Đưa thiên nga đen vào thực đơn
Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên vừa đồng loạt công bố chiến lược chăn nuôi công nghiệp thiên nga đen để lấy thịt, trong bối cảnh quốc gia trên 25 triệu người vẫn đang chìm trong khủng hoảng thiếu lương thực, mất mùa do thiên tai.
Những hình ảnh do báo chí trong nước phát đi cho thấy, giới chức Triều Tiên đã tổ chức một buổi lễ khai trương một trang trại nuôi thiên nga đen mới khá hoành tráng tại tỉnh Nam Hamgyong. Họ ca ngợi thiên nga đen là nguồn thực phẩm mới và có giá trị dinh dưỡng, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đất nước đang khủng hoảng lương thực vào tháng 6 vừa qua và kêu gọi người dân tìm ra cách giải quyết “vấn đề lương thực” dai dẳng.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cho biết: “Thịt thiên nga đen rất ngon và có giá trị dược liệu” và việc chăn nuôi chúng ở quy mô công nghiệp sẽ “góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống của người dân”.
Tại lễ khai trương tổ hợp chăn nuôi thiên nga đen mới vốn là Trung tâm chăn nuôi vịt Kwangpho, nằm ở huyện Jongphyong hôm 25/10, Bí thư Tỉnh ủy Nam Hamgyong, ông Ri Jong Nam đã đích thân dẫn đầu đoàn đại biểu đi tham quan trang trại thiên nga đen.
Theo truyền thông nhà nước, thịt thiên nga đen là “loại thực phẩm của thế kỷ 21 với hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cực cao và rất tốt cho sức khỏe”. Do đó việc nghiên cứu nhân giống loài “chim cảnh quý hiếm” này để làm thực phẩm đã được chính thức bắt đầu ngay từ mùa xuân năm 2019.
Một nhà nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Triều Tiên cho hay, ông đã chủ trì thảo luận về tiến độ xây dựng dự án phát triển chăn nuôi công nghiệp thiên nga đen này từ tháng 7 năm 2020, đồng thời nhấn mạnh thịt thiên nga đen có nhiều protein và dễ tiêu hóa hơn các loại thịt khác.
Vị này còn cho biết thêm rằng, thịt thiên nga đen còn chứa chất bổ dưỡng quý hiếm đối với sức khỏe như immunoglobulin, axit linoleic và các hợp chất có đặc tính “chống ung thư”.
Nguồn thịt mới
Việc hoàn thành khai trương tổ hợp chăn nuôi thiên nga đen lấy thịt ở Triều Tiên diễn ra sau khi Chủ tịch Kim Jong-un có bài phát biểu mang tính bước ngoặt vào ngày 29 tháng 9 vừa qua cho rằng: Đảng nên “thanh toán hoàn toàn vấn đề lương thực trong tương lai gần” bằng cách cải thiện sản xuất nông nghiệp và các phương pháp chăn nuôi.
Theo đó, ông Kim đã yêu cầu tất cả các trường học, nhà máy và doanh nghiệp cần tăng gia mở rộng làm vườn, nuôi cá và các động vật khác trên mái nhà của họ và các khu vực đất trống khác để tăng cường khả năng tự cung tự cấp.
Cho dù nhà lãnh đạo Triều Tiên không đề cập cụ thể đến thiên nga, nhưng với tuyên bố sẽ “tìm thêm nguồn thịt mới từ cỏ” thông qua hoạt động chăn nuôi gia súc, dê và thỏ nên được tăng lên đáng kể.
Mặc dù được truyền thông mạnh mẽ việc mở rộng chăn nuôi thiên nga đen ở quy mô công nghiệp, tuy nhiên báo chí địa phương đến nay vẫn chưa tiết lộ thịt thiên nga đen sẽ được phân phối như thế nào hoặc có bao nhiêu trang trại thiên nga ở các vùng miền khác của đất.
Việc ăn thịt thiên nga được coi là điều cấm kỵ ở nhiều nơi trên thế giới và thậm chí đã từng xảy ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà chuyên môn xung quanh chủ đề này. Một cuộc tranh cãi trực tuyến về vấn đề này từng đề cập đến việc liệu có ai dám cả gan ngoài Nữ hoàng Anh được phép ăn thịt thiên nga một cách hợp pháp hay không, cho đến việc liệu loài chim cảnh này có phải là điềm xấu ở Trung Quốc hay không?
Theo nhà quan sát Colin Zwirko, giải pháp chăn nuôi mới của Triều Tiên nhằm giải quyết sự thất bại của các dự án chăn nuôi quy mô lớn trong nỗ lực cung cấp đủ lương thực cho người dân cả nước và các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 của chính phủ gần đây, trong bối cảnh quốc gia bí ẩn này đã buộc phải đóng cửa biên giới kéo theo sụt giảm lượng thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài kể từ đầu năm 2020.
Hồi tuần trước, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang thực hiện các bước để mở lại biên giới với Trung Quốc và Nga trong những tháng tới nhằm đối phó với khủng hoảng an ninh lương thực.
Các nhà quan sát cho rằng, sự quản lý yếu kém của nền kinh tế Triều Tiên ngày càng trầm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này cộng với các thảm họa thiên nhiên và đại dịch COVID-19.