| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm rơm, 1ha doanh thu hơn 50 triệu đồng/tháng

Thứ Năm 14/12/2023 , 08:11 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Mô hình trồng nấm rơm rộng 1ha của ông Võ Xuân thu hoạch mỗi tháng hơn 800kg, với giá bán từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, thu về hơn 50 triệu đồng.

Mỗi tháng gia đình ông Võ Xuân thu về hơn 50 triệu đồng từ việc trồng nấm rơm. Ảnh: PC.

Mỗi tháng gia đình ông Võ Xuân thu về hơn 50 triệu đồng từ việc trồng nấm rơm. Ảnh: PC.

Mô hình trồng nấm rơm được ông Võ Xuân triển khai trên 2 khu đất với diện tích 1ha tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Ông lựa chọn vị trí giáp với đồng ruộng để triển khai mô hình nhằm thuận lợi cho việc lấy rơm từ quá trình thu hoạch lúa của người dân.

Ông Xuân cho biết, ông bắt đầu trồng nấm rơm cách đây hơn 6 năm. Sau khi tìm hiểu ông nhận thấy trồng nấm rơm mang lại giá trị kinh tế nên đã thuê đất của một người dân tại xã Diên Điền để thực hiện.

Theo ông Xuân, nấm rơm rất dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể trồng được quanh năm. Thông thường, ông trồng nấm từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, sau thời gian này ông chuyển sang trồng hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Để trồng nấm rơm đạt năng suất cao, quy trình trồng nấm rơm được ông Xuân thực hiện rất tỉ mỉ. Rơm lấy về được ông chất thành đống cao khoảng 1,5m để ủ. Trong quá trình ủ rơm ông kết hợp tưới nước và trộn thêm bột ngô để rơm nhanh nhuyễn hơn, tạo điều kiện cho nấm phát triển nhanh hơn.

“Rơm sau khi ủ 10 ngày sẽ tiến hành đảo, quá trình đảo rơm được thực hiện 2 lần/tháng, việc đảo giúp cho rơm nhuyễn đều khi ủ. Bên cạnh đó, nhiệt độ sinh ra từ quá trình ủ rơm sẽ làm chết các mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm giúp cho nấm dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, phát triển thuận lợi sau này”, ông Xuân cho hay.

Trong quá trình ủ rơm, ông Xuân kết hợp tưới nước và trộn thêm bột ngô để rơm nhanh nhuyễn hơn, tạo điều kiện cho nấm phát triển nhanh hơn. Ảnh: PC.

Trong quá trình ủ rơm, ông Xuân kết hợp tưới nước và trộn thêm bột ngô để rơm nhanh nhuyễn hơn, tạo điều kiện cho nấm phát triển nhanh hơn. Ảnh: PC.

Sau khi ủ trong vòng 1 tháng, rơm sẽ được bỏ vào khuôn đóng thành từng mô có chiều dài 1,2m, rộng 30cm, cao 30cm; mỗi mô được xen kẽ 2 lớp meo nấm để nấm sinh sản. Trung bình với diện tích 1.000m2 ông Xuân đóng khoảng 500 mô nấm rơm.

Ông Xuân cho biết thêm, meo giống phải lựa chọn kỹ càng, bởi đây là khâu quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất trồng nấm. Việc chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.

Bên cạnh đó, cần theo dõi nhiệt độ và độ ẩm các mô nấm, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trồng nấm. Độ ẩm là yếu tố hàng đầu giúp quá trình phân hủy rơm thuận lợi, giúp nấm phát triển tốt hơn.

Sau khi đóng mô nấm từ 10 - 12 ngày sẽ bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch liên tục hơn 10 ngày. Ảnh: PC.

Sau khi đóng mô nấm từ 10 - 12 ngày sẽ bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch liên tục hơn 10 ngày. Ảnh: PC.

Để đảm bảo độ ẩm cho nấm sinh trưởng nhanh, ông Xuân tưới nước cho các mô nấm mỗi ngày, tùy theo độ ẩm của các mô nấm ông sẽ tưới lượng nước phù hợp. Đối với nấm rơm không cần bổ sung thêm phân bón vì rơm khi phân hủy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển. Vào mùa mưa, ông dùng bạt che cho các mô nấm để giảm độ ẩm và làm nền mô cao, tránh ngập úng.

Các mô nấm khoảng 8 ngày sẽ cho ra nấm con, lúc này ông tiến hành phủ rơm khô trên bề mặt để giữ độ ẩm và tránh trường hợp bị trắng nấm. Sau 10 - 12 ngày sẽ bắt đầu thu hoạch, quá trình thu hoạch liên tục hơn 10 ngày, thông thường sẽ có 2 đợt nấm nở rộ.

Nấm rơm được thu hoạch mỗi ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và đầu giờ chiều. Ảnh: PC.

Nấm rơm được thu hoạch mỗi ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và đầu giờ chiều. Ảnh: PC.

“Thời gian thu hoạch nấm tùy theo loại meo và cách ủ. Thông thường nấm ra rộ vào ngày thứ 12 - 15, sau đó khoảng 7 ngày sẽ nở rộ đợt 2 và thu hái trong 3 - 4 ngày thì kết thúc, sau khi thu hoạch xong sẽ thay lứa rơm mới”, ông Xuân nói và cho biết thêm, nấm có thời gian sinh trưởng nhanh nên sau khi kết thúc đợt thu hoạch ông trồng lại lứa mới, điều này giúp ông có nấm thu hoạch đều đặn mỗi tháng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nhờ chăm sóc kỹ càng nên vườn trồng nấm rơm của ông Xuân phát triển tốt, đạt năng suất. Trung bình mỗi tháng ông thu hoạch hơn 800kg nấm, với giá bán dao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, ông thu về hơn 50 triệu đồng. Nấm của ông được thương lái tới tận vườn thu mua đem đi tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh Khánh Hòa.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.