| Hotline: 0983.970.780

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

Thứ Hai 22/04/2024 , 07:33 (GMT+7)

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Trồng cây "sợ nước", lãi 20 triệu đồng/sào

Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Địa phương này ưu tiên phần lớn quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, đồng nghĩa diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ co hẹp lại. Từ định hướng của tỉnh và ngành NN-PTNT, huyện Nghi Lộc đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu, chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn.

Trồng hành tăm cho thu nhập cao, đồng thời là giải pháp cho bài toán ứng phó với hạn hán. Ảnh: Việt Khánh.

Trồng hành tăm cho thu nhập cao, đồng thời là giải pháp cho bài toán ứng phó với hạn hán. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc chia sẻ: “Nghi Lộc nằm cuối nguồn của hệ thống sông Cấm, thuộc khu vực đầu mặn - cuối ngọt nên thường xuyên chịu cảnh thiếu nước tưới trầm trọng, nhất là ở vụ hè thu. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện ngày càng xuống cấp theo thời gian, làm giảm hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt. Vì vậy, công tác chống hạn và sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức”.

Xuất phát từ tình hình trên, huyện Nghi Lộc đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững thay vì phải thường xuyên ứng phó với hạn hán. Theo đó, huyện định hướng cho bà con ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng cao cưỡng, khó cấp nước tưới, từng bước chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, trồng rau màu hàng hóa, trong đó trọng tâm là cây hành tăm.

Toàn huyện Nghi Lộc có khoảng 300ha hành tăm. Ảnh: Tâm Phùng.

Toàn huyện Nghi Lộc có khoảng 300ha hành tăm. Ảnh: Tâm Phùng.

Hành tăm là cây màu có khả năng thích hợp ở cả những vùng đất cát pha bạc màu, chịu hạn rất tốt, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng mạnh nên rất phù hợp đưa vào cơ cấu sản xuất trên các chân đất cao cưỡng, vùng đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nước tưới. Đến nay, diện tích trồng hành tăm toàn huyện Nghi Lộc được duy trì đều đặn khoảng 300ha, tập trung ở 3 xã Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Kiều.

Nông dân đánh giá so với trồng lúa hay các loại rau màu khác, trồng hành tăm cho hiệu quả cao hơn nhiều. Giàu có chưa dám nói nhưng chí ít cây hành tăm cũng giúp bà con có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ông Lê Chí Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận (huyện Nghi Lộc) cho biết: Nghi Thuận có truyền thống, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt khoảng 5 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của xã đã thực sự chuyển biến mạnh mẽ khi bà con chuyển từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Hiệu quả trên thực tế cho thấy đây đang là hướng đi đúng.

"Mùa nào cây ấy, thị trường cần gì chúng tôi cơ bản đều có thể đáp ứng được, nào mướp đắng, dưa chuột, hành tăm, rau cải các loại…, hết loại này đến loại khác, cứ thế thay nhau gối vụ quanh năm”, ông Thông bộc bạch.

Ông Lê Chí Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết hành tăm là cây trồng chủ lực của xã. Ảnh: Tâm Phùng. 

Ông Lê Chí Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết hành tăm là cây trồng chủ lực của xã. Ảnh: Tâm Phùng. 

Trước khi thực hiện chủ trương bền bù giải phóng mặt bằng để lấy đất phục vụ cho các dự án công nghiệp, Nghi Thuận có khoảng 400ha chuyên sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã giảm còn khoảng 300ha. Diện tích ít đi nhưng chẳng đáng lo khi hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị canh tác đã bù đắp lại, chưa kể còn tạo ra động lực để nông dân an tâm gắn bó với bờ xôi ruộng mật.

Trong các loại cây màu, cây hành tăm đang giúp nông dân Nghi Thuận hái ra tiền. Từ khoảng 30ha ban đầu, hiện nay diện tích hành tăm của xã đã tăng lên 97ha. Canh tác cây hành tăm từ phương thức truyền thống đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, cho giá trị kinh tế cao.

Xã có 1.000 hộ trồng hành tăm

Hiện toàn xã Nghi Thuận ước có khoảng 1.000 hộ trồng hành tăm. Cây trồng này là cứu cánh của nông dân Nghi Thuận, không chỉ cánh thanh niên sức dài vai rộng, đến những người qua độ tuổi lao động vẫn có thu nhập cao nhờ trồng hành tăm. Đến nay, Nghi Thuận đã xây dựng được thương hiệu cho cây hành tăm, nhất là khi sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2023.

