Bi, hùng Nguyễn Trọng Oánh và Trần Hữu Thung

Xuân Ba - Thứ Tư, 02/08/2023 , 16:47 (GMT+7)

Nhớ năm đã xa ấy ghé nhà văn, tôi được tiếp cận hai bài thơ chữ Hán mà Quốc Trung lưu giữ đã lâu. Một của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và Trần Hữu Thung.

Thương nhớ nhà văn Quân đội Nguyễn Quốc Trung năm kia bỏ mình trong trận Covid-19… Nhớ năm đã xa ấy ghé nhà văn, tôi có được tiếp cận hai bài thơ chữ Hán mà Quốc Trung lưu giữ đã lâu. Một của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và một của nhà thơ Trần Hữu Thung.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh.

Chất bi của Nguyễn Trọng Oánh

Bài thứ nhất của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn tức Nguyễn Thi.

Đó là bài thơ không đề. Hai người bạn từng ở số 4 Lý Nam Đế một thời gian dài. Từng cật ruột với nhau. Rồi cùng tham gia Mậu Thân.

Phiên âm:

Hữu thử sinh hề, hữu thử thân,

Nhĩ hà nhân dã, ngã hà nhân?

Thập niên vị giác hoàng lương mộng,

Thiên lý nan sưu bạch cốt trần.

Đảm khí hữu hoài siêu thế tục,

Trung hồn chung tự nịch mê tân.

Lục bình chiến mạo ô y khách,

Nam vọng Trường Sơn duy bạch vân.

Dịch nghĩa:

Có kiếp này chừ, có tấm thân này,

Anh là ai, tôi là ai?

Giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh,

Bụi trần xương trắng ngàn dặm khó tìm!

Lòng mang dũng khí vượt thế tục,

Anh hồn trung nghĩa nhấn chìm bến mê.

(Đâu rồi) người khách mũ tai bèo, áo đen,

Ngóng về Trường Sơn chỉ có làn mây trắng

Ở nhà số 4 Văn Nghệ Quân đội nhiều người nhận xét nhà văn nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh người Khu Tư (quê ở Nghi Lộc) trong đời sống thường ngày và ngay cả tác phẩm là người can trường hơi chút… cực đoan! Nguyễn Trọng Oánh người gầy, đen, khuôn mặt khắc khổ. Khoác áo lính từ tuổi 17 cho tới lúc từ giã cõi đời. Luôn kiên định lập trường, ông khiến người đối thoại e ngại vì hễ nói chệch một tí là ông chỉnh liền. Cuốn Đất trắng, viết về chiến dịch Mậu Thân, là tác phẩm thành công nhất của ông, phản ánh đa chiều về cuộc chiến đấu, chủ đạo vẫn là âm hưởng anh hùng ca.

Nhưng trong bài thơ chữ Hán viết về Nguyễn Thi trong nỗi đau hụt hẫng mất bạn và tổn thất của cuộc chiến, Nguyễn Trọng Oánh dường như đột ngột ló dạng một tâm trạng khác?

Giấc mộng hoàng lương (nồi cháo kê) là điển tích nói về sự lỡ làng về thất bại mà các nhà thơ cổ điển thường dẫn, hay vận. Giấc mộng hoàng lương chợt tỉnh ra/ Mới hay muôn việc thảy không mà (Thơ Nguyễn Trãi ở bài Ngẫu thành).

Nếu nói âm hưởng chủ đạo của cả bài thơ là bi hùng thì không sợ sái?

Lòng mang dũng khí vượt thế tục, Anh hồn trung nghĩa nhấn chìm bến mê”.

Nhưng phần bi ở đây trội nổi hơn phần hùng. Đất trắng từng phản ánh đa chiều về cuộc chiến đấu thì trong bài thơ này người đọc không thể không xót xa, trĩu nặng mãi một tâm trạng về cái mất mát Giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh/ Bụi trần xương trắng ngàn dặm khó tìm! Nhưng phải nương phải chiểu từng chữ của ngữ nghĩa từ Hán thì mới gẫm và thấm sâu cái phần bi trong hai câu rất u hoài, thần thái trong bài thơ “Thập niên vị giác hoàng lương mộng/ Thiên lý nan sưu bạch cốt trần”.

