| Hotline: 0983.970.780

Trồng dâu nuôi tằm khó

Thứ Tư 09/04/2014 , 11:02 (GMT+7)

Tằm lai Trung Quốc nuôi được cả vụ xuân và vụ hè nhưng lại khó kiểm soát được dịch bệnh. Dâu nuôi tằm sau nhiều năm thâm canh cũng bị thoái hóa, giảm năng suất.

Thôn Trần Xá, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn và thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách là 2 vùng trồng dâu nuôi tằm ở Hải Dương đang gặp khó khăn do giống tằm nhiễm bệnh, giống dâu thoái hóa.

Tại thôn Trần Xá, xã Lạc Long hầu như nhà nào cũng vẫn giữ và làm nghề này. Ông Nguyễn Văn Hưng, trưởng thôn cho biết: Cả thôn có 153 hộ nuôi tằm, quy mô trung bình khoảng 4 vòng/hộ (mỗi vòng tằm nuôi được 13 - 14 nong). Mỗi năm, nuôi được từ 8 - 10 lứa, trung bình mỗi lứa từ 20 - 25 ngày, thu được khoảng 1 triệu đ/vòng.

Trừ giống vốn, khấu hao tài sản, dụng cụ, một lứa tằm, mỗi nhà cũng thu lãi khoảng 3,2 - 4 triệu đồng (chưa kể công chăm sóc). Hằng năm, mỗi hộ nuôi tằm thu lãi khoảng 30 - 50 triệu đ, nuôi tốt có nhà còn đạt gần trăm triệu.

Ông Trần Quốc Sẻ, một hộ nuôi tằm giàu kinh nghiệm cho biết: Gia đình ông có truyền thống nuôi tằm từ mấy chục năm nay và năng suất tằm cũng cao nhất nhì thôn. Mỗi năm, ông nuôi được 10 lứa, năng suất các năm trước, có vụ đạt 12 - 15 kg kén/vòng trứng, bán được 100.000 - 125.000 đ/kg kén tằm. Hiệu quả có thể nói là rất cao.

"Trước đây nông dân nuôi tằm thuần. Sau đó, nhập tằm lai về nuôi vì năng suất cao hơn nhiều. Lúc đầu, họ còn nhập tằm Triều Tiên- một loại tằm to cho năng suất rất cao. Song, loại này chỉ nuôi được ở vụ xuân, không nuôi được ở vụ hè. Vì thế, những năm gần đây, họ thay bằng giống tằm lai Trung Quốc (tằm trắng và tằm vàng Ngọc Lâm) nuôi được cả vụ xuân và vụ hè.

Nhưng nhiều vụ, nhiều lứa tằm gần đây năng suất không cao (từ 12 - 15 kg kén/vòng trứng nhưng chỉ thu được 8 - 10 kg/vòng, thậm chí chỉ còn 7 kg/vòng). Nguyên nhân chủ yếu là do tằm nuôi hay bị bệnh, khó chữa nên chết nhiều", ông Sẻ nói.

Ra cánh đồng đầu vụ xuân chúng tôi gặp anh Trương Văn Linh đang chăm sóc dâu. Anh tâm sự: "Giống dâu của địa phương đang phát triển đã có từ lâu, nông dân gọi là dâu ta. Chính vì cứ duy trì liên tục trong nhiều vụ, nhiều năm lại cùng trên một chân đất, không chăm bón đầy đủ nên năng suất lá dâu ngày càng giảm mạnh. Trung bình 1 sào chỉ thu được khoảng 0,8 - 01 tấn lá dâu. Có năm, không thuận lợi, sâu bệnh hại nhiều, năng suất lá dâu chỉ còn 10 - 13 tấn/ha.

Các cấp ngành, cơ quan chuyên môn cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tạo giống dâu, tằm để người nuôi yên tâm phát triển và duy trì nghề truyền thống, cụ thể là chuyển giao giống mới, hướng dẫn phương pháp nuôi tằm mới, sử dụng thuốc BVTV an toàn, triển khai các đề tài, dự án cải tạo giống dâu tằm... nhằm đem lại lợi nhuận cao hơn
cho nông dân.

Việc phòng trừ sâu bệnh cũng gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều tiền mua thuốc mà có những bệnh mãi không khỏi... Tôi và nhiều hộ khác nuôi tằm đều mong muốn có được một giống dâu mới năng suất cao hơn, kháng sâu bệnh tốt hơn để thay thế".

Qua trao đổi được biết, nông dân nơi đây còn sử dụng thuốc Bi58 để thường xuyên phun trừ rệp cho cây dâu mà không biết hiện nay thuốc này không được phép phun cho rau nên rất độc cho tằm.

Khi được hỏi về việc chuyển giao KHKT trong trồng dâu nuôi tằm, anh Linh cho hay: "Nhiều vụ tằm gần đây, người nuôi ít được tư vấn kỹ thuật, cũng không nắm được nhiều thông tin về những tiến bộ mới của nghề này. Chủ yếu các hộ nuôi tằm chỉ đúc rút kinh nghiệm từ thực tế và học hỏi lẫn nhau".

Ông Nguyễn Khắc Khoảng, Chủ nhiệm HTXNN Nam Hưng cho biết: "Nơi đây nuôi tằm với quy mô vài trăm hộ, chủ yếu trồng dâu ta, nuôi tằm lai Trung Quốc hoặc tằm Thái Bình, không mấy khi được chuyển giao kỹ thuật... Từ tháng 7/2013 địa phương được SX một giống dâu mới VH15 và VH17 do Sở KH-CN tỉnh triển khai làm đề tài khảo nghiệm. Đến nay, vẫn chưa đánh giá được kết quả vì dâu vẫn non".

Theo tìm hiểu, đa số các giống tằm Trung Quốc đều được nhập vào nước ta theo con đường tiểu ngạch, không có kiểm dịch. Cho nên, tằm nuôi không thể kiểm soát được dịch bệnh, gây nhiều khó khăn cho người nuôi.

Với giống dâu dùng làm thức ăn cho tằm bị giảm năng suất là vì đã sử dụng và phát triển nhiều năm trên cùng một diện tích đất canh tác. Nông dân không được trang bị sâu về kỹ thuật thâm canh (chăm sóc không cân đối, biện pháp BVTV không khoa học...) nên dâu bị thoái hóa và giảm năng suất mạnh.

Mặt khác, tại 2 vùng tằm của tỉnh Hải Dương, nông dân đều không biết phương pháp nuôi tằm lớn dưới nền nhà mà chỉ nuôi trên nong nên rất tốn công chăm sóc, vệ sinh khó khăn và tốn dụng cụ đựng tằm. Trong khi đó, qua các báo cáo, thông tin khoa học của các cơ quan nghiên cứu nước ta thì nuôi tằm có thể áp dụng qua 2 giai đoạn (tằm con nuôi tập trung và nuôi tằm lớn dưới nền nhà rất hiệu quả).

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.