VnSAT giúp nông dân trồng lúa giỏi hơn
Có thể khẳng định rằng nhiều năm qua Dự án VnSAT đã giúp cho hàng triệu nông dân ĐBSCL nắm bắt và học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó nâng trình độ sản xuất lúa đạt lên tầm cao hơn ở mặt chất lượng cả về năng suất. Từ những kết quả thành công đó đã giúp nông dân tăng thu nhập từ cây lúa và làm giàu cũng từ cây lúa.
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa đứng nhứt nhì ở ĐBSCL, mặc dù các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đã được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai khá sớm. Nhưng việc phổ biến và lan truyền những kỹ thuật tiến bộ khoa học kỹ thuật này còn chậm do kinh phí của địa có giới hạn nên chỉ có một số nông dân giỏi phát huy được kiến thức và kỹ năng tiếp thu được. Đa phần nông dân còn lại họ phải duy trì tập quán cũ như sạ dày, bón phân nhiều và phun thuốc nhiều lần…làm tốn nhiều chi phí, lợi nhuận giảm.
Bên cạnh đó vẫn còn xa lạ trong liên kết làm ăn với doanh nghiệp thì nông dân chưa dám mạnh dạn thực hiện chuỗi liên kết hay gia nhập vào HTX để tham gia vào cánh đồng lớn. Còn mang nặng tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún “mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán”.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc VnSAT An Giang cho biết, đã qua gần 7 năm được VnSAT triển khai các dự án tại An Giang đã giúp nhiều nông dân trồng lúa đạt hiểu quả cao hơn so với trước đây rất nhiều. Dự án VnSAT An Giang được thực hiện tại 5 huyện (45 xã) bao gồm: Châu Phú (8 xã), Thoại Sơn (13 xã), Tịnh Biên (11 xã), An Phú (7 xã) và Tri Tôn (6 xã) với tổng số hộ tham gia 26.018 hộ trên diện tích 38.602 ha. Tỉnh An Giang được phân bổ vốn thực hiện dự án với nguồn ODA 9,6 triệu USD (208 tỷ đồng) và vốn đối ứng tỉnh 50,8 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện Dự án ở An Giang đã có nhiều câu chuyện rút ra nhiều bài học thành công. Cụ thể như câu chuyện nắm bắt những tiến bộ khoa học của nông dân ngày nay khá nhanh. Những người nông dân đã hiểu ra rằng chỉ có con đường làm giảm giá thành trong sản xuất mới tăng được lợi nhuận và có thể tự làm giàu từ cây lúa là phải biết nắm bắt thành thạo về những tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.
Nhiều năm nay nông dân An Giang đã áp dụng và thành công, đã giảm được giống từ sạ dày trước đây 170-200kg/ha nay giảm xuống còn 100-120kg/ha. Còn trước đây khi có sâu bệnh xuất hiện trên đồng ruộng nông dân cứ chạy ra cửa hàng vật tư nông nghiệp mua thuốc BVTV về mang bình ra phun xịt từ 7-10 lần/vụ. Ngày nay nông dân làm lúa khi có sâu bệnh nhiều cho mấy cũng chỉ phun xịt tối đa từ 5-6 lần là nhiều.
Theo ông Phả, mục tiêu của Dự án VnSAT An Giang tỷ lệ số hộ dân trồng lúa được đào tạo áp dụng “3 giảm 3 tăng” đạt từ 70-75% khi kết thúc dự án. Qua quá trình thực hiện, tỷ lệ hộ/diện tích áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “ 1 phải 5 giảm” tăng dần theo từng vụ và đạt 76,5% vào cuối năm 2020 đúng theo lộ trình đã đề ra. Trong đó, chỉ tiêu diện tích áp dụng “3 giảm 3 tăng” thực hiện được 19.927 ha vụ hè thu 2021, đạt 120% mục tiêu của dự án. Lợi nhuận của nông dân khi tham gia dự án tăng 24,6% so với bên ngoài.
