Cây khóm (hay còn gọi là thơm, dứa) được xem là cây cứu cánh ở các thôn Định Thắng, Định Thọ (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên); bởi nhờ trồng khóm mà thu nhập khá.
Chúng tôi về thôn Định Thắng, nơi mà hàng chục hộ dân trồng khóm ở vùng đất đồi, sỏi đá thuộc khu vực Đồng Din đã vươn lên thoát nghèo. Vừa tới đầu làng mùi thơm của khóm chín tỏa ra thơm phức, vì khóm sau khi thu hoạch trên đồi núi thì được người dân chở về tập kết để thương lái đến thu mua.
Thấy ông Đỗ Văn Thanh vừa thu hoạch khóm chở về chất đầy trước sân, chúng tôi ghé hỏi thăm: “Khóm năm nay được mùa không chú?”. Ông Thanh liền gật đầu ứng ý nói: “Lãi cũng kha khá”. Để mục sở thị tìm hiểu người dân trồng khóm, chúng tôi đành nhờ ông Thắng dẫn lên vùng Đồng Din. Từ thị trấn Phú Hòa vào Đồng Din phải đi khoảng 7 km đường đất, gập ghềnh.
Dọc hai bên con Suối Cái là rừng khóm xanh bạt ngàn trải dài từ chân đồi đến đỉnh đồi. Người trồng khóm ở đây sống trong những căn chòi tạm bợ, nhưng cảm thấy mãn nguyện vì mỗi năm nhờ trồng xóm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Thanh cho biết, trước kia Đồng Din là vùng đất sỏi đá, hoang vu, chỉ trồng được cây bạch đàn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Dần về sau, vài người thử trồng khóm, không ngờ cây khóm bám đất, mang lại thu nhập cao. Từ đó bà con nơi đây, trong đó có gia đình ông cũng chuyển sang trồng khóm đến nay. Hiện ông có khoảng 2 ha khóm, trung bình mỗi năm lãi ròng 70 triệu đ/ha.
Ông Lê Thanh Tòng, hộ trồng khóm gần bên cho biết, cứ 1 ha trồng khoảng 40.000 cây (tức 4 cây/m2), năm đầu giống khóm tơ ra 1 trái/cây, năm sau cây đẻ ra nhiều nhánh hơn nếu chăm sóc tốt mỗi cây ra từ 3 - 4 trái, với giá dao động từ 4.000 - 7.000 đ/trái, thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Như gia đình ông có 4 ha, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Cũng theo ông Tòng, khóm là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít xảy ra sâu bệnh, đầu tư vốn ít, lãi cao; trồng một lần nhưng cho thu hoạch quả đến 10 - 15 năm. Hơn nữa hiện người trồng khóm nơi đây có “bí quyết” để điều khiển cho khóm ra quả trái vụ, thu hoạch liên tục quanh năm. Bằng cách dùng đất đèn pha nước tưới lên ngọn khóm khoảng 5 tháng sau sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 kg đất đèn pha với 100 lít nước, thì tưới được khoảng 2.000 cây.
Qua tìm hiểu được biết, khóm được trồng nơi đây mặc dù trái nhỏ hơn so với vùng khác, tuy nhiên vị ngọt, thơm lại vượt trội hơn. Hiện thị trường ở các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…rất ưa chuộng. Ông Đoàn Long Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa cho biết, hiện khu vực Đồng Din có khoảng 200 hộ trồng khóm với diện tích hơn 100 ha. Nhờ khóm có giá, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Còn ông Nguyễn Siêng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ triển khai dự án trồng khóm tại khu vực Đồng Dinh theo hướng VietGAP, đồng thời đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu "Khóm Đồng Dinh".