| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng trồng rừng gỗ lớn từ bạch đàn lai UP

Thứ Hai 29/08/2016 , 14:40 (GMT+7)

Những năm gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển rừng trồng gỗ bóc rất nhanh nên gỗ bạch đàn được các nhà chế biến ưa chuộng, nhiều đơn vị mở rộng trồng giống bạch đàn mới.

12-01-46_img_0268
Giống bạch đàn lai UP, tiềm năng trồng rừng gỗ lớn

 

Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu lai tạo giống nhằm tạo ra các giống bạch đàn có năng suất cao và chất lượng tốt cho trồng rừng. Đến nay, viện đã chọn lọc và được Bộ NN-PTNT công nhận hơn 20 giống bạch đàn lai phù hợp với nhiều vùng sinh thái trên cả nước, trong đó nổi bật là giống bạch đàn lai UP.

Đây là giống lai giữa bạch đàn uro với bạch đàn pellita đang ngày càng được ưa chuộng trong sản xuất. Sau 5 năm trồng ở vùng đất đồi Yên Thế, Bắc Giang và vùng khô hạn trên đất cát ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, rừng trồng bạch đàn lai UP được công nhận đạt năng suất từ 140 - 150m3/ha, vượt trội so với các giống bạch đàn cũ trước đây.

Nhiều hộ nông dân ở Bắc Giang và Yên Bái cho biết trồng rừng bằng giống bạch đàn lai mới có thể thu 150 - 200m3/ha sau 7 tuổi và đem lại thu nhập đến 200 triệu đồng/ha, tính ra lợi nhuận đạt đến 170 triệu đồng/ha sau 7 năm.

Tiến sĩ Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết: “Để tạo ra được một giống bạch đàn lai mới cần ít nhất 8 - 10 năm nghiên cứu, từ tạo giống, khảo nghiệm giống và nhân giống. Trong số hàng trăm giống lai, sau 8 - 10 năm nghiên cứu có thể chỉ chọn được một vài giống thực sự tốt để phát triển vào sản xuất. Ngoài ra, có những giống có thể trồng trên diện rộng nhưng cũng có những giống chỉ phù hợp với một số vùng nhất định, vì vậy cần phải khảo nghiệm trên nhiều vùng thì mới chọn được giống tốt nhất cho từng vùng”.

Giống bạch đàn lai phải được nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô hoặc giâm hom nhằm giữ nguyên đặc tính ưu việt của giống. Các quy trình nhân giống mô hom ở quy mô công nghiệp đã Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu thành công và đã chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất, từ đó đã thúc đẩy công tác trồng rừng phát triển mạnh mẽ.

Được biết, hiện các cơ sở sản xuất ván bóc ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Bắc Giang đang tiến hành thu mua với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/m3, cao hơn 1,5 - 2 lần giá thu mua làm gỗ dăm xuất khẩu. Ở các tỉnh này nhiều hộ nông dân đã bắt đầu chuyển hướng sang trồng rừng bạch đàn kinh doanh gỗ lớn với luân kỳ từ 10 - 12 năm.

Một số cơ sở chế biến gỗ lớn đã tiến hành nhập dây chuyền chế biến gỗ bạch đàn để sản xuất các sản phẩm đồ mộc  xuất khẩu và đang tiến hành thu mua gỗ bạch đàn làm gỗ xẻ với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/m3 từ đó sẽ làm gia tăng lợi nhuận cho người trồng rừng.

Bộ NN-PTNT đã công nhận 5 giống bạch đàn lai UP để phát triển vào sản xuất, đó là UP35, UP54, UP95, UP97 và UP99. Các giống bạch đàn lai mới có đặc tính thân thẳng, cành nhánh nhỏ, ít bị mấu mắt, màu sắc đều đẹp, chịu lực tốt, ít bị cong vênh nên rất được các cơ sở sản xuất ưa chuộng để sản xuất ván bóc và đóng đồ mộc.

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.