Tại ruộng của hộ ông Nguyễn Văn Em (ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vừa diễn ra sự kiện trình diễn đồng ruộng về công nghệ cơ giới hóa thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững. Sự kiện do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức nhằm giới thiệu các loại máy, thiết bị thu gom rơm sau thu hoạch và các công nghệ xử lý, chế biến rơm thành các sản phẩm xanh và phát thải thấp.
Tham gia sự kiện trình diễn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các sở NN-PTNT vùng ĐBSCL, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 300 nông dân của tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo IRRI, trong khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm sau khi thu hoạch lúa tại Việt Nam, mới chỉ khoảng hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây…, còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng, tương đương khoảng trên 20 triệu tấn rơm rạ đang bị lãng phí.
Các vấn đề trên có thể được giải quyết thông qua giải pháp kinh tế tuần hoàn dựa trên rơm rạ, thu rơm ra khỏi ruộng và sử dụng để sản xuất các sản phẩm như nấm rơm, thức ăn cho vật nuôi, phân bón sinh học, nhựa sinh học và nông nghiệp đô thị... nhằm tối đa hóa tuần hoàn nguyên liệu trong sản xuất.
Sự kiện trình diễn công nghệ, thiết bị thu gom và xử lý rơm rạ tạo điều kiện để nông dân và các đối tác liên quan trong chuỗi giá trị tiếp cận, “mắt thấy, tai nghe” các công nghệ cơ giới hóa thu gom rơm khô, rơm ướt và các mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm.
Thông qua sự kiện này, nhằm thúc đẩy những đổi mới trong chuỗi giá trị rơm rạ tại Việt Nam, cũng như mở ra các hướng đi mới cho rơm rạ trong tương lai. Các thiết bị cơ giới hóa giúp nông dân thu gom và xử lý rơm rạ với mục đích biến rơm rạ từ phụ phẩm thành sản phẩm giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho nhà nông.