| Hotline: 0983.970.780

Trồng dâu nuôi tằm giúp nhiều hộ dân biên giới khấm khá

Thứ Ba 05/10/2021 , 09:22 (GMT+7)

Dâu tằm là cây trồng chủ lực của huyện biên giới Bảo Lạc (Cao Bằng), được khuyến khích mở rộng. Từ trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hộ thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm.

Cây xóa nghèo nơi biên giới

Gia đình ông Lần Văn Lùng, xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) trước đây chủ yếu trồng ngô, lúa nên không đủ ăn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Năm 2015, ông mạnh dạn chuyển diện tích trồng ngô sang trồng 25.000 cây dâu. Hiện nay, mỗi năm ông Lùng nuôi 8 lứa tằm, thu gần 1 tấn kén, thu được hơn 100 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh nhất ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Ảnh: C.H.

Mô hình trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh nhất ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Ảnh: C.H.

Ông Lùng tâm sự: Tôi là người đầu tiên ở xóm trồng dâu, nuôi tằm, thấy hiệu quả kinh tế, giờ cả xóm có 37/52 hộ tham gia .Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế gia đình tôi có nhiều thay đổi, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất hằng ngày.

Năm 2012, thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm có tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nông Văn Hoàn, xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và năm 2013 chính thức đầu tư mua 25.000 hom giống dâu về trồng trên 0,75 ha đất canh tác của gia đình.

Anh Hoàn chia sẻ: Mỗi năm tôi nuôi hơn 10 lứa tằm, thu hơn 150 triệu đồng  Nghề nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi phải áp dụng đúng kỹ thuật. Chỗ nuôi tằm phải khô ráo, nền láng xi măng sạch sẽ, xung quanh quây bằng bạt đảm bảo kín gió, được khử trùng. Tôi thường chăn tằm 4 - 5 lần/ngày (cao hơn nhiều hộ khác 1 - 2 lần/ngày) nên khi thu hoạch, tằm cho kén to, nặng, năng suất cao hơn.

Phát triển gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ

Trồng dâu nuôi tằm là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện Bảo Lạc thực hiện từ năm 2011 trên diện tích 3 ha của 11 hộ dân ở xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba.

Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cô Ba cho biết: Trước đây người dân xã biên giới Cô Ba chỉ trồng lúa, ngô truyền thống. Mấy năm gần đây, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi sang nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, cả 10 xóm của xã đều trồng dâu nuôi tằm, diện tích toàn xã gần 93 ha dâu. Từ trồng dâu, nuôi tằm đã giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là ở các xóm biên giới xóa đói, giảm nghèo.

Cây dâu tằm được mở rộng diện tích những năm gần đây ở huyện Bảo Lạc. Ảnh: C.H.

Cây dâu tằm được mở rộng diện tích những năm gần đây ở huyện Bảo Lạc. Ảnh: C.H.

Năm 2019, huyện Bảo Lạc đầu tư gần 700 triệu đồng từ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất nương rẫy, quy mô 13 ha tại 2 xã Bảo Toàn, Hồng Trị với 51 hộ dân tham gia.

Sau 1 năm triển khai, mô hình đạt kết quả tốt, năng suất lá bình quân đạt 15 tấn/ha, đảm bảo cung cấp thức ăn đủ nuôi 13 - 14 lứa tằm/năm, sản lượng kén bình quân thu được 900 - 1.000 kg/năm, 1 ha thu lãi khoảng 90 triệu đồng, lãi gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô, lúa.

Huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) hiện có hơn 230 ha dâu tằm, năm 2021 trồng thêm được 32 ha. Diện tích trồng dâu tằm chủ yếu ở các xã: Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn, Hưng Đạo. Từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng kén tằm xuất bán gặp nhiều khó khăn. Một số hợp tác xã, doanh nghiệp đã tìm kiếm thị trường mới và ký kết hợp đồng với các xưởng ươm tơ tại tỉnh Nam Định để bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Nhiều hộ dân biên giới ở huyện Bảo Lạc có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: C.H.

Nhiều hộ dân biên giới ở huyện Bảo Lạc có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: C.H.

Ông Tô Đức Bình, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: Trồng dâu nuôi tằm được huyện tập trung chỉ đạo phát triển theo kế hoạch thực hiện nội dung đột phá phát triển nông nghiệp an toàn và phát triển cây đặc sản theo hướng hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025 của huyện.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm vốn đầu tư không lớn, chỉ khoảng 30 triệu đồng để mua hom giống dâu, phân bón, vật dụng nuôi... Việc đầu tư cây giống chỉ thực hiện trong năm đầu tiên, thời gian sống của cây dâu có thể kéo dài 10 - 15 năm.

Để kén tằm thực sự trở thành hàng hóa, nông dân yên tâm sản xuất, huyện tăng cường hướng dẫn, tập huấn áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao chất lượng kén tằm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác. Khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm kén tằm nhằm ổn định thị trường tiêu thụ; sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất, giống cây dâu tằm cho người dân, ông Bình cho biết thêm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.