Lần ấy có một vị tóc xõa ngang vai lại búi tó. Bộ áo chàm với cái túi dết cũng chàm chả biết đựng thứ gì mà như lệch một bên. Và lạ chưa, lão này đánh đôi guốc mộc không lệt sệt mà sải những bước gọn gàng chắc chắn trên nền đá xanh của sân Phủ Trịnh. Những nhịp guốc khi cồm cộp khi lóc cóc kéo theo đám trẻ con hiếu kỳ.
Không nhớ những lần ghé nhà nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ- giám đốc nhà hát Tuồng ở mạn Mai Dịch. Gần như những lần ấy đều đụng lão đi guốc mộc Lê Huy Quang. Lão này đương là quân của Tiến Thọ. Chả biết công việc cụ thể của lão là gì nhưng ngó bộ đôi này, tuy phục sức khác biệt nhau nhưng có vẻ kết phết?
Giám đốc Tiến Thọ thì quần chùng áo chỉn chu, đôi khi cà vạt, đi đâu thì giầy, tất nghiêm chỉnh. Còn lão bạn thì vẫn xuề xòa tõa tượi tóc tai râu ria. Và tứ mùa vẫn lóc cóc đôi guốc mộc.
Tôi biết mình đang nép vào bóng râm của đôi thụ mộc làng tuồng Việt. Đoàn tuồng Bắc Trung ương về làng tuyển cậu bé Tiến Thọ có năng khiếu tuồng đưa ra Hà Nội đào tạo từ thuở hơn 10 tuổi. Còn cụ thân sinh của Lê Huy Quang, một nghệ nhân tuồng cổ kiêm nghệ nhân hát ví dặm, phường vải, quê Thạch Hà (Hà Tĩnh). Có bà vợ quê Đô Lương (Nghệ An), cả đời theo chồng đi cùng các gánh hát. Lên 5, 6 tuổi, Lê Huy Quang đã thích thú cùng làu thuộc các làn điệu của "Đào Tam Xuân loạn trào" mà ông bố Lê Huy Quang sắm vai vua Triệu Khuông Dẫn.
Chẳng hay cụ thân sinh Lê Huy Quang có thường trực cồm cộp nhịp guốc như ông con không? Và nữa trong 3 người con trai của cụ từng tiếp nối truyền thống yêu nghệ thuật của gia đình (ba anh em nhà ấy đều là những tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Người anh cả Lê Huy Hòa (1932 - 1997) là họa sỹ xuất sắc của khóa Mỹ thuật kháng chiến được đào tạo tại chiến khu Việt Bắc năm xưa) có ai mang guốc như Lê Huy Quang không?
Nói đến guốc, mong bạn đọc thứ lỗi, tôi chợt nổi cơn lan man.
Ấy là tôi đương nghĩ đến một bà bác cạnh nhà trong quê. Cứ giật thột cảm giác bà như một người tiền sử chợt vừa bước ra từ quá vãng vậy?
Trí nhớ bấy bớt lên bảy, lên tám mà tôi vẫn mồn một khi bà đã trên tuổi 80. Cái váy đụp chằng chịt những mảnh vá. Lưng còng rạp. Răng đã chẳng còn cái nào. Chỉ trơ khấc đôi lợi đỏ hỏn. Ấy vậy mà bọn ngô rang với lũ dong riềng luộc, bà mầm được tất. Nhà xo xúi túng đói, bữa nào có chút gạo bà thổi bằng cái niêu đất. Mà cơm phải thật cứng thật khô chẳng canh giấm gì sất. Bà cứ thong thả mà mầm như thế! Sau này tôi có được một ông thày dưỡng sinh bày cho cách thực dưỡng gạo lức muối vừng. Thày ấy bật mí rằng cái thứ gạo lức muối mè ấy làm chi có lắm chất bổ dưỡng? Mà cái thứ vi diệu của con Tạo nó phát lộ nảy sinh từ cái cách nhai thư thả chậm chạp ấy. Giật mình có thể bà bác mình thọ được có lẽ từ cung cách mầm chậm chạp bằng đôi lợi ấy chăng?
