Dự thảo về cơ chế mua bán điện trực tiếp do Bộ Công thương soạn thảo gồm 6 chương, 35 điều. Trong đó, 2 hình thức mua bán điện trực tiếp được xác định rõ.
Cụ thể, mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng (không qua lưới điện quốc gia) được quy định tại 4 điều trong chương 2. Mua bán thông qua lưới điện quốc gia được quy định tại 15 điều trong chương 3.
Nếu mua bán điện qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp, và bán toàn bộ điện năng sản xuất lên thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện lớn có thể ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Hoặc đơn vị phát điện ký hợp đồng kỳ hạn với khách hàng sử dụng điện lớn để quản lý rủi ro theo quy định.
Theo Bộ Công thương, các vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp, các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên đã được xác định rõ. Đặc biệt, trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA cũng được quy định chi tiết.
Hiện Bộ Công thương tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 30/4.
Tại buổi làm việc với Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cần xây dựng các quy định theo hướng đủ điều kiện áp dụng ngay vào thực tiễn, không làm theo hướng “nghị định khung”, tránh sau khi ban hành Nghị định lại chờ ban hành thêm văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, các chính sách trong Nghị định tập trung vào 2 vấn đề: cơ chế giá (bao gồm cả giá truyền tải, giá sản xuất, giá phân phối,…) và thủ tục hành chính liên quan.
“Tinh thần là ta phải làm khẩn trương. Thủ tướng đã chỉ đạo là làm theo cơ chế rút gọn, nhưng cũng phải đúng theo quy định của pháp luật, không bỏ sót khâu nào trong quy trình mà chỉ cố gắng rút ngắn về mặt thời gian”, Bộ trưởng bày tỏ.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được áp dụng tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, cơ chế này đã được nghiên cứu trong suốt nửa thập kỷ, nhằm hài hòa với các quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực, Luật Thương mại, Luật Thuế giá trị gia tăng và các pháp luật có liên quan.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ phó Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho biết, nhiều khách hàng mua điện muốn tham gia cơ chế DPPA. Đồng thời, ông cho rằng nên mở rộng, đa dạng đối tượng bán điện sang các loại năng lượng khác, thay vì chỉ có nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Cơ chế DDPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp FDI đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi cho rằng sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững được tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng song phương dài hạn, có giá và thời hạn do hai bên thỏa thuận và thống nhất.