| Hotline: 0983.970.780

Trồng hoa sứ xuất khẩu sang Dubai, nông dân kiếm tiền tỉ

Thứ Sáu 04/03/2022 , 17:18 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Cây sứ Ánh Dương được thương lái đặt mua hàng chục ngàn chậu/năm để xuất sang Dubai (UAE), nhiều chủ nhà vườn thu về hàng tỉ đồng/năm.

Nhiều năm nay, nông dân làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) phất lên nhanh chóng nhờ trồng cây sứ, đặc biệt là giống sứ Ánh Dương được thương lái đặt hàng chục ngàn chậu/năm để xuất sang đi Dubai (UAE) thu về hàng tỉ đồng/năm.

Nhà vườn của anh Nguyễn Thanh Hùng cung cấp ra thị trường hơn 60.000 cây sứ/năm. Ảnh: Hoài Tiên.

Nhà vườn của anh Nguyễn Thanh Hùng cung cấp ra thị trường hơn 60.000 cây sứ/năm. Ảnh: Hoài Tiên.

Thời điểm này, nông dân làng hoa Sa Đéc, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc đang tất bật chăm bón nguồn hàng sứ Ánh Dương, chờ đợt thu mua của thương lái, bên cạnh đó tranh thủ chiết nhánh, ươm bầu, vô chậu luân phiên cho đợt kế tiếp. 

Anh Nguyễn Thanh Hùng, chủ vườn sứ Thanh Hùng, phường Tân Quy Đông cho biết, gia đình anh đã trải qua 3 đời trồng hoa kiểng, chủ yếu là hoa hồng. Khoảng 10 năm gần đây, anh chuyển hoàn toàn qua trồng đặc trưng cây sứ tiêu thụ trong nước và xuất đi Dubai hàng chục ngàn cây mỗi năm.

“Riêng giống sứ Ánh Dương, khách hàng đặt 40.000 chậu nhưng tôi chỉ giao được 20.000 chậu với giá dao động từ 50.000 - 80.000 đ/cây tùy kích thước. Chúng tôi làm việc và giao kèo với thương lái, họ sẽ chuyển khoản tiền hàng qua trước. Sau đó tới ngày hẹn, chúng tôi bó cây lại, xếp lên container sẵn để họ chở đi, khoảng 1 tháng là đến nơi”, anh Hùng nói.

Anh Đặng Tuấn Hải chiết cành, bầu giống sứ Ánh Dương cung cấp cho đợt tiếp theo. Ảnh: Hoài Tiên.

Anh Đặng Tuấn Hải chiết cành, bầu giống sứ Ánh Dương cung cấp cho đợt tiếp theo. Ảnh: Hoài Tiên.

Thời gian đầu, thương lái tìm đến tận vườn sứ thu mua nhiều loại sứ hạt, tức là cây sứ được gieo trồng bằng hạt sau một năm ra hoa có màu sắc ngẫu nhiên, đa dạng với gần 30 tên gọi như: Hồng Ngọc, Kim Lân, Đại Mỹ Nhân, Kiều Diễm...

Về sau, khách hàng ưa chuộng giống sứ Ánh Dương hơn, chúng có hoa màu màu đỏ thắm riêng biệt do được lai tạo bằng phương pháp chiết cành nên thế hệ sau giữ được màu nguyên thủy. Cây cũng chịu hạn tốt, phù hợp khí hậu vùng Trung  Đông, ít hao hụt trong quá trình vận chuyển đi xa và thời gian chăm sóc ngắn, ít bệnh so với cây sứ hạt.

Vườn sứ nhà anh Hùng đa dạng chủng loại, màu sắc với diện tích hơn 10.000m2, sản xuất gần 60.000 cây/năm, anh thu về trên 3 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí và 5 nhân công, gia đình anh đạt lợi nhuận trên dưới 1 tỉ đồng.

Nông dân tất bật chuẩn bị sẵn nguồn sứ Ánh Dương chờ đợt thu mua của thương lái vào tháng 6. Ảnh: Hoài Tiên.

Nông dân tất bật chuẩn bị sẵn nguồn sứ Ánh Dương chờ đợt thu mua của thương lái vào tháng 6. Ảnh: Hoài Tiên.

Còn ông  Đặng Tuấn Hải, chủ vườn sứ Hải Mập, ngụ phường Tân Quy Đông là nông dân "ăn nên làm ra" từ việc trồng cây sứ. Khách hàng thông qua một đầu mối trung gian tại Việt Nam vừa là người phiên dịch để trực tiếp thu mua của nông dân 2 đợt/năm.

Ông Hải kể lại: "Năm ngoái, khách hàng đặt 15.000 cây nhưng tôi gom nhà vườn được 5.000 cây sứ Ánh Dương để bán lại kiếm lời. Vì tôi tập trung vào trồng sứ hạt mau ăn hơn, làm giảm nguồn cung một năm cũng không sao. Họ đặt gần 80.000 cây, nhưng gom cả làng hoa Sa Đéc cũng chỉ được gần 60.000 cây thôi".

Theo ông Hải, việc bán thông qua thương lái làm giảm đi lợi nhuận của nông dân. Vì thế, về lâu dài, nông dân cần có sự chuẩn bị tốt ở tất cả các khâu từ sản xuất đến cung ứng thị trường thì lợi nhuận sẽ tăng thêm 25% là chắc chắn.

Người lao động tại địa phương sống nhàn nhờ công việc quanh năm từ vườn trồng sứ. Ảnh: Hoài Tiên.

Người lao động tại địa phương sống nhàn nhờ công việc quanh năm từ vườn trồng sứ. Ảnh: Hoài Tiên.

Trồng sứ Ánh Dương dễ ở chỗ chỉ cần chiết cành, tưới phân, chờ đúng ngày thì vào chậu. Sau 1 năm, cây cho hoa thành chùm nụ, kéo dài từ 15 - 20 ngày. Mùa nắng cây ra hoa liên tục và đẹp. Mùa mưa dễ gây thối hoa, rễ, cần xử lý thuốc chống úng thối. Đặc biệt cây sứ chỉ bị bệnh từ năm thứ 2 trở đi, vì thế năm đầu tiên công chăm sóc rất nhẹ.

Chị Nguyễn Kim Phượng Em, ngụ xã Tân Khánh Trung, TP Sa Đéc chia sẻ: Chị làm thuê cho vườn sứ Hải Mập hơn 6 năm. Công việc tại vườn sứ cũng nhẹ nhàng, xoay vòng các khâu như cắt cành, chiết bầu, vô chậu. Mỗi ngày làm 8 giờ, lương 6 triệu đồng/tháng, đủ để chi tiêu trong gia đình,

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết: Hoa kiểng TP Sa Đéc nhiều năm nay đã và đang phát triển, trong đó có cây sứ được nông dân chăm chút và xuất khẩu đi nước ngoài.

Phòng Kinh tế cũng liên hệ với các ngành chuyên môn để tạo điều kiện mở các lớp tập huấn cho nông dân có nhu cầu, khuyến khích tăng cường con em đi học thêm tiếng nước ngoài để thuận tiện trao đổi mua bán hàng xuất khẩu. Xuất khẩu theo kinh tế tuần hoàn cũng là chủ trương của tỉnh, đã và đang triển khai cho nông dân thích ứng với chuyển đổi số thông qua các kênh thương mại điện tử.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.