Chuyên mục Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt xin giới thiệu bài viết của tác giả Đặng Quốc Thông, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Hiện đại và Cổ điển, Đại học Houston.
Chuyên mục Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt xin giới thiệu bài viết của tác giả Đặng Quốc Thông, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Hiện đại và Cổ điển, Đại học Houston (Department of Modern and Classical Languages, UH).
Ngay trong chương đầu, tác giả viết: “Cuộc hành trình đi tìm lời giải [cho câu hỏi về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam] đã dẫn dắt tác giả đến những làng mạc nhỏ bé xa xôi vùng Hà Tĩnh, những thôn xóm hiu hắt cạnh công trường đá, các làng chài nghèo khó ven sông Lam hay ở vùng biển Thanh Hóa. Đó là những nơi tổ tiên người Quảng Nam đã rời bỏ để vào vùng đất mới. Các chương trong sách, vì vậy, được sắp xếp theo trình tự con đường mày mò đi tìm lời giải đáp này”. Thật không còn cách tiếp cận vấn đề nào khéo léo hơn bởi chính bằng cách tiếp cận này, tác giả đã biến cái khô khan của vấn đề ngữ âm thành cái hấp dẫn của một tiểu thuyết trinh thám khoa học!
Mà quyển sách hấp dẫn thiệt, tôi ngồi đọc một mạch từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều, có ghi chú cẩn thận những đoạn thú vị. Về chuyên môn, quyển sách nói về hành trình tìm kiếm kéo dài 25 năm kể từ khi tác giả viết luận văn cao học năm 1997 trong đó chị có ghi nhận về cách phát âm lạ lùng [a] thành [oa] của người Quảng Nam. Trong suốt 25 năm đó, chị vẫn bị ám ảnh bởi nguồn gốc của sự biến âm lạ lùng chưa từng thấy trong lịch sử ngữ âm học này. Sau đó, nhờ những gặp gỡ tình cờ tại các ngôi làng xa xôi, hẻo lánh, chị đã phát hiện và ghi âm lại “các chứng cứ cho thấy giọng Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng giọng Thanh Hóa, có thu nhận và điều chỉnh một số yếu tố của [...] giọng nói của người Thanh-Nghệ đã vào khai phá và sinh sống ở vùng đất Quảng Nam, đặc biệt là trong các thế kỷ 16 và 17”.
Theo GS. Cao Xuân Hạo, một ngôn ngữ chỉ cần có một câu có cấu trúc đề - thuyết thì ngôn ngữ đó sẽ không được coi là “ngôn ngữ chủ - vị”. Phát hiện của TS. Andrea Hoa Pham, tuy chỉ mới là những chứng cứ ngữ âm nhỏ nhoi và lẻ loi, cũng đã dư đủ để lật lại vấn đề mà từ lâu chúng ta đã bằng cảm tính hoặc suy luận chủ quan nghĩ rằng sự biến âm lạ lùng trong giọng Quảng từ [a] thành [oa] cùng một loạt biến âm kèm theo khác như trong hiện tượng “The Great Vowel Shift” chủ yếu là do tiếp xúc ngôn ngữ với người Chăm, như tôi đã thường nghe trong các bài giảng cao học khi còn ở Việt Nam, hoặc táo bạo hơn, là do các bà vợ Chăm có chồng Việt nói lơ lớ tiếng Việt và truyền lại cho con cháu về sau, như ý kiến “trực giác nguyên sơ” của cố GS. Trần Quốc Vượng mà sau này đã truyền cảm hứng cho tác giả Hồ Trung Tú viết “Có 500 năm như thế” vào năm 2011.
Nhưng, điều lý thú nhất với riêng tôi khi đọc sách của TS. Andrea Hoa Pham không phải là các phát hiện hoặc những lý giải về sự biến âm mang tính chuyên môn sâu nhờ sự hỗ trợ của các biểu đồ sóng âm, quang phổ hoặc tần số formants trong Chương 2, cũng như không phải Chương 3 với các thông tin đáng nể phục vì kỳ công tra cứu nhưng cũng chỉ mang tính khẳng định lại các hiểu biết đã có về sự di dân từ Thanh – Nghệ - Tĩnh vào Quảng Nam theo các đợt sát nhập Champa vào Đại Việt, bắt đầu từ 1069 khi vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt bắt được vua Chế Củ khiến Chế Củ phải xin chuộc mạng bằng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh, và kết thúc với các đời Chúa Nguyễn. Chương 1 là chương tổng quan, tóm lược nội dung chính của từng chương, nên dĩ nhiên cũng không có gì để nói.
