bị bỏ rơi của BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM cũng đã quá tải từ 2 năm qua với số trẻ bị bỏ rơi mỗi năm cứ tăng dần. Năm 2008 số trẻ bị bỏ rơi là 42 thì năm 2012 lên đến 150 trẻ. Không chỉ phải đầu tư thêm giường mà ngay cả lồng kín để ấp cho trẻ bị mắc bệnh vàng da, trẻ sinh non cũng được bệnh viện tăng cường...
Một bác sĩ của Phòng Chăm sóc SKSS MSI tại Bình Dương cho biết, rất nhiều nữ công nhân bất đắc dĩ thành bà mẹ trẻ đã chọn giải pháp bỏ con ngay sau khi sinh, với rất nhiều lý do chủ quan và khách quan.
Vấn đề đáng lưu ý là không chỉ trốn tránh trách nhiệm làm mẹ, họ cũng phủ nhận trách nhiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân sau vượt cạn. Điều đó có nghĩa, sẽ còn không ít thế hệ tương lai không đảm bảo chất lượng ra đời.