Nhiều người biết, cuộc đời Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi bộn bề những thua thiệt.

… Cậu bé Nguyễn Hoàng Ca, quê gốc Nam Định, con một chiến sĩ cách mạng đã phải theo mẹ vào tù đến 6 tháng. Khi ra tù, để tiếp tục hoạt động và mưu sinh, bà phải gửi con nhiều nơi.

Năm lên 9, cha mất vì bệnh lao, mẹ vừa phải tiếp tục gửi con vừa kiếm sống và hoạt động. Rồi đùng cái, mẹ đi bước nữa. Năm 1943, mới 15 tuổi, Ca lên tàu vào Sài Gòn nương nhờ nhà người anh cùng cha khác mẹ.

Cách mạng Tháng 8 - 1945, vừa 17 tuổi, Nguyễn Hoàng Ca đã gặp được đoàn thể cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thành anh bộ đội và lấy tên là Nguyễn Ngọc Tấn. Suốt 9 năm liên tục ở các đơn vị chiến đấu cộng với chút năng khiếu văn nghệ: ca hát, nhảy múa, viết, vẽ… Nguyễn Ngọc Tấn đã thành một cán bộ chính trị, làm công tác tuyên huấn. Các bài thơ đầu đời được tập họp trong tập Hương đồng nội được các chiến sĩ truyền đọc, nhận Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long năm 1951.

Năm 1954 Nguyễn Ngọc Tấn lấy vợ tên là Bình Trang, một sinh viên Sài Gòn ra bưng biền kháng chiến.

Sau hiệp định Genever, anh theo đơn vị tập kết ra Bắc. Chị Trang được tổ chức bố trí ở lại tiếp tục hoạt động. Trở lại Bắc, anh đã gặp được người mẹ ruột của mình. Hoàn cảnh của bà đầy những trắc trở, bi thương. Bà đi tản cư, một mình nuôi mấy đứa con khốn khó. Năm 1951, bà trở về Thành hoạt động bí mật.  Ngày gặp lại, anh ở tuổi 27, bà mới 46, đang công tác ở Cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định.

Ngày gặp lại, biết con đã có vợ, có con ở trong Nam, bà mẹ vui mừng nhưng đã linh cảm thấy một ngày mai xa cách.

Trở về Sài Gòn hoạt động và nuôi con, chị Bình Trang nằm trong tầm truy kích ráo riết những người kháng chiến cũ, chị phải đóng giả vợ chồng để hợp thức hóa sinh hoạt. Và chị đã có thêm một người con. Được điều về Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, nhận được tin này Ngọc Tấn đã bị sốc dữ dội. Mấy năm sau, Nguyễn Ngọc Tấn đã xây dựng gia đình mới với một cô thôn nữ phải khai thêm để đủ tuổi kết hôn.

Sau Đồng Khởi 1960, trong các lực lượng chi viện cho miền Nam, đã tính tới lực lượng báo chí, văn nghệ. Mặc dù ốm yếu và hoàn cảnh sáng tác rất thuận lợi (Hai tập truyện ngắn Trăng sáng (1960), Đôi bạn (1962), tập hợp các truyện đã đăng trên các báo trong thời gian đó được đánh giá cao) Nguyễn Ngọc Tấn vẫn xung phong đi B.

Năm 1962, Nguyễn Ngọc Tấn đi thẳng vào Nam Bộ. Phải đến năm 1965, bạn đọc mới được đọc các bài viết ký tên Nguyễn Thi, tên người con trai khi anh đi B mới có 6 tháng tuổi. Những Truyện và Ký viết chủ yếu trong 2 năm 1966-1967 đã làm nên một tên tuổi Nguyễn Thi gắn với giai đoạn miền Nam đau thương anh dũng. Nhà văn Nguyễn Thi tham gia Tổng tấn công đợt 2 Mậu Thân, khi đi theo một đơn vị đánh phản kích ở ngoại vi Thành phố. Cho đến nay, sau nhiều nguồn tin và cả tư liệu được viết thành văn, ngày hy sinh, trường hợp hy sinh, vị trí nơi nhà văn mất vẫn chưa được xác định chính xác. Mấy năm gần đây, theo lời người dân mách báo, gia đình và bạn bè đi xác minh và khai quật nhưng đều không có kết quả. Ngày hy sinh được báo tử là 9-5. Nhưng trên ngôi mộ gió trong nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, đặt nằm cạnh Nhà thơ Anh hùng Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, cả hai đều được ghi cùng một ngày mất 23/5/1968.

