Nhiều mặt hàng đúng thị hiếu Canada
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại Việt Nam - Canada với chủ đề “Canada, cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ” diễn ra vào sáng 28/3 tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), trước hơn 250 đại biểu, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương Bình Định, đã báo cáo tình hình giao thương giữa Việt Nam - Canada và minh họa tương lai tươi sáng của thị trường này vì còn rất nhiều dư địa, nhất là các mặt hàng hải sản, đồ gỗ và nông sản.
Theo ông Ngô Văn Tổng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa được xem là chìa khóa để đẩy mạnh xuất khẩu.
Canada không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng, mà còn là “cửa ngõ” để tiếp cận với thị trường Bắc Mỹ. Canada có vị trí hết sức quan trọng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Trong thời gian qua, Bình Định đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác Canada và Mỹ nhằm tăng cường kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác tiềm năng và cơ hội hợp tác, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội, xúc tiến đầu tư, thương mại.
Cũng theo ông Tổng, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam từ năm 2019 đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bình Định tại thị trường Canada và Bắc Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thay đổi theo chiều hướng tích cực, các mặt hàng thế mạnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nông sản, thủy sản, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây… chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Định sang thị trường Canada và Bắc Mỹ.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Bình Định sang thị trường Bắc Mỹ đạt 569 triệu USD, chiếm tỷ trọng 96% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ (593 triệu USD), chiếm 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Riêng thị trường Canada, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Bình Định sang Canada đã tăng gấp 4 lần, từ 4,1 triệu USD năm 2018 lên hơn 17,2 triệu USD năm 2023, riêng năm 2022 đạt 23,9 triệu USD.
“Năm 2023, kim ngạch thương mại 2 chiều của Bình Định với Canada ước đạt 18,7 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 17,2 triệu USD; nhập khẩu ước đạt 1,5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định sang thị trường Canada chiếm phần lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, gồm hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo. Trong đó, sản phẩm hải sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất là gần 5 triệu USD, sản phẩm gỗ tinh chế đạt 4,6 triệu USD, tiếp đến là sản phẩm may mặc và sản phẩm từ nhựa giả mây”, ông Ngô Văn Tổng chia sẻ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, Bình Định có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, nông sản. Bình Định là 1 trong những tỉnh có lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất nước, sản lượng cá ngừ đạt cao nhất nước và có lượng tôm xuất khẩu khá lớn.
“Bình Định mong muốn các nhà đầu tư Canada quan tâm, kết nối với các doanh nghiệp Bịnh Định sản xuất trong các ngành chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ để các mặt hàng nói trên xuất khẩu sang thị trường Canada ngày càng nhiều. Bình Định sẽ đẩy mạnh chế biến sâu các mặt hàng nông sản với công nghệ hiện đại như tinh bột xoài, tinh bột rau má… để xâm nhập thị trường Canada”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thịt heo, thủy hải sản nhiều lợi thế
Cũng theo ông Tuấn, tuy đã có kết quả bước đầu, nhưng hiện thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Canada vào Bình Định còn khá khiêm tốn, lĩnh vực chưa đa dạng, giá trị mặt hàng xuất khẩu sang Canada còn ít, thị phần chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của 2 bên. Trong thời gian tới, Bình Định tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư Canada đầu tư vào 5 trụ cột chính, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Bình Định ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver (Canada), thời gian qua, Canada đã cử phái đoàn thương mại do bà Mary Ng., Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu - thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế dẫn đầu để tìm hiểu về các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thực phẩm chế biến, năng lượng sạch, công nghệ sạch, công nghệ thông tin - truyền thông, các ngành công nghệ sáng tạo...
“Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP, hàng hóa của Việt Nam có nhiều thuận lợi khi nhập khẩu vao thị trường Canada và ngược lại. Đây là lợi thế mà các nước không phải là thành viên CPTPP có được, nhất là đối với những hàng hóa mà Việt Nam áp dụng thuế tối huệ quốc (MFN) cao như thịt heo, thuỷ hải sản…”, ông Nguyễn Quang Trung nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Ban chấp hành Hội doanh nhân Việt Nam - Canada, hiện có khoảng 250.000 người Việt đang sinh sống tại Canada và hàng chục ngàn du học sinh hàng năm sang du học tại nước này, phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh, bang là Quebec, Ontario, Alberta và British Columbia.
Cuối năm 2022, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam - Canada được thành lập tại Vancouver do Chính phủ Canada cấp phép. Sự kiện này đã khẳng định vị thế của các doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ, hoặc đồng sở hữu tại Canada và Việt Nam. Đây là cầu nối vô cùng quan trọng để thúc đẩy, xúc tiến quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp 2 nước, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa, du lịch, thể thao và nhiều lĩnh vực khác nhằm hợp tác các bên đều có lợi.
“Giao thương bằng đường biển giữa Việt Nam và Canada cực kỳ thuận lợi, vận tải đường biển lại có giá thành rẻ. Đặc biệt, tại hội nghị này có ông Châu Cường (Ken Chau), người đứng đầu 1 doanh nghiệp lớn ở Canada. Ông Châu Cường đang sở hữu chuỗi siêu thị 88 (88 Supermarkets) tại Vancouver. Chuỗi siêu thị này có khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada và Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể ký gửi hàng hóa, thuê mướn gian hàng để kinh doanh và thâm nhập thị trường Canada”, ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ.
“Các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam nói chung và của Bình Định nói riêng. Do đó, cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Định mở rộng sang thị trường này là rất lớn, dựa trên tiềm năng và nền tảng đã và đang được khai thác tốt nhờ Hiệp định CPTPP với các mặt hàng có thế mạnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nông sản, hải sản, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây…”, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương Bình Định.