Điều thực sự làm tôi thích thú là nằm trong các chương còn lại. Chẳng hạn như Chương 4 và 5. Trong hai chương này, chị đã thoát ra khỏi cái khô khan nghiêm cẩn của một nhà khoa học để thả mình vào cái lãng mạn bay bổng của một người viết văn. Tôi thích thú theo dõi các chuyến đi của chị về làng Kẻ Chay, làng Hến ở Hà Tĩnh và làng Thạc ở Thanh Hóa với cùng sự thích thú như khi đọc những trang tiểu thuyết, vừa đọc vừa tự hỏi sao một nhà khoa học lại có thể viết văn vẻ thế, cũng như sao một người đã rời Việt Nam lâu thế lại có khả năng dùng tiếng Việt trong sáng và dễ thương thế. Cứ đọc cách chị đặt tên cho các tiểu tựa cũng đủ thấy, từ “Một cái duyên tình cờ” đến “Cái hẹn mười hai năm”, đến “Khúc dạo đầu” đến “Tìm em như thể tìm chim”... Bàn chuyện khoa học mà nghe sao đầy phong vị trinh thám - diễm tình thế không biết!
Dĩ nhiên sau những giây phút đắm mình trong cái lãng mạn bay bổng của những chuyến phiêu lưu trong những ngày “mùa đông mưa gió sụt sùi” đầy những “háo hức” vượt “quãng đường vào làng đắp bằng đất sét, nhão, trơn trượt, qua chiếc cầu nhỉnh hơn hai bên bánh xe chỉ khoảng gang tay, sảy ra là trượt luôn xuống ruộng” để truy vết “điều chưa bao giờ trong sự tưởng tượng lãng mạn, hoang phóng nhất có thể nghĩ đến”, đó là “bóng dáng cái nguyên âm “a” trứ danh và những vần đặc biệt “không giống ai” trong giọng Quảng Nam”, chị vẫn không quên vai trò là người đang đối diện với một khám phá mới cần giải thích một cách thật khách quan và khoa học. Và chị đã làm điều này, làm một cách xuất sắc là dùng ngôn ngữ bình dân để diễn đạt một cách rành rẽ và rất hệ thống các khái niệm ngữ âm học chuyên sâu để ai đọc cũng có thể hiểu.
Nếu chương 4 và 5 là một kết hợp giữa cái nghiêm cẩn trong tìm kiếm và lưu trữ dữ liệu của một nhà khoa học và cái lãng mạn bay bổng của một người viết văn thì Chương 6 “Các giải thích khác về sự hình thành giọng Quảng Nam” và Chương 7 “Tìm dấu vết giọng Quảng Nam qua văn bản quốc ngữ thế kỷ 17” lại bộc lộ một nét đẹp khác ở tác giả, đó là tư cách của một nhà khoa học chân chính luôn xem xét kỹ lưỡng mọi ngóc ngách của vấn đề, thậm chí sẵn sàng tự phản biện mình với mục đích duy nhất là tìm cho được chân lý khách quan. Thú thật là tôi đã đọc Chương 7 với tất cả sự hồi hộp, hồi hộp là bởi “các giải thích khác” của các tác giả đương đại thì chắc chắn là có thể phủ quyết bằng các chứng cứ hiển nhiên và xác đáng hơn, như chị đang làm một cách xuất sắc, nhưng “văn bản quốc ngữ thế kỷ 17” thì bất khả tranh luận.
Tự phản biện công trình tâm huyết ‘Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của mình bằng cách đối chiếu nó với các văn bản quốc ngữ thế kỷ 17 gần như là một sự tự sát, vậy mà chị vẫn cứ làm! Tôi đã hồi hộp theo dõi kể từ đoạn chị viết: “Chúng tôi tạm giả định tiếng Việt giọng Quảng Nam thế kỷ 17 nếu khác thì cũng không nhiều so với hiện nay”. Đến khi chị đặt câu hỏi: “Có hay không dấu vết tiếng Việt ở Quảng Nam thế kỷ 17 trong “Tự điển Việt-Bồ-La” và “Phép giảng tám ngày” của Alexander de Rhodes” thì sự hồi hộp của tôi đã lên đến cực điểm! Vậy nhỡ không có thì sao? Nhỡ những bằng chứng trong các văn bản quốc ngữ thế kỷ 17 không ủng hộ lập luận của chị thì sao? Chả lẽ hơn 260 trang viết từ đầu đến giờ của chị là công cốc? Chả lẽ tôi bỏ suốt cả một buổi chiều thứ Bảy để đọc chị cũng là công cốc?
Hóa ra, các văn bản quốc ngữ thế kỷ 17 của Alexander de Rhodes KHÔNG ủng hộ công trình của chị! Và hóa ra công chị viết và công tôi đọc cũng KHÔNG là công cốc! Tại sao lại có sự trái khoáy này thì mời các bạn tìm đọc thẳng quyển sách rất ly kỳ hồi hộp này của TS. Andrea Hoa Phaam. Ở đây tôi chỉ có thể nói rằng cái mà chị làm ở chương 7 là một bằng chứng rất sinh động của ý tưởng: “Tôi không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ quyền được nói của bạn”. Hình như đâu đó trong sách chị cũng có nhắc Dos: “Cái đẹp sẽ cứu chuộc nhân loại”. Nếu đúng thế thì có lẽ chính các ý tưởng này đã “mặc khải” để chị viết nên Chương 8 “Con người là nguồn nước, là khí trời của nhau” mà khi đọc tôi đã xúc động vì cái vẻ đẹp cả của giọng văn lẫn những suy gẫm mang tính triết lý nhân bản trong đó.
Như nói ở phần đầu, tôi đã ngồi đọc “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” một mạch từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều, có ghi chú cẩn thận những đoạn thú vị. Ở trên, tôi đã trình bày cảm nhận chung về công trình khoa học này, bây giờ tôi xin đi cụ thể hơn một chút về một số chỗ tôi đặc biệt thích thú. Những chỗ tôi đặc biệt thích thú có hai dạng. Dạng một là các chỗ có lời văn rất đẹp, dạng hai là các chỗ có những thông tin lạ, mới. Về lời văn đẹp, càng đẹp hơn khi hiện diện trong một công trình khoa học, có thể kể đến đoạn sau: “Giọng Quảng Nam là kết quả của một bản hợp tấu đẹp, tỉ mỉ, phức tạp, đầy bất ngờ, hùng tráng nhưng cũng đầy khó khăn gian nan của những nhóm di dân Đại Việt đầu tiên từ Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh vào vùng đất Quảng Nam...”. Là người Quảng Nam, đố ai không tự hào về nhận định này!
Hoặc: “Những con người chân chất mộc mạc này không hề biết họ đang lưu giữ một tài sản quý báu trong giọng nói của mình. Đó là lịch sử những đổi thay của một số âm, vần tiếng Việt... Thiếu các thổ ngữ Hà Tĩnh này, sự hiểu biết về các mối liên hệ giữa các phương ngữ tiếng Việt, về các diễn biến trong dòng chảy xuôi Nam của tiếng Việt sẽ bị đứt mất một đoạn. Không tìm ra những mối liên hệ đặc biệt này giữa thổ ngữ Hà Tĩnh và giọng Quảng Nam, câu hỏi từ đâu mà có giọng Quảng Nam sẽ mãi là lời đánh đố hóc hiểm...”. Khoảng cuối năm 1978, trong những đêm tĩnh mịch ở quân trường Quang Trung, tôi đã lặng người mỗi khi nghe vẳng lại câu ca “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn...”. Giờ đây, đọc những dòng chữ này của Andrea Hoa Pham, tôi lại thấy thêm yêu quá quê hương của những chàng trai cô gái đi xây hồ Kẻ Gỗ!
Về những đoạn có thông tin lạ, mới, tôi rất thích thú những chi tiết về trẻ em ở Mỹ có bố Việt hoặc mẹ Việt hoặc cả hai đều là Việt, chúng luôn nói tiếng Anh rặt giọng Mỹ và chỉ nói được rất ít hoặc hoàn toàn không nói được tiếng Việt. Từ quan sát này, để phản bác lại quan điểm kiểu “trực giác nguyên sơ” của cố GS. Trần Quốc Vượng là mẹ Chăm dạy tiếng Việt “lơ lớ” cho con để ngày nay thành giọng Quảng Nam, Andrea Hoa Pham viết: “Đàn ông Việt lấy vợ người Chăm, con cái sinh ra, người mẹ chăm bẵm bú mớm từ khi lọt lòng. Thủ thỉ nói chuyện với con, người mẹ tự nhiên sẽ nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Chăm, trừ khi tiếng Việt của họ cũng giỏi như hoặc giỏi hơn tiếng Chăm... Vì vậy, chính những người mẹ Chăm này giữ tiếng Chăm cho con, chứ không phải nói lõm bõm tiếng Việt rồi kiên nhẫn truyền cái tiếng Việt bập bẹ ấy cho con...”.
