| Hotline: 0983.970.780

Triều Tiên thúc đẩy chăn nuôi gà

Thứ Sáu 24/07/2020 , 06:01 (GMT+7)

Sau hai đại dịch tả lợn châu Phi (ASF) và SARS-CoV-2, Triều Tiên muốn cải thiện bữa ăn cho người dân bằng chăn nuôi gia cầm.

Chủ tịch Kim Jong-un đến thăm một trang trại nuôi gà ở Tây Nam Triều Tiên. Ảnh: Yonhap.

Chủ tịch Kim Jong-un đến thăm một trang trại nuôi gà ở Tây Nam Triều Tiên. Ảnh: Yonhap.

Hôm 23/7, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong-un đi thăm công trường xây dựng trang trại gà Kwangchon tại Hwangju, tỉnh Hwanghae, ở Tây Nam đất nước.

Tại buổi làm việc, người đứng đầu Triều Tiên nói: "Đảng hy vọng trang trại sẽ đóng góp đáng kể cho bữa ăn của nhân dân. Đảng đang theo dõi sát sao vấn đề này".

Giống Hàn Quốc, gà không phải nguồn thực phẩm chính ở Triều Tiên. Tuy nhiên, sau dịch ASF và SARS-CoV-2, Triều Tiên xem đây là nguồn cung thực phẩm chủ lực cho đất nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thay đổi này.

Thứ nhất, chăm sóc gà và gia cầm nói chung tốn nhân lực ít hơn so với gia súc. Thứ hai, trọng lượng trung bình của một con gà thịt tăng nhanh theo thời gian, từ mức khoảng 1kg những năm 50, gà giờ có thể nặng hơn 4kg khi hai tháng tuổi.

Một nghiên cứu của Đại học Alberta, Mỹ cho thấy để sản xuất 1kg thịt gà trong mô hình trang trại, nông dân chỉ tốn khoảng 1,3kg ngũ cốc, giảm một nửa so với những năm 80. Hiện thịt gà đang là loại thịt được giao dịch nhiều nhất thế giới.

Với một nước chưa tự chủ được về lương thực như Triều Tiên, nhập khẩu thịt gà sẽ dễ dàng hơn so với thịt lợn và bò.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim rất quan tâm đến nông nghiệp, coi đây là đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Giữa năm 2012, ông ban hành chỉ thị 6.28, trong đó cho phép nông dân được phép giữ lại 30% sản lượng tạo ra. Đều đặn trong những năm sau đó, ông Kim thường tổ chức các chuyến thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp ở cấp cơ sở, đồng thời khuyến khích sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. 

Tại nông trang Jangchon, cách Bình Nhưỡng chừng 30km, 5.000 nhân khẩu được tổ chức sống quây quần giống như các khu sinh thái du lịch. Họ sử dụng pin mặt trời, có nhà trẻ, phòng khám cộng đồng. Hệ thống đường sá được quy hoạch sạch sẽ, chỉnh chu, thậm chí được chính ông Kim ca ngợi là "đẹp như một bức tranh".

Với nông trang nuôi gà Kwangchon, ông Kim bày tỏ hy vọng nơi đây sẽ là "mô hình để hiện đại hóa tất cả trang trại gà trên cả nước".

Tại Triều Tiên, các trang trại nuôi gà hầu hết được xây cách đây chừng 20 năm, với quy mô nhỏ lẻ và thiếu những dịch vụ chăm sóc, khám bệnh định kỳ. 

Trước đó, hồi cuối tháng 5, 6.000 con vịt, ngỗng. lợn, dê và cừu ở tỉnh Kangwon đã chết vì căn bệnh lạ. Theo Daily NK, các con lợn bị chết đã tiết ra bọt màu trước khi gục xuống.

Đây tiếp tục là một đòn mạnh giáng vào Triều Tiên, nước vẫn bị Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) xếp vào một trong 40 quốc gia vẫn cần trợ giúp lương thực vào năm 2018. 

