Người dân nước Pháp đang phản ứng dữ dội trước việc mỗi năm ngân sách quốc gia bị "bay hơi" khoảng 1,5 tỷ EUR (tương đương 42.000 tỷ đồng) cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) một cách “vô ích”.
Trong một phòng thi tốt nghiệp tại Pháp
Kết quả cuộc khảo sát mới được Nghiệp đoàn Quản lý giáo dục quốc gia Pháp (SNPDEN) công bố cho biết, mỗi năm quốc gia này phải chi đến 1,5 tỷ EUR cho kỳ thi tú tài của học sinh lớp 12, bao gồm cả chi phí trả cho các giám thị coi thi, chấm thi và chi phí cho 3 tuần nghỉ học trước kỳ thi của học sinh nước này.
Con số này cao gấp khoảng 15 lần so với mức dưới 100 triệu EUR đã được công bố trong báo cáo thanh tra cách đây một năm.
Điều đáng nói là sau khi chi một số tiền khổng lồ, SNPDEN cho rằng “lợi ích” mà kỳ thi tốt nghiệp này đạt được chỉ là “phát hiện” khoảng 55.000-60.000 thí sinh không lấy được bằng tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc họ không thể hợp thức hóa nguyện vọng để vào các trường đại học, trường nghề.
Bởi vậy, câu hỏi mà người dân nước Pháp đặt ra là “liệu có cần tiếp tục hoang phí ngân sách cho một kỳ thi mà cứ 10 thí sinh thì có đến 8 người có thể đậu”?
Câu hỏi này, hiển nhiên là được đặt ra cho Chính phủ Pháp chứ không phải chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tiễn nền giáo dục Việt Nam, không ít người sẽ giật mình nhận ra đây không chỉ là vấn đề của nước Pháp mà Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự.
Quả thực, nếu nhìn vào con số hơn 940.000 thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT tại 40.000 phòng thi trên địa bàn cả nước; hơn 142.000 cán bộ, giáo viên đã được huy động tham gia coi thi, hàng chục ngàn giáo viên khác được huy động chấm thi và cả ngàn người phải đảm nhiệm các công việc khác liên quan… có thể dễ dàng nhận thấy chi phí dành cho kỳ thi này là một con số khổng lồ.
Đấy là chưa kể đến việc 940.000 thí sinh tham dự kỳ thi cũng đồng nghĩa với việc chừng đấy gia đình bỏ công việc thường nhật, lo lắng đưa đón con em đi thi và khiến xã hội phải gánh chịu những khoản chi phí vô hình khó có thể đong đếm.
Thế nhưng, sau khi chi những khoản tiền khổng lồ như vậy thì “lợi ích” từ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chúng ta nhận được là gì? Liệu có phải là việc tìm ra được khoảng 3% trong tổng số các thí sinh không thể tốt nghiệp khiến họ không đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ vào các trường nghề, trường cao đẳng, đại học hay không?
Hay là việc phát hiện ra hàng loạt tiêu cực tại các điểm thi khiến nhiều thí sinh bị cấm thi, nhiều thầy cô bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác? Hay là việc công khai các tiêu cực trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người dân mất niềm tin vào một kỳ thi cấp quốc gia?
Tất nhiên, cũng cần khách quan thừa nhận rằng, kỳ thi tú tài là một điểm mốc quan trọng để đánh dấu quá trình học hành của mỗi con người. Tuy nhiên, nếu như những “lợi ích” mà kỳ thi này mang lại không tương xứng với chi phí mà hàng triệu gia đình, hàng triệu thí sinh và cả xã hội phải gánh chịu thì câu hỏi đặt ra liệu ngành giáo dục Việt Nam có nên tiếp tục tổ chức các kỳ thi tương tự hay không?