| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng mới nuôi cá chim vây vàng trong ao lót bạt trên cát

Thứ Ba 19/09/2023 , 09:08 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao lót bạt trên cát mở ra triển vọng nghề nuôi mới cho bà con vùng ven biển, vùng bãi ngang.

Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, bước đầu đơn vị đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”.

Tháng 4/2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hỗ trợ 100% chi phí con giống, thức ăn, tập huấn để gia đình ông Võ Chí Thắng tại thôn Thuận Đầu, xã Hải An (huyện Hải Lăng) thực hiện mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao lót bạt. Trên diện tích ao nuôi 0,2ha, sau khi cải tạo và xử lý hồ nuôi, ông Thắng thả 6.000 con cá giống với kích cỡ 300 con/kg (mật độ thả 3 con/m2).

Sau gần 5 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng trong ao lót bạt trên cát đạt trọng lượng từ 0,45 – 0,5kg/con, tỉ lệ sống trên 90%. Ảnh: Võ Dũng.

Sau gần 5 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng trong ao lót bạt trên cát đạt trọng lượng từ 0,45 – 0,5kg/con, tỉ lệ sống trên 90%. Ảnh: Võ Dũng.

Vì đây là đối tượng nuôi mới lần đầu được du nhập về nuôi tại địa phương nên quy trình nuôi được theo dõi và quản lý chặt chẽ. Con giống đảm bảo chất lượng, xử lý ao nuôi tốt, kiểm soát các yếu tố môi trường trong vụ nuôi. Quá trình nuôi chủ yếu sử dụng chế phẩm vi sinh, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp dành cho cá biển có độ đạm > 40%. Người thực hiện mô hình phải nắm bắt được đầy đủ các khâu trong quy trình kỹ thuật và thực sự tâm huyết.

Trong quá trình nuôi, cá có xuất hiện bệnh ký sinh trùng trên mang nhưng cán bộ chỉ đạo kỹ thuật và chủ hồ nuôi phát hiện kịp thời nên đã xử lý triệt để.

Đến nay, sau gần 5 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 0,5kg/con, tỉ lệ sống trên 90%. Dự kiến sau 8 tháng nuôi cá có thể đạt trọng lượng từ 0,6 - 0,7kg/con, tỉ lệ sống từ 70% - 80%, năng suất 3,2 tấn/0,2ha (16 tấn/ha). Với giá bán hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ước tính mô hình cho lợi nhuận từ 120 - 150 triệu đồng/0,2ha (600 - 750 triệu đồng/ha).

Ông Thắng cho hay, diện tích này trước đây gia đình ông nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, với việc môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, vài năm gần đây, gia đình ông luôn gặp cảnh thất bát với con tôm. Tuy cá chim vây vàng là đối tượng nuôi mới nhưng nhìn chung ít dịch bệnh, chi phí thức ăn thấp, dễ nuôi nên chủ hồ nhàn nhã hơn so với nuôi tôm. Người nuôi cần chăm thăm hồ, lúc cho ăn phải để ý về mức tiêu thụ thức ăn để phát hiện bệnh và điều chỉnh. 

“Tôi đã lên kế hoạch cho vụ nuôi tiếp theo dù không được hỗ trợ. Cá chim vây vàng sống và ăn tầng mặt nước nên tôi nghĩ việc thả thêm đối tượng nuôi tầng đáy để sử dụng hết lượng rong rêu, làm sạch hồ. Điều tôi quan tâm nhất là đầu ra cho sản phẩm bởi đây là mô hình đầu tiên được thực hiện tại Quảng Trị nên chưa biết tiêu thụ sẽ ra sao”, ông Thắng cho biết.

Thạc sĩ Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị - Chủ nhiệm dự án cho biết, nguồn con giống thực hiện đề tài được lấy tại Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ. Mô hình dự kiến thực hiện trong thời gian 8 tháng nhưng chỉ mới 5 tháng nuôi, trọng lượng cá đã đạt yêu cầu đề ra.

Thành công của đề tài sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Thành công của đề tài sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP phù hợp. Mô hình hi vọng sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác, đặc biệt là những vùng nuôi tôm thời gian gần đây không đạt hiệu quả cao.

“Đây là đối tượng nuôi mới, áp dụng kỹ thuật nuôi sạch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo hướng đi bền vững trong ngành nuôi trồng, làm đa dạng đối tượng nuôi mặn lợ, giảm sự cạnh tranh sản phẩm đánh bắt trên biển, nâng cao giá trị sản phẩm...”, ông Phương cho hay.

Ông Phương mong muốn sau sự thành công của đề tài, sẽ có nhiều đề tài khoa học, đề tài ứng dụng khác về các chim vây vàng nhằm tối ưu hóa kỹ thuật nuôi, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời đề nghị các cấp các ngành sẽ quan tâm, hỗ trợ người dân nhân rộng dự án ra sản xuất... 

“Sự thành công của đề tài sẽ là cơ sở thực tiễn để chúng tôi tham mưu Sở NN-PTNT có chính sách hỗ trợ, phát triển cá chim vây vàng thành đối tượng nuôi mới theo quy mô công nghiệp. Từ đó, các địa phương ven biển, bãi ngang có thể hình thành các tổ sản xuất, hợp tác xã liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cá chim vây vàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, thạc sĩ Phan Văn Phương cho hay.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.