Đinh hương mọc hoang ở rừng VN
Đã có thời nguồn lợi từ cây đinh hương là trung tâm tranh chấp giữa các đế quốc thực dân, do loại gia vị này lúc bấy giờ có giá rất cao trong khi loài cây này chỉ mọc tự nhiên ở Đông Nam Á, đặc biệt tập trung thành rừng nơi các đảo gia vị phía đông Indonesia.
Đến thế kỷ 17 người Hà Lan bắt đầu thiết lập các đồn điền trồng cây đinh hương trên các hòn đảo còn lại của vùng thuộc địa. Năm 1770 người Pháp đem được hột giống về trồng ở đảo Mauritius, rồi cây đinh hương được tiếp tục di thực đến những vùng sản xuất đinh hương chính hiện nay ở Tanzania, Madagascar, Sri Lanka, các tỉnh miền tây Ấn Độ và miền nam Trung Quốc.
Cây đinh hương có địa bàn sinh trưởng tự nhiên khắp vùng Đông Nam Á, càng gần xích đạo càng nhiều. Trước đây đinh hương được tìm thấy mọc hoang ở các tỉnh phía nam nước ta, trên các khu rừng nguyên sinh chưa bị dây leo che phủ và ở các đảo có tầng thổ nhưỡng đủ dày tạo nên hình thái loại đảo gia vị với 3 loài cây hương liệu chính là hồ tiêu (Piper nigrum), nhục đậu khấu (Myristica fragrans), và đinh hương (Syzygium aromaticum). Các rừng đinh hương nổi tiếng ở Ternate trong biển Moluccas, còn gọi là biển gia vị, có thân cây khá thẳng màu nâu lục trơn láng vươn cao đến 10 hay 20 mét, với bộ lá đặc trưng hình mác mặt đậm mặt nhạt, những cụm hoa màu đỏ mọc đều trên mỗi đầu cành, và những quả nạc màu vàng treo lủng lẳng trên các nhánh già.
Các chồi hoa ban đầu có màu trắng nhạt, chuyển dần sang màu xanh lục, rồi khi nụ hoa ngả qua màu đỏ thì người ta bắt đầu thu hái, phơi khô, đóng gói để bán. Đinh hương được nhặt hái bằng tay trước khi nụ nở thành hoa. Lúc đó hàm lượng tinh dầu trong nụ lên đến 15-20% trong khi chỉ có 5-6% trong cuống và 2-3% trong lá, với thành phần chất thơm gồm 70 đến 85% eugenol, 15% eugenol acetat, và 5 đến 12% beta caryophyllen. Chính hai kỹ nghệ ướp thơm thuốc lá và dùng eugenol sản xuất hương vani tổng hợp đang cạnh tranh mạnh với việc sử dụng đinh hương trong ngành thực phẩm, hương liệu và y tế. Người ta tính ra rằng phải cần đến 8 hay 10 ngàn nụ tươi để có 1 kg nụ khô thương phẩm.
Mỗi cây đinh hương trưởng thành chỉ sản xuất được mỗi năm từ 2 đến 10 kg và như vậy năng suất bình quân của mỗi hecta đinh hương xen canh nơi các vườn dừa dọc theo bãi biển sẽ vào khoảng 400 kg thương phẩm. Nơi các vườn cây thâm canh có chế độ chăm sóc tốt hơn, mỗi cây đinh hương có thể cho ra mỗi năm 34kg nụ khô thương phẩm, bao gồm hai vụ thu hái, một vào cuối mùa hè, một vào giữa mùa thu. Mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 80.000 tấn đinh hương, trong đó 50 đến 60 ngàn tấn từ vùng Đông Nam Á, phần còn lại từ Đông Phi, Sri Lanka, Ấn Độ và một vài địa điểm khác ven bờ Ấn Độ Dương. Do nhu cầu tiêu thụ lớn và giữ được giá cao trong nhiều năm liền, các nông trường trồng cây đinh hương thường có thu nhập ổn định và hàng năm đều có thêm những trang trại mới giữa vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Người ta trồng đinh hương bằng hạt tuy rằng có thể giâm cành. Các hạt được gieo trực tiếp trên những luống đất đỏ hay đất thịt nhiều mùn thoát thủy. Các hạt nẩy mầm sau 10 hay 15 ngày, và người ta đem đặt vào các túi nhựa chứa đất trộn với phân bò, rồi để vào nơi mát mẻ để chăm sóc. Khoảng 18 hay 24 tháng sau, cây con được đem trồng vào các hố đào sẵn xen giữa vườn cây, đặc biệt giữa các vườn dừa, tiêu, cà phê, ca cao hay đào lộn hột. Đất trộn phân bò với các mùn cây rất được cây non ưa chuộng. Cây đinh hương sẽ cho hoa lần đầu vào khoảng năm thứ sáu đến thứ chín, nhưng phải đến năm thứ 20 mới cho trái làm giống sau mùa trổ bông kéo dài từ năm đến sáu tháng. Các cây mạnh khỏe tiếp tục cho nụ tươi tốt cho đến trên tuổi 60, thậm chí trên cả trăm tuổi, tạo nên nguồn lợi rất lớn và bền vững cho nhiều nhà nông giữa vùng nhiệt đới.
Nụ và hoa đinh hương |