Tôi không biết được nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh viết bài thơ chữ Hán này vào thời điểm nào nhưng dường như ông đã tiên liệu, đã chia ở thì tương lai cái phần u ám của hậu chiến?

Đau đớn một liệt sỹ Nguyễn Thi không biết thời gian và địa điểm hy sinh, không tìm thấy xác nhưng cái câu thiên lý nan sưu bạch cốt trần gẫm sâu mới thấy hết cái xót xa hiện tại bởi hàng vạn hài cốt liệt sỹ trải dài khắp phía Nam nay vẫn chưa tìm thấy?

Và nữa, cứ như thứ đồng bệnh tương lân. Cứ gai gai người khi gẫm lại hoàn cảnh hai nhà văn Nguyễn Thi và Nguyễn Trọng Oánh có một mẫu số chung là thua thiệt!

Nhất là những tất tả tật bệnh cùng ít nhiều cô đơn cuối đời của tác giả Đất trắng như vế đối vui của ai đó “đất trắng, người đen, bàn tay trắng”. Như một thứ dự báo gì đó về phần bi nhiều hơn phần hùng khi Nguyễn Trọng Oánh dẫn ra điển tích giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh. 10 năm đây không phải là con số là định lượng cụ thể mà là thứ hình dung từ để gọi sự dằng dặc lê thê của cả một đời người?

Tôi mạo muội coi đây là sự đa dạng phong phú và đượm chất nhân văn trong tính cách lẫn sáng tác của Nguyễn Trọng Oánh chứ chả thể khuôn vào sự cực đoan cứng nhắc nào đó? Lại chợt nhớ đến chất hài hước, tinh quái ông đồ Nghệ Nguyễn Trọng Oánh trong bài thơ vui bằng chữ Hán vịnh nhà văn Xuân Thiều từ đầu những năm sáu mươi Con đường văn nghiệp thương ông/ Lông đầu rụng hết như lông cái đầu/ Đôi vai gánh mãi càng đau/ Chuyển vùng nào nữa làm sao thành tiền? Cũng nói về thua thiệt mất mát đấy nhưng nghe cứ nhẹ thênh? Chính bài thơ đó đã gợi ý cho Xuân Sách sau này viết hẳn tập Chân dung nhà văn độc đáo.

Nhà thơ Trần Hữu Thung.

Nhà thơ Trần Hữu Thung.

Và chất hùng của Trần Hữu Thung

Bài thứ hai là của nhà thơ Trần Hữu Thung, chính xác là họa lại bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh

Phiên âm:

Độc thử thi hề, niệm thử thân,

Vấn tâm vấn ngã vấn đồng nhân.

Thập niên kỷ độ hoài sinh mộng?

Thiên lý hà phương mịch cốt trần?

Cổn cổn văn phong lưu tỉnh tục,

Thao thao đảm khí tẩy mê tân.

Trường Sơn nam vọng ưu thời khách,

Ô giáp, binh quan chiếu bạch vân.

Dịch nghĩa:

Đọc bài thơ này chừ, nghĩ về tấm thân này,

Hỏi lòng, hỏi mình, hỏi đồng chí!

Mười năm bao lần ôm giấc mộng,

Ngàn dặm tìm đâu nắm xương tàn?

Văn phong dào dạt lưu cõi tỉnh,

Hùng khí cuồn cuộn rửa bến mê.

Ngóng về Trường Sơn, khách lo đời,

Áo đen, mũ chiến sĩ chiếu lên làn mây trắng.

Trần Hữu Thung nhà thơ nổi tiếng của đất Diễn Châu xứ Nghệ vốn đông chật các thi nhân. Có ai đó đã nói đại ý, lối đi hay lộ trình Thăm Lúa đã đưa Trần Hữu Thung từ ông nông dân thành nhà thơ. Và lối đi ấy dẫn ông từ Diễn Châu từ Vinh khu Tư ra Hà Nội, chưa hết ra cả thế giới nữa. Nhưng sau một hồi đua chen thành thị, bạc tóc với trường văn trận bút cùng đời sống thị thành, Trần Hữu Thung đã chọn con đường một lộ trình ngược đơn giản. Là từ Hà Nội xuôi Vinh rồi về hẳn quê Diễn Châu!