HTX được nâng tầm nhờ sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng
Do chuyển nhanh từ lúa 2 vụ lên 3 vụ, nhiều nơi ở Đồng Tháp chưa kịp hoàn chỉnh kênh mương và đường nội đồng nên việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, vận chuyển vật tư, lúa hàng hóa, máy nông nghiệp… còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chi phí sản xuất chưa giảm được đáng kể.
Việc thực hiện đầu tư các tiểu dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các HTX được nâng tầm trong canh tác lúa là nhờ sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ dự án VnSAT. Tại vùng nông thôn sâu, trước đây đường giao thông đi lại khó khăn, sau khi được VnSAT Đồng Tháp chọn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng HTX Bình Hòa (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhà kho chứa lúa, trạm bơm điện và con đường nhựa nội đồng.
Con đường nhựa bờ Tây kênh 2 tháng 9 của HTX Bình Hòa dài 3,5 km, rộng 3,5 m, xuyên giữa cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái, rau màu, có diện tích khoảng hơn 1.000 ha của HTX do dự án VnSAT đầu tư ngon lành. Con đường thẳng tắp xe ô tô chạy ra tận đến tận ruộng, học sinh không còn sợ cảnh bị ngập lũ trong mùa nước nổi để đến trường hay sình lầy mùa vào mưa. Xe cộ có thể chạy giao thương hàng hóa thuận lợi, học sinh đạp xe bon bon đến trường. Nhờ con đường mà người dân nơi đây bắt đầu xây dựng các nhà tường kiên cố nằm cặp bên đường và buôn bán tạp hóa nhỏ để sinh sống. Bên cạnh đó con đường còn góp phần vào thay da đổi thịt xây dựng cho miền quê xã Bình Thành sớm về đích đạt xã nông thôn mới.
Ông Phan Văn Nhơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thương mại Bình Hòa phấn khởi nói: HTX Nông nghiệp Bình Hòa được thành lập năm 1998, có quy mô diện tích hơn 1.000 ha, với 1.200 xã viên, có thể sản xuất 3 vụ lúa/năm. Cuối năm 2015 HTX được VnSAT Đồng Tháp chọn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa, như: “3 giảm, 3 tăng” và “ 1 phải, 5 giảm”… Số lượng tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân ngày một tăng. Bình quân mỗi năm HTX tập huấn khoảng 50 lớp, thông thường mỗi lớp có khoảng 35-40 nông dân tham gia học tập.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã giúp cho HTX chủ động trong việc trồng lúa, cũng như chuyển đổi sản xuất hiệu quả. Khi trạm biến thế được đầu tư khá hiện đại, chỉ với thao tác ấn nút là hệ thống bơm điện hoạt động, nước cuồn cuộn chảy vào ruộng. Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng kiên cố và hiện đại đã giúp cho HTX mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất lúa gò cao kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái. Các cây chuyển đổi chủ yếu là mít, xoài, nhãn, chuối, cam… Việc chuyển đổi này đã giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Từ những kết quả đó, ông Nhơn tự hào nói: Nhiều năm nay các thành viên trong HTX không còn ai là hộ nghèo, giờ đang trên đà vươn lên khá, giàu đều nhờ vào sự đầu tư hiệu quả từ Dự án VnSAT Đồng Tháp.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Đồng Tháp cho biết, dự án VnSAT đầu tư tại Đồng Tháp được triển khai ở các huyện: Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, Tâm Nông và Cao Lãnh. Tổng vốn Dự án VnSAT tỉnh Đồng Tháp là trên 333,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh đối ứng 38,5 tỷ đồng, vốn IDA trên 215 tỷ đồng, vốn tư nhân gần 80 tỷ đồng.
Về đầu tư, trong đợt 1, đã phê duyệt danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị các tiểu dự án cho các HTX thuộc dự án VnSAT. Cụ thể HTX Mỹ Đông 2, Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh), Bình Hòa, An Thạnh (huyện Thanh Bình), Tân Thành A (huyện Tân Hồng)… Về đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị tham gia dự án, đã mua máy cấy lúa, 2 máy cuộn rơm, xây nhà kho, trạm bơm, đường nội đồng.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT