Người thương binh Vũ Văn Tưởng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình đã vượt lên khó khăn, phục hồi các hệ sinh thái ven biển, làm thành trì chắn sóng.
Người gieo hạt nơi đầu sóng
Người thương binh Vũ Văn Tưởng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình đã vượt lên khó khăn, phục hồi các hệ sinh thái ven biển, làm thành trì chắn sóng.
Trồng mới và bảo vệ tổng số 265 ha rừng ven biển.
Nhân thành công nhiều giống cây trồng ngập mặn, trong đó có cả những cây giống ngoại lần đầu được đưa về Việt Nam.
Gần 40 năm nay, người thương binh nặng Vũ Văn Tưởng - Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình cùng với người vợ của mình đã vượt lên khó khăn, bỏ qua mọi điều tiếng của xóm làng để cùng nhau phục hồi các hệ sinh thái ven biển, làm thành trì chắn sóng.
Dù chỉ được cầm súng chiến đấu chống giặc hơn một tháng thì phải trở về quê hương với tỷ lệ thương tật lên đến 81%, nhưng người lính cụ Hồ ấy đã dành cả một đời để chiến đấu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bảo vệ sự bình yên cho xóm làng.
Xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình có gần 3km đường bờ biển nhưng tất cả đều đã được bao bọc bởi 2 lớp cây trồng đặc kín, phía ngoài là rừng phi lao, kế tiếp là rừng vẹt, rừng bần chạy dài vào sát chân đê. Để có được những lớp rừng chắc chắn ấy, hơn 30 năm nay, ông Tưởng đã miệt mài vun trồng.
Ông VŨ VĂN TƯỞNG
Cựu chiến binh, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
“Cái cát này nó rất nóng, mình trồng là mình phải để cả cái bầu này để cho nó giữ nước, không là cây nó chết bỏng, điều kiện nó khắc nghiệt nên là tỷ lệ cây sống chỉ là 50-60% thôi”
Sinh ra và lớn lên tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, năm 1978, chàng trai Nguyễn Văn Tưởng khi ấy vừa tròn 19 tuổi, xung phong vào quân ngũ, nhận nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia, nhưng chỉ hơn một tháng, ông bị thương vùng đầu, mất một mắt, mắt còn lại thị lực rất yếu. Sau đó, ông được đưa ra các trại điều dưỡng thương binh nặng rồi trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 81%.
Bà ĐẶNG THỊ HIN
Vợ ông Vũ Văn Tưởng
“Hồi đó họ gièm pha, hồi đó ông này bị thương sọ não, khoét đi một mắt, một mắt còn lại gần như hỏng, sức khỏe họ giám định không còn gì, người ta bảo tôi là sao lại lấy cái ông này, trên bờ không đi, đi dưới ruộng, tức là hỏng mắt rồi, có nhìn thấy gì đâu, nhưng mà tôi tiếp xúc tôi thấy tính ông ấy thật thà, yêu thương ông ấy, chứ tôi cũng có rất nhiều người hỏi.”
Không cam chịu hoàn cảnh, dù được hưởng chế độ thương binh hàng tháng nhưng trước tình trạng sóng biển đánh sát vào chân đê mỗi ngày, ông Tưởng bàn với vợ, đấu thầu 70ha cồn đất ngoài đê để trồng rừng chắn sóng. Hiện, ông được bầu làm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, trông coi toàn bộ 265ha rừng ven biển của xã.
Bà ĐẶNG THỊ HIN
Vợ ông Vũ Văn Tưởng
“Đi ra đây ai người ta cũng bảo ông này dại thế, ngu thế, cả họ chửi, dân làng chửi người ta bảo làm sao không giữ gìn sức khỏe, thương binh nặng rồi, có chế độ của nhà nước rồi nhưng mà ông này ông ấy quyết tâm, không ai cản được”
Ông VŨ VĂN TƯỞNG
Cựu chiến binh, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
“Nó gian nan, vất vả lắm, ra đây thì chở cây cối là chỉ có đi bằng thuyền, nước lên nước xuống, đi đêm về hôm. Gia đình tôi năm nào cũng trồng 5 đến 6 vạn cây, quyết tâm trồng khi nào thành rừng thì thôi”
Muốn trồng rừng thì phải có cây giống, để chủ động được nguồn cây, giảm chi phí đầu tư, ông Tưởng học cách tự ương cây con. Những hạt giống phi lao, bần chua, sú, vẹt được ông thu hoạch và tích trữ sau đó mang đi trồng.
Hơn 30 năm hiểu rừng và yêu rừng, ông Tưởng đã nghiên cứu quy luật sinh trưởng của các loại cây ngập nước nên tỷ lệ hạt nảy mầm luôn đạt rất cao, cây con có có tỷ lệ sống tốt. Vườn giống của gia đình ông, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 5 vạn cây con.
Bà ĐẶNG THỊ HIN
Vợ ông Vũ Văn Tưởng
“Tự làm lắm chứ, mình đã làm được ra những cái cây này để mang đi trồng phủ xanh, chống biến đổi khí hậu, mỗi lần nhìn thấy xe lăn bánh mang cây đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình … là mình rất phấn khởi.”
Đặc biệt, với sự phối hợp của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, ông Tưởng đã làm chủ được quy trình, kỹ thuật nhân giống bần không cánh Myanmar-giống bần nhập ngoại được đánh giá là có sức sinh trưởng rất nhanh, chịu rét tốt, không rụng lá vào mùa đông và ít sâu bệnh. Từ vườn ươm này, hàng vạn cây bần giống mới đã được chuyển đi các tỉnh để trồng khảo nghiệm tại các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Riêng tại xã Đông Long hiện đã có 20ha rừng được phủ xanh bằng cây bần giống mới này.
Ông VŨ VĂN TƯỞNG
Cựu chiến binh, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Đặc Tính của cái cây bình Myanmar này là không bị sâu bệnh, mùa rét không bao giờ bị rụng lá, mà tán lá cây lúc nào cũng đều. Từ dưới lên trên đều như nhau, cành lá lúc nào cũng xum xê, nó không như cái cây bần chua.
Ông LÊ VĂN THÀNH
Viện trưởng, Viện nghiên cứu sinh thái và Môi trường rừng, Viện KHLN Việt Nam
Ông tưởng là 1 người nông dân rất là cần cù chịu khó và tâm huyết. Ông đã áp dụng rất tốt các kỹ thuật mà chúng tôi đã hướng dẫn và kết quả là cái tỷ lệ sống của cây con cũng như là chất lượng cây con được đảm bảo. Chúng tôi đem đi trồng ở 2 vùng, 1 là vùng Bắc Bộ ở Thái Bình và vùng Bắc Trung Bộ ở Thanh Hóa thì kết quả bần không cánh ở 2 vùng đấy sinh trưởng rất tốt và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật nhân giống.
Hơn 30 năm miệt mài trồng rừng và giữ rừng, ông Tưởng vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Đảng, nhà nước. Mới đây nhất, ông được Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan tặng bằng khen vì đã có những đóng góp xuất sắc cho đề phát phát triển 1 triệu ha rừng của chính phủ.
Dù nằm sát biển, nhưng nhiều năm nay xã Đông Hoàng ít khi bị thiệt hại trong mùa mưa bão, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Bà VŨ THỊ NGUYỆT
Xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Tỉnh Thái Bình
Người dân chúng tôi đánh giá ông Tưởng là người rất tâm huyết với rừng. Kể cả lúc mưa gió mà cần đến việc trồng để cho nó kín rừng là ông ấy vẫn vẫn là lao ra để trồng. Nhắc đến trồng rừng là nhắc đến ông Tưởng.
Ông ĐẶNG VĂN PHIẾN
Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Tỉnh Thái Bình
Ông Vũ Văn Tưởng là thương binh loại 1. Nhưng ông đặc biệt nhiệt huyết với công việc, là người rất chịu khó vừa trồng và bảo vệ rừng. Cho nên là việc phát triển rừng hàng năm rất tốt. Địa phương chúng tôi là có hệ thống rừng bảo vệ ở ngoài đê thì người dân rất là yên tâm
Những con sóng vẫn tiếp tục xô bờ….
Mặc cho sự dữ dội của thiên nhiên, ở tuổi thất thập, người thương binh nặng Vũ Văn Tưởng vẫn tiếp tục trồng rừng và giáo dục cho thế hệ tương lai về tầm quan trọng của rừng.
Sự cống hiến thầm lặng của vợ chồng ông hơn 3 thập kỉ qua, giờ đây được đổi lấy bằng màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng, một hệ sinh thái trù phú - nơi trú ngụ cho hàng trăm loại loài sinh vật biển và giúp người dân có sinh kế bền vững dưới tán rừng.
“ Cả làng bảo nhà tôi giàu, đúng giàu thật, đây, giàu là 2 cái cánh rừng này đây, tôi cũng không chối mà ..”