Cứ thấy tiêng tiếc, nếu như cái vốn Hán học tinh thông, Trần Hữu Thung biết chi dùng cái quỹ thời gian cho việc nghiên cứu chẳng hạn? Có thể phải mờ nhòe một cái danh thi sĩ bình bình nào đó nhưng biết đâu xứ Nghệ nói riêng và giới nghiên cứu có một cây viết tầm cỡ học giả mang tên Trần Hữu Thung?

Trở lại bài thơ như một khúc họa thơ Nguyễn Trọng Oánh. Có thể nói đây là một bài thơ hay. Một bài thơ họa chuẩn chỉnh về sự đăng đối ngữ lẫn nghĩa. Toàn bộ bài họa như toát lên âm hưởng chủ đạo của tinh thần lạc quan cách mạng khác với chất bi của Nguyễn Trọng Oánh. Trần Hữu Thung hào phóng phát lộ cái chất hùng từ đầu chí cuối. Vẫn có mộng vẫn có bến mê (mê tân) đấy nhưng là văn phong dào dạt cõi tỉnh. Nếu có bến mê thì hùng khí cuồn cuộn sẽ tẩy rửa cuốn phăng hết!

Hai câu cuối như một bức tượng đài hoành tráng là hình tượng người chiến sĩ giải phóng với áo đen mũ tai bèo hiện lên sừng sững trên làn mây trắng  Trường Sơn! Khác với vẻ ngậm ngùi bi lụy hình ảnh người chiến sĩ vọng ngóng về dãy Trường Sơn chỉ có làn mây trắng ngổn ngang trong thơ Nguyễn Trọng Oánh!

Tôi đương bồi hồi nghĩ đến cái đoạn những năm ở đất Hà Thành, hai ông Đồ xứ Nghệ nhà thơ nhà văn, một quê ở Nghi Lộc, một ở Diễn Châu, Nguyễn Trọng Oánh sinh năm 1929 kém Trần Hữu Thung 6 tuổi (nhưng tuổi tác nào có hề gì?) đã từng đi lại và thâm giao những gì?

Và cũng cố tưởng tượng ra cái nhăn trán của Trần Hữu Thung (nếu có?) khi thẩm thơ ông bạn Nguyễn Trọng Oánh rằng “mần chi mà phải bi lụy phải dẫn ra cái điển mộng kê vàng cùng bến mê này khác?”. Hình như cùng với cấu tứ, ngữ nghĩa trong bài họa, Trần Hữu Thung đã hóa giải phần nào những giăng mắc bi lụy mà Nguyễn Trọng Oánh từng u ẩn?

Hai bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh (phải) và Trần Hữu Thung (trái). Thủ bút của Xuân Ba.

Hai bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh (phải) và Trần Hữu Thung (trái). Thủ bút của Xuân Ba.

Lời kết

Thưởng lãm hai bài thơ chữ Hán trên, một chút bồi hồi lẫn bâng khuâng.

Rằng chưa xa lắm, xứ mình có những nhà văn nhà thơ hơi bị túc nho như Nguyễn Trọng Oánh, Trần Hữu Thung. Lại sành thạo thứ xướng họa này khác. Cứ như họ là thứ hậu duệ, sự tử tế cuối cùng sót lại từ thế kỷ trước vậy!

Tất nhiên thời nay chả thiếu những nhà viết trẻ thông rành ngoại ngữ nhất là tiếng Tây (Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) nhưng thấy bặt đi cái thú chơi tao nhã xướng họa, cứ thấy thiêu thiếu thế nào?

Cũng có lần hỏi thêm người nhà của hai nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và Trần Hữu Thung thì nghe nói lật tìm trong di cảo đều không tìm thấy bút tích hai bài thơ chữ Hán kia (hoặc có thể đang thất tán đâu đây?).

Tôi đành mạo muội làm cái việc thủ bút chép lại như nén hương muộn tưởng nhớ hai ông vậy!

Có gì sai quấy mong các bậc cao minh chỉ giáo.

Xuân Ba
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ10

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?10

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.