Ấn tượng thêm nữa là đôi bàn chân Giao Chỉ với ngón cái khoằm vênh được xỏ vào đôi guốc bà tự tay chế ra từ cái gốc tre. Quai guốc bằng sợi dây mây đã lên nước vàng ánh. Cái âm thanh lóc cóc của nhịp guốc theo sải chân lúc nào cũng thư thả của bà ám vào tôi đến tận hơn chục năm sau tận khi bà rời cõi tạm.
Tôi đồ rằng, trừ những anh học đòi thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào và những thứ bậc đứng không yên ổn ngồi không vững vàng thì khó mà lóc cóc guốc. Những hạng ấy trong khoảng tâm, vùng trí luôn có con vượn và con ngựa nhẩy nhót- các cụ mình vẫn gọi là “tâm viên ý mã” hình như khó mà chung thân với việc đi guốc?
Bà bác của tôi! Chả bao giờ thấy bác vội vàng tất tưởi hay lập chập kêu ca rên rẩm này khác. Lặng lẽ, chậm chạp. Luôn sẵn cái cười lành móm mém cùng nhịp guốc thư thả. Cứ như một thứ cầm canh cho cả một đời góa bụa, gian khó?
Trở lại cái nhịp guốc của Lê Huy Quang. Có vẻ như cái căn tính thư thả, không ẩu tả vội vã mà từ hồi chớm tuổi ương ương, lão đã như nhiên vi nhiên chĩnh chiện mang đôi guốc như cái nhịp cầm canh cho chất lượng sống lẫn sự hằng sống của lão?
Lóc cóc nhịp guốc mộc, lão cứ thư thả đủng đỉnh xuyên qua những trường văn trận bút cùng hội họa thi ca!
Những là coi sóc làm lụng cật lực ở tạp chí Sân khấu, những quần quật vai trò họa sĩ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Lần ấy tôi tưởng mình nghe nhầm khi nghệ sỹ nhân dân Tiến Thọ, bạn lão cho hay, sơ sơ Lê Huy Quang đã chủ sự đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật hằng trăm vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước.
“Hằng trăm? Những vở nào nổi?” Giọng ông Tiến Thọ bất ngờ gắt lên như cười vào sự kém xem của tôi “Có mà ối. Cụ tỷ là hơn 300 vở. Này nhé: Lý Chiêu Hoàng. Nghêu Sò Ốc Hến. Hoàng hôn đen. Chu Văn An. Thánh Gióng. Ô-ten-lô. Ơ-đíp làm vua…
Lại kính cẩn thêm khi biết nghệ sỹ nhân dân Lê Huy Quang đã sở hữu hơn 20 Huy chương vàng, bạc tại các hội diễn sân khấu toàn quốc.
Cái nghề thiết kế mỹ thuật cho vở diễn sân khấu, hình như nó chọn người chứ chả phải ai cũng can dự sốt sột vô được? Đại loại là phải nhẩn nha sao đó để “cảm” được kịch bản. Rồi phải có độ “lắng” để lui tới, tung tẩy thể hiện trên thực địa sân khấu. Tôi dám chắc chả ít vở diễn, nội dung cũng đường được thôi nhưng có thể do mến tác giả là bạn hữu mà lão đi guốc mộc này đã phải điềm tĩnh để nâng cấp chất lượng vở diễn lên qua ngón nghề phù thủy gọi là thiết kế mỹ thuật?
Lại nữa, có vẻ cái giống đa tài như Lê Huy Quang thì mới dám tiêu xài những dư ba, những cảm xúc chưa dùng hết ở mảng thiết kế sân khấu (thế mạnh của lão) tràn sang mảng hội họa và thơ ca?
Tôi nhớ có lần nhà phê bình Đặng Trường Lưu từng nói về tranh của họa sĩ Lê Huy Quang: "… đủ cho ta nhận ra một bản lĩnh riêng, một mảnh hồn riêng Lê Huy Quang đằm thắm và bình thản trước những ồn ã xô bồ”
Tôi không có cái ý chia tách cái chất lượng sống- tài hoa sáng tạo của lão rằng đây là mỹ thuật rằng kia là hội họa và kia nữa là thi ca. Mà những nhẩn nha những nhọc nhằn khổ ải với mẫu số chung là tài hoa của Lê Huy Quang nó chiếm choán và là một!