Rơm rạ, lá thông, vỏ trấu được rải lên mặt luống hành để tạo ẩm độ phù hợp. Ảnh: Việt Khánh.

Rơm rạ, lá thông, vỏ trấu được rải lên mặt luống hành để tạo ẩm độ phù hợp. Ảnh: Việt Khánh.

Trồng hành tăm không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Khâu làm đất đóng vai trò rất quan trọng, phải giữ đất khô, tơi xốp trước khi xuống giống. Hành tăm ưa nắng, không ưa nước, do đó cần tạo rãnh đủ lớn để thoát nước, đồng thời chủ động thu gom rơm rạ, lá thông, vỏ trấu rải lên mặt luống, cách này vừa giúp giữ ẩm độ thích hợp cho cây hành tăm phát triển, vừa chống rửa trôi hiệu quả, kiểm soát được cỏ dại, bổ sung thêm chất hữu cơ cho đất...

Thời gian sinh trưởng của cây hành tăm khá dài, từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch kéo dài 5 - 6 tháng. Dẫu mất thời gian, lại qua nhiều công đoạn nhưng nếu nông dân kiên trì tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho quả ngọt, dù bán cây hay lấy củ đều mang lại giá trị kinh tế cao. Bình quân một sào thường thu hoạch được khoảng 4 tạ hành củ, giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, những lúc cao điểm (thu mua làm giống) có thể tăng gấp 2 - 3 lần.

Bình quân mỗi sào hành tăm sau khi trừ chi phí, nông dân dư sức lãi 20 triệu đồng. Ở Nghi Thuận nhiều hộ trồng hành tăm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu có thể kể đến gia đình ông Phùng Văn Trung, Nguyễn Văn Sơn ở xóm Nam Kim Hòa, hay gia đình bà Thủy ở xóm Bắc Kim Hòa.

Thu nhập ổn định từ nghề trồng hành tăm giúp gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh có điều kiện chăm lo cho con cái. Ảnh: Việt Khánh.

Thu nhập ổn định từ nghề trồng hành tăm giúp gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh có điều kiện chăm lo cho con cái. Ảnh: Việt Khánh.

Trên cánh đồng xanh mướt mắt thuộc xóm Khánh Thiện, nơi được xem là “vựa hành” của xã Nghi Thuận, chị Nguyễn Thị Thịnh (sinh năm 1971) đang cặm cụi thu hoạch hành. Miệng nói, tay làm nhanh thoăn thoắt, đưa tay gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Thịnh kể: “Gia đình trồng hành tăm hàng chục năm rồi, đến nay đã tiếp nối qua nhiều thế hệ. Dù có những thời điểm biến động do phải chuyển đổi địa điểm canh tác nhưng tôi xác định phải gắn bó với nghề.

Trên diện tích hơn 4 sào, ngoài hành tăm gia đình tôi còn trồng xen rau cải, ngô ngọt, mướp đắng, nhìn thế thôi nhưng rất đáng tiền. Mỗi năm nếu tổng cộng nguồn thu từ hành tăm và các loại rau màu khác, nếu được mùa, được giá, có thể cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Làm nông thuần túy, đạt được mức thu nhập như thế là quá tốt rồi”.

Là nông dân chính hiệu nên chị Thịnh tâm sự thật như đếm. Chị chuyên tâm làm màu, chồng theo nghề thợ xây, bình dị thôi nhưng kinh tế đủ lo toan cho 3 con ăn học đến nơi đến chốn. Cháu đầu đã xuất ngoại, kinh phí làm thủ tục ngót nghét 200 triệu đồng. Đứa thứ 2 đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, dự kiến xong xuôi thủ tục cũng ngốn khối tiền. Vì tương lai con trẻ, cha mẹ phải tất tả lo toan, nặng gánh là vậy nhưng chị Thịnh tự tin khẳng định chẳng phải vay mượn gì.   

“Nghi Thuận sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi cây trồng phù hợp trong thời gian tới, trong đó xác định cây hành tăm vẫn là đối tượng chủ lực trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2025 đến 2030, dự kiến toàn xã sẽ nhân rộng thêm 30ha hành tăm nữa”, ông Lê Chí Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận nhấn mạnh.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.