Một thông tin lạ, mới nữa mà tôi cũng rất thích thú là việc ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, người ta hay phát âm [r] thành [g] như “bún giêu không gau”, “bắt cá gô bỏ gổ”, v.v. Cách phát chệch âm như thế này khiến nhiều người chưa bao giờ nghe sẽ thấy rất lạ lẫm, thậm chí không hiểu. Riêng tôi thì tuy có hiểu nhưng vẫn thắc mắc về cái âm lạ này từ rất lâu, cụ thể là từ năm 1975 khi lần đầu về Mỹ Tho thăm một ông anh họ là bác sĩ quân y từ Bắc được điều về công tác tại một bệnh viện ở địa phương này. Tiếng khóc than về sự ra đi của người mẹ phát ra từ miệng cô con gái nhỏ trong đêm khuya khoắt “Má bỏ tui đi gồi” cứ khiến tôi nhớ mãi. Bây giờ đọc sách của Andrea Hoa Pham mới biết rằng, hóa ra, việc âm [r] bị phát chệch thành [g] này ở một bộ phận dân cư Nam Bộ rất có thể là do ảnh hưởng của tiếng Chăm Tây!
Tuy nhiên, cái thông tin lạ nhất, mới nhất, và vì thế cũng thú vị nhất đối với tôi, và chắc cũng là mới lạ và thú vị đối với rất nhiều người khác, là trong phần ghi âm cụ Đào cư ngụ tại thôn Hữu Chế, làng Kẻ Chay, Hà Tĩnh, nói chuyện về làng xóm “bằng giọng Kẻ Chay”. Phân tích băng ghi âm lời của cụ Đào, ngoài việc chú ý đến phần vần, TS. Andrea Hoa Pham cũng ghi nhận sự hiện diện của một cụm phụ âm đầu rất cổ xưa là “tl-”. Chị viết: “Trong giọng Kẻ Chay, những từ viết bằng “tr-” như trong “trăm, trong, trắng, trăng, trăn, trái, trầu...” đều được phát một cách khá hệ thống thành “tlăm, tlong, tlắng, tlăng, tlăn, tlái, tlầu...”. Còn trong những từ khác thì “ruộng” thành “truộng”, “sừng” thành “trừng”, “giống” thành “sống”, “dế” thành “tế”, “gái” thành “cấy”, “vào” thành “bồ”, “giếng” thành “siíng”, “giữ” thành “sữ”, “gốc” thành “cốc”, v.v.
Trước khi kết lại bài điểm sách này, tôi xin ghi lại vài chi tiết nhỏ đã khiến tôi “bị khựng” khi đọc. Dĩ nhiên, cũng có thể là do tôi chưa hiểu thấu. Trước hết là từ “xa ngái” trang 255. Từ này tôi nghe một hai lần, cũng bốn, năm chục năm không nghe lại, nhưng trong cảm thức ngôn ngữ của riêng tôi, nó luôn gợi về một nơi chốn xa xăm, thoáng đãng, và bâng khuâng chút hoài niệm, chứ không phải là một từ chỉ sự xa xôi cách trở theo nghĩa vật lý đơn thuần. Không hiểu sao chị lại dùng từ này? Thứ hai, từ “koine” trang 215, không biết có quen thuộc với độc giả Việt Nam không? Nếu không quen thuộc thì nên ghi trong ngoặc kép kèm chú thích. Thứ ba, cũng trang 215, có câu “Giọng nói của người Việt từ Quảng Nam vào...” không biết là “vào” đâu? Cuối cùng là tôi hoàn toàn bị rối khi đọc đoạn đầu phần “Tiểu kết” trang 254: Lời giải thích (nào) “trở nên khó tin”?
Thời đại ngày nay, mỗi khi nghe đến nghiên cứu - học thuật, thì trừ những nhà chuyên môn, đa phần ai nghe qua cũng ngán ngẩm, lý do là sách dạng này khô khan, nặng nề, và khó hiểu. Bởi vậy mà từ sớm, Stephen Hawking đã viết “A Brief History of Time” giải thích những bí ẩn vũ trụ bằng một ngôn ngữ bình dân để ai đọc cũng lãnh hội được. Gần hơn thì có Jostein Gaarder viết “Sophie's World” giải thích toàn bộ lịch sử triết học bằng ngôn ngữ của trẻ. Nói qua thế để thấy rằng, trên thế giới đang có xu hướng tìm mọi cách hữu hiệu nhất để phổ biến kiến thức chuyên sâu đến với độc giả bình dân. Riêng trong tiếng Việt, TS. Andrea Hoa Pham có lẽ là người đầu tiên đóng góp vào xu hướng chung này bằng “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, một công trình khoa học - truyện kể mà ai đọc xong cũng chỉ có thể nhận xét: “TUYỆT ĐẸP!”.