Từng nghe đồn bản thảo thơ của lão guốc mộc ấy suốt một phần tư thế kỷ đã lên tới cả ngàn trang. Nhưng lạ là lão chẳng in đâu cả. Nhõn một bài Khúc chầu văn rò rỉ, phát lộ trong một cuộc rượu, nhạc sĩ Nguyễn Cường vớ được đem phổ nhạc tức thì. Mãi sau này được bạn bè khuyến khích, lão tự tin chọn ra một trăm linh tám (108) bài sáng tác từ năm 1968-2008. Lê Huy Quang tìm cho tập thơ của mình cái tên chả thể nào đích đáng hơn Phải khác. Cái tên tố giác một quan điểm sống, quan niệm nghệ thuật của cái người họa người thơ mang guốc mộc này.
"Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên / Nhưng mà phải khác. Mới nên chữ người".
Có chẳng ít người từng gườm gườm, lừ lừ, hoặc vội vã quy kết cho lão guốc mộc ấy là gã phá phách thơ ca. Nhưng tôi trộm nghĩ, Lê Huy Quang chẳng hề lười biếng. Lão không ăn sẵn, ăn chực và vay mượn. Mà những quần quật sắm sửa làm lụng để tạo nên chữ nghĩa để dùng.
Năm đã xa, tôi có được nghe lỏm hai tay mần thơ cộm cán đã nhắc, đã nắc nỏm thở dài về thơ Lê Huy Quang. Đó là một ông có biệt danh Chúc Bờ Sông. Ông Chúc chuyên chế thứ thơ mà số chữ nội dung ngắn- ít hơn tên bài thơ. Tỷ như thõng một từ “Xong” cho bài “Vợ chồng” Những “Xôi/ em/ tròn/ trắng/ hạt đồng trinh” cho bài “Chùa”
Và một Trịnh Thanh Sơn “Anh ngồi rót biển vào chai”.
Đó là những tang chứng rành rành của thứ liên tài cùng đồng bệnh tương lân của bạn thơ!
Bây giờ, thử giải mã nhịp guốc của Lê Huy Quang tí chứ nhỉ?
Như thứ gió đầu ô.
Màn khuya buông trắng giọt thơ dài
Bơ vơ phố một nét mày xa lạ
Đầu ô gió sao đầu ô run rẩy quá…
Năm canh chia đều khoảng giữa môi em
Năm cửa ô rải dọc bờ thềm
Lão đảo mỗi một từ thôi. Mà mang vác bao hiệu ứng lạ?
Đêm đêm
anh
hè
em
vụng
trộm
Qua thanh âm khe cửa lọt xuống đường
Chỗ anh đứng lâu ngày
lõm
xuống
Thụ thai người gác cổng
thức
canh em !
Một góc phố khuya.
những bức tranh khuya căng mắt
không gì nói đủ hơn bằng khuất mặt
hai phía nhà chong phố - phố chong nhau...
Cả cái thở dài về khoảng cách.
chín tháng học xa, một mùa bên anh không hết
ba ngấn nắng em về
ba ngấn nắng em đi.
Và lão tưởng niệm Bùi Xuân Phải theo cách riêng.
Những bức tranh phố/ nằm nghiêng/ cùng tôi/ người họa sĩ Phố - Phái /cùng tôi /đi/ và cùng tôi/ có-cả-đường-công-tua-đen-bức-tranh-phố-xám.
Một ít cách tân bụi bặm nhưng chút thoáng umua tinh nghịch đã kéo lại.
"Anh lang thang em / Anh xanh xao em / Anh mi ni em / Đêm về anh tiết canh em".
Vv và mây mây!
Cứ váng vất đâu đây nhịp guốc Lê Huy Quang.
Sinh thời những nhịp guốc mới nghe tưởng nhàn nhã nhưng dung chứa những quần quật kiếm tìm đã bầu nên một thương hiệu Lê Huy Quang?
Có vẻ như ngóc ngách nào đó của Hà Thành đâm ngơ ngác bởi hơi thiêu thiếu cái dáng tóc bạc tõa tượi cùng túi thổ cẩm áo chàm, tay nhẫn bạc, vòng bạc. Và nhịp guốc như đặt như ướm vào lòng ai đó…