| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/12/2020 , 05:50 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:50 - 16/12/2020

Trí tuệ và tiền lương

Một nhà khoa học đích thực mà bị đối xử như vậy, chả trách nào mà nền khoa học nước ta ì ạch đi sau nền khoa học của nhiều nước trong khu vực.

Thông tin về nhà nghiên cứu Hồ Thị Thương (SN 1991, hiện đang công tác tại Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) trở thành đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế, đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín khác, đã khiến cho rất nhiều nhà khoa học và người dân Việt Nam ngưỡng mộ, tự hào. 

Thế nhưng ngay sau đó những người quan tâm bỗng thấy lòng mình đắng ngắt khi biết rằng cầm đồng lương hàng tháng trong tay, chị đã phải bật khóc: mức lương chỉ vẻn vẹn 3 triệu đồng. 

Không thể tin được. Ngay cả các nhà văn rất giàu trí tưởng tượng, cũng không thể nghĩ ra lại có sự lạ đời này. 3 triệu đồng, nghĩa là bình quân mỗi ngày chị chỉ có 100 ngàn đồng để sống. 100 ngàn đồng giữa đất Thủ đô, nơi được gọi là “gạo châu củi quế” này, số tiền đó chỉ đủ cho 1 tô phở, loại phở gánh vỉa hè để ăn sáng và 2 hộp cơm cho hai bữa trưa, tối.

Còn lại là 4 không: không chỗ ở; không quần áo, giày dép; không có phương tiện đi làm và cuối cùng là phấn son và cả chục thứ làm đẹp cho phụ nữ, trong khi chị còn đang tuổi thanh xuân, đang có nhu cầu làm đẹp, cũng không nốt.

Với 3 triệu đồng, chỉ nói riêng về chuyện ăn ở thôi, cũng đã vã mồ hôi rồi. Nếu thuê một gian nhà độ 15 m2, lợp phibroximăng bán mái, mùa hè nóng như nung, mùa đông rét cắt da cắt thịt, đã phải mất 1,5 triệu rôi. Số tiền còn lại chỉ đủ húp cháo.

Một nhà khoa học đích thực mà bị đối xử như vậy, chả trách nào mà nền khoa học nước ta ì ạch đi sau nền khoa học của nhiều nước trong khu vực cả một quãng đường dài, mỗi năm chỉ lèo tèo vài phát minh, sáng chế, một vài bài báo khoa học được công bố trên những tạp chí quốc tế có uy tín không cao.

Chả trách các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đều cố sống cố chết tìm cho được một chỗ đứng trong bộ máy quản lý và bộ máy chính quyền.

Chị Thương cho biết, đã có những doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước mời chị đến làm việc với mức lương cao gấp nhiều lần. Nhưng chị đều từ chối, vì niềm đam mê khoa học.

Niềm đam mê của chị thật đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng thưa Đảng và Nhà nước, nhà khoa học không thể làm khoa học bằng không khí và nước lã. Xin hãy quan tâm đến những người như chị Thương.

Hồ Thị Thương là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018, có tên là: Oligomeric vaccine from plants by S-tag - S-protein fusions (số hiệu đăng ký sáng chế là WO/2018.115305 A1, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cấp).

Bên cạnh đó, chị Thương cũng đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị từng tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của một khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

(Theo Dân Trí)

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm