Với kinh nghiệm, cùng với sự năng nổ, cần cù chịu khó học tập tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới, anh Đức đã mạnh dạn ứng dụng vào SX đem lại lợi nhuận cao.
Công việc hàng ngày của anh là chuyên SX rau ăn lá với diện tích 7.000 m2 đất (gồm 3.000 m2 mồng tơi và 4.000 m2 cải). Mỗi ngày anh cung cấp cho tiểu thương và các chợ hơn 150 kg rau cải và mồng tơi theo đơn đặt hàng, cho thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng. Cuối năm anh trồng hoa Vạn Thọ đáp ứng nhu cầu chưng tết.
“Trồng loại hoa này vốn đầu tư ít, chăm sóc dễ, lợi nhuận mang lại khá cao. Dịp tết vừa rồi tôi trồng 15.000 cây, giá bán tại luống 7.000đ/cây, 15.000đ/chậu/1 cây và 45.000đ/chậu/3 cây, sau khi trừ chi phí sản xuất (hạt giống, phân, thuốc BVTV, xơ dừa, công chăm sóc,…) còn lãi hơn 80 triệu đồng”, anh Đức nói.
Khi được hỏi về kỹ thuật trồng loại hoa đặc trưng này, anh cho biết: Vạn Thọ trồng đơn giản, ít tốn công và thị trường tiêu thụ trong dịp tết rất dễ dàng, giúp người trồng có đồng ra đồng vào. Kỹ thuật trồng không phức tạp nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, thường xuyên chăm sóc theo dõi để cây được cao, lớn, khỏe thì bông mới nở to, đều, đẹp mắt. Ước tính thời gian gieo hạt xuống giống đến lúc trưởng thành khoảng 65 - 70 ngày.
Không cần bón phân thường xuyên như hoa cúc, thời gian trồng 5 ngày đầu tưới phân lần một, tiếp đến 7 ngày sau tưới lần hai và 10 ngày sau tỉa cành. Để nâng cao chất lượng, giảm hao hụt cây con, người trồng nên gieo ươm cây con bằng khay và bón thêm phân vi lượng (nếu trồng chậu) để cây khỏe, có thể thích nghi với điều kiện khí hậu diễn biến thất thường của thời tiết.
Ngoài trồng Vạn Thọ bán trong dịp tết, anh trồng để bán trong các ngày rằm, mùng một. Ngày thường nhu cầu sử dụng Vạn Thọ ít hơn, nên anh không trồng mà tập trung trồng rau ăn lá. Nhưng để có bông nở đúng vào những dịp rằm, phải tính toán thời gian gieo hạt chính xác.
Không dừng lại đó, theo anh với sức trẻ, anh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, sẵn sàng giúp đỡ những thanh niên ở địa phương nếu có cùng chí hướng...