Rong nho biển đang được trồng ở Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ Nhật Bản và nhập nội vào năm 2004 và hiện nay, nghề trồng rong nho biển đang phát triển rộng rãi tại tại một số tỉnh do chúng có tốc độ tăng trưởng cao, điều kiện môi trường sống phù hợp và có giá trị xuất khẩu lớn.
Do đó cần nhân rộng và phát triển nghề trồng rong nho biển ra khắp cả nước, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn nhưng có điều kiện địa lý, môi trường phù hợp với điều kiện trồng và phát triển của loài rong này.
Từ nhu cầu thực tiễn này, nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu trồng rong nho trong bể để đưa loài rong này phát triển phổ biến, giúp tăng thu nhập cho người dân.
Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Duy (Viện Nghiên cứu Hải sản), quá trình nghiên cứu cho thấy, rong nho biển có thể nuôi trồng trực tiếp trên nền đáy cát bùn hoặc treo trong các túi lưới hoặc vỉ lưới ở các loại thủy vực như ao, đìa, đầm, ven biển và trong bể.
Với đặc tính sinh thái như vậy mà hiện nay ở nước ta, hai mô hình trồng khá phổ biến là trồng rong nho biển trong bể xi măng và trồng rong ngoài tự nhiên trong các ao, đìa, đầm ven biển.
Mô hình trồng rong nho biển ngoài tự nhiên rất phù hợp với các vùng biển ven bờ ít sóng gió và các vịnh kín ven các đảo xa bờ, các ao, đìa, đầm, ven biển. Mặt khác cũng khá phù hợp với các vùng ven biển, các đảo nhỏ, các đảo tiền tiêu xa bờ khi mà điều kiện tự nhiên ít thuận lợi như: sóng lớn, gió bão, ít vịnh kín,...
Để trồng rong nho biển trong bể xi măng, người dân cần xây bể tại khu vực gần bờ biển để thuận tiện cho việc bơm cấp và thay nước biển, trên vùng đất tránh được ngập lụt hoặc thủy triều lớn hàng năm.
Nguồn nước biển lấy vào phải đảm bảo có độ mặn cao và ổn định, tốt nhất là 30 - 34‰. Đặc biệt phải tránh xa nguồn nước ngọt trực tiếp đổ ra, nước không bị ô nhiễm từ đất liền, nông nghiệp và khu công nghiệp.
Vị trí xây dựng bể tốt nhất có nguồn điện lưới quốc gia để sục khí trong quá trình trồng, thuận tiện về giao thông đi lại, thuận tiện trong quá trình quản lý, chăm sóc và thương mại rong nho.
Nơi lấy nước phục vụ trồng rong nho phải ở độ sâu 0,5 m dưới mặt nước biển tại thời điểm nước ròng thấp nhất và phải cao hơn đáy biển 1m. Điểm tiếp nhận nước biển được giữ yên tĩnh tại vị trí cố định và được bao che bởi lưới lọc kim loại để ngăn ngừa các động vật, các vật thể khác xâm nhập. Nước trước khi đưa vào bể trồng rong được lọc kỹ để loại bỏ vật thải, rác bằng túi lưới lọc tảo.
Bên cạnh đó, rong nho giống phải khỏe mạnh, có màu xanh lục đậm và sáng bóng, không dập nát, các quả cầu mọc dày và đều đặn xung quanh trục, không đứt quãng, không có rong tạp và không có sinh vật sống bám trên rong.
Sau khi thả giống, khoảng 45-60 ngày nuôi trồng, rong nho biển phát triển phủ đầy trên nền đáy bể và đạt sinh khối từ 4 - 5 kg tươi/m2, có thể tiến hành thu hoạch lần đầu phần thân đứng > 5 cm để sử dụng
Nếu được chăm sóc tốt, bể nuôi trồng rong nho chỉ cấy giống 1 lần và cho thu hoạch liên tục quanh năm. Sau thời gian 10 - 12 tháng tiến hành thu hoạch toàn bộ, vệ sinh, cải tạo, sửa chữa bể và trồng mới.
Tiến sĩ Đỗ Anh Duy khẳng định, trồng rong nho trong bể xi măng có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư ban đầu thấp nếu thiết kế hệ thống bể nuôi đơn giản. Người dân có thể sử dụng hệ thống các bể nuôi xếp gạch, lót bạt hay bể composite để nuôi.
Bên cạnh đó, việc nuôi rong nho trong bể có nhiều thuận lợi về chăm sóc, quản lý, thu hoạch, kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị ảnh hưởng bởi sóng, gió như khi nuôi ngoài biển, vùng ven biển, vũng vịnh.
Rong nho là nguồn thực phẩm có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao do trong rong chứa rất nhiều các vitamin A, B, C và các nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể như sắt, iod, calcium,… Vì vậy nhu cầu về thị trường là rất lớn, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế hộ gia đình. Kỹ thuật nuôi đơn giản, sau khi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, người dân có thể tự làm được ngay.
Nuôi trồng rong nho có tiềm năng rất lớn đối với các đảo, quần đảo xa bờ ở biển Việt Nam khi mà điều kiện về môi trường, tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng đối tượng này.
Bên cạnh đó, nguồn rau xanh trên đảo không nhiều, du khách đến với đảo ngày càng đông, về tương lai, đây cũng có thể là nguồn thực phẩm chủ yếu thay thế nguồn rau xanh trên các đảo, quần đảo này.
“Với tiềm năng và nhu cầu thị trường lớn, giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, rong sinh trưởng phát triển nhanh, trong vòng 30 - 40 ngày nuôi trồng có thể cho thu hoạch, chi phí đầu tư thấp sẽ rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, mô hình nuôi trồng rong nho trong bể có khả năng nhân rộng, phát triển cao tại Việt Nam”, Tiến sĩ Đỗ Anh Duy chia sẻ.
Rong nho biển có tên khoa học là Caulerpa lentillifera J.Agardh, là loài thuộc họ rong cầu lục Caulerpaceae, ngành rong lục Chlorophyta. Rong nho biển được sử dụng làm nguồn thực phẩm giá trị và rất được ưa chuộng do trong rong nho biển có chứa rất nhiều các vitamin A, B, C và các nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể động vật như sắt, iod, calcium,… Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản đã giúp người dân biết cách trồng loài rong nho biển trong bể xi măng, có thể được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.