| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi dịch chuyển

Doanh nghiệp Việt chăn nuôi lớn sẽ là đối trọng với doanh nghiệp FDI

Chủ Nhật 08/10/2023 , 07:44 (GMT+7)

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, đây là một trong những định hướng, chiến lược lớn, dài hạn mà ngành chăn nuôi nước ta cần đầu tư và hướng đến.

Phát triển nhưng tính bền vững yếu

Ngành chăn nuôi trong những năm qua đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tuy nhiên tính bền vững vẫn còn yếu, ông nhận định như thế nào về điều này?

Ngành chăn nuôi nước ta đã có những thành tựu to lớn khi đóng góp 26% cho giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2022, tương đương 5,6% GDP của Việt Nam (khoảng 22,7 tỷ USD), đáp ứng cơ bản nguồn thực phẩm cho gần 100 triệu người dân Việt Nam và hàng triệu khách du lịch.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói: Ngành chăn nuôi đã đáp ứng cơ bản nguồn thực phẩm cho gần 100 triệu người dân Việt Nam và hàng triệu khách du lịch. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói: Ngành chăn nuôi đã đáp ứng cơ bản nguồn thực phẩm cho gần 100 triệu người dân Việt Nam và hàng triệu khách du lịch. Ảnh: Hồng Thắm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của ngành chăn nuôi còn chưa bền vững. Đây là tồn tại đã được xác định của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng để có lộ trình giải quyết trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, chăn nuôi là ngành nhận được ưu đãi từ đất đai, thuế xuất nhập khẩu…, tuy nhiên lại chưa phát huy được hết thế mạnh, tiềm năng, năm được năm mất, theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là gì?

Nhận định này là chưa phù hợp. Thứ nhất, quyền sở hữu đất đai là lực lượng sản xuất quan trong nhất trong nông nghiệp, nhưng trong ngành chăn nuôi, quyền sử dụng đất về cơ bản là do tổ chức, cá nhân chăn nuôi mua hoặc thuê.

Hiện nay, sửa đổi Luật Đất đai đang được tiến hành và đây là lần đầu tiên cho mục đất riêng dành cho chăn nuôi.

Thứ hai, thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cơ bản giảm về 0 và hỗ trợ rất nhỏ từ ngân sách Nhà nước chưa giúp ngành chăn nuôi vượt qua được những khó khăn, thách thức.

Ngành chăn nuôi còn tồn tại những khó khăn, thách thức là do những nguyên nhân chính, sau: Tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn lớn, chiếm khoảng 35 - 45% tùy từng loại vật nuôi. Phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, khoảng 67%.

Việc kiểm soát dịch bệnh chưa hiệu quả, những bệnh mới nổi gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường và xã hội như cúm gia cầm, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục.

Nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

Hoạt động giết mổ, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu còn thấp mặc dù có tiềm năng mang lại nhiều giá trị gia tăng. Dự báo thị trường và hoạt động chuyển đổi số còn chưa kịp thời.

Doanh nghiệp Việt cần đoàn kết

Ngành chăn nuôi khó khăn là vậy, chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ dường như teo tóp lại, song các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục mở rộng, vì sao lại diễn ra nghịch lý này, thưa ông?

Chính sách của Nhà nước Việt Nam là đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế tham gia trong ngành chăn nuôi.

Xu hướng phát triển tất yếu của các nước có nền chăn nuôi phát triển là chuyển đổi từ quy mô nhỏ với nhiều yếu điểm cố hữu đã được xác định sang chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi nhưng phải thân thiện với môi trường.

Phát triển chăn nuôi các giống bản địa có giá trị kinh tế cao gắn thương hiệu hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, du lịch và phát thải thấp. Ảnh: Hồng Thắm.

Phát triển chăn nuôi các giống bản địa có giá trị kinh tế cao gắn thương hiệu hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, du lịch và phát thải thấp. Ảnh: Hồng Thắm.

Chăn nuôi nông hộ song hành cùng chăn nuôi trang trại để phát triển dựa trên lợi thế là định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020.

Trong 5 năm vừa qua, hơn 3 tỷ USD đã được các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào chăn nuôi quy tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận theo chuỗi giá trị khép kín sản phẩm chăn nuôi.

Nhiều tập đoàn, công ty lớn đã, đang và sẽ tiếp cận theo chuỗi 4F: Feed - Farm - Food - Fertilizer (Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ) để phát triển bền vững hơn, dựa vào chuỗi kín, ưu tiên chế biến sâu để tạo thêm giá trị gia tăng ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn của người Việt sẽ là đối trọng với các doanh nghiệp FDI dựa trên khả năng cạnh tranh.

Ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng phát triển của ngành chăn nuôi nước ta trong thời gian tới?

Những định hướng, chiến lược lớn, dài hạn của ngành chăn nuôi đã được nêu cụ thể trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tập trung thực hiện những vấn đề ưu tiên, gồm: Phát triển sản xuất, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm nhập khẩu. Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi các giống bản địa có giá trị kinh tế cao gắn thương hiệu hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, du lịch và phát thải thấp.

Chăn nuôi quy mô lớn gắn với chuỗi 4F, chế biến sâu và xuất khẩu là bài toán dành cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi.

Tập trung nguồn lực thực hiện 5 đề án

Với những vấn đề ưu tiên như vậy, đâu sẽ là giải pháp để ngành đạt được mục tiêu và hướng tới sự bền vững, thưa ông?

Để thực hiện những định hướng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành chăn nuôi tập trung vào những giải pháp chính, như:

Thứ nhất, tập trung nguồn lực thực hiện 5 đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã giao xây dựng trong “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”, gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030. Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030. Và đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Các đề án này được coi là khung chương trình phát triển chăn nuôi đến 2030, trong đó đưa ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, nội dung, giải pháp và nguồn vốn đề xuất cho từng đề án.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang thẩm định những bước cuối cùng để trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện.

Thứ hai, để ban hành chính sách cho phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đã xây dựng để Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về “Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi”. Hiện nay, Nghị định này cũng đang trong quá trình thẩm định cuối cùng trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và các hướng dẫn kỹ thuật cho ngành chăn nuôi trong tình hình mới.

Thứ tư, tăng cường hướng dẫn, tư vấn của cơ quan quản lý Nhà nước cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư chăn nuôi công nghệ cao vào chuỗi giá trị 4F để phục vụ tiêu dùng trong nước và từng bước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế.

Thứ năm, phát huy và phối hợp chặt chẽ với các hội, hiệp hội ngành hàng trong xây dựng, phản biện quy định, chính sách, trong chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.