Dù Chính phủ ra lệnh tiêu hủy tất cả động vật nhiễm bệnh, một số ít vẫn bị trộm cắp hoặc lén tiêu thụ ngoài thị trường. Để phòng tận gốc, Triều Tiên muốn tìm tới những nguồn thực phẩm an toàn hơn, và thịt gà được chọn.

Từ năm 1991, Triều Tiên hợp tác chặt chẽ trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, đất nước sản xuất thịt gà lớn nhất thế giới. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Những năm gần đây, Triều Tiên có xu hướng xích lại gần Mỹ, cũng là quốc gia sản xuất thịt gà lớn bậc nhất. Nếu đẩy mạnh chăn nuôi và tiêu thụ thịt gà, Triều Tiên sẽ gặp không ít thuận lợi.

Một bữa ăn của người dân Triều Tiên, gồm cơm trắng, đỗ, muối vừng, và trứng. Ảnh: CNN.

Một bữa ăn của người dân Triều Tiên, gồm cơm trắng, đỗ, muối vừng, và trứng. Ảnh: CNN.

Những động vật ít cần chăm sóc, lớn nhanh và tiêu thụ ít thức ăn luôn là ưu tiên hàng đầu trong phát triển chăn nuôi của Triều Tiên. Trước gà, Triều Tiên đã phát triển và nuôi thành công thỏ với quy mô lớn.

Theo báo cáo hồi năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu ngành chăn nuôi Bắc Triều Tiên tại Đại học Konkuk, Hàn Quốc, số lượng thỏ ở Triều Tiên tăng mạnh từ 3 triệu con năm 1995 lên 30 triệu con vào năm 2017. 

Dù có điều kiện tự nhiên gần tương đương, Hàn Quốc có số lượng bò, lợn và gà gấp khoảng 5 lần Triều Tiên, nhưng số lượng thỏ lại ít hơn tới 80 lần.

Theo giải thích của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Triều Tiên, thỏ vừa ăn ít vừa cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng và lông. Khi dịch ASF nổ ra, FAO ước tính 10 triệu người dân Triều Tiên cần nhận hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Nuôi thỏ lấy thịt trở thành vấn đề cấp thiết, cũng là giải pháp tốt nhất với đất nước này.

Đối với đa phần người dân Triều Tiên, nhất là khu vực nông thôn, thịt bò, thịt gà, thịt lợn hay thịt thỏ là những thứ thực phẩm được xem là xa xỉ, khó lòng với tới. Bữa ăn của họ chủ yếu dựa vào những món ăn đơn giản như cải bắp muối, kim-chi, cơm hoặc cháo.

Trong chuyến thâm nhập thực tế nổi tiếng của CNN hồi năm 2017, những phóng viên nhận ra rằng nguồn cung cấp đạm động vật dễ tiếp cận nhất của dân thường chính là trứng.

Thực tế, người Triều Tiên không xa lạ gì với gà. Từ cuối thế kỷ 19, nước này đã nổi tiếng với những giống gà quý. Ở vùng Buam-dong, một thợ săn đã giết một con gà lôi trắng, vốn là biểu tượng cho sự thịnh vượng của cả đất nước.

Tới năm 1904, New York Times cũng đưa tin về một giống gà có bộ lông cực đẹp và chiếc đuôi dài tới 4m. Cũng theo tờ báo này, hoàng gia Triều Tiên từng hỗ trợ rất nhiều cho ngành chăn nuôi gà, đặc biệt là trong việc lai tạo ra các giống tốt, đặc biệt, có giá trị.

Trong nhiều thập kỷ sau đó, giống gà này trở thành biểu tượng và là sở hữu độc quyền của hoàng gia Triều Tiên. Ngoài đời, trứng gà vẫn được xem là một món quà phổ biến của người dân trong các dịp lễ hoặc kỷ niệm lớn.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất