| Hotline: 0983.970.780

Lúa sạch, môi trường xanh nhờ sản xuất theo SRP kết hợp trồng hoa sinh thái

Thứ Hai 18/09/2023 , 19:07 (GMT+7)

AN GIANG Mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp với 'ruộng lúa bờ hoa' đang được nông dân ĐBSCL rất hưởng ứng nhân rộng nhờ hàng loạt lợi ích mang lại.

Lợi nhuận tăng, môi trường trong lành, nông dân khỏe mạnh

Tại An Giang, hiện nay, nhiều nông dân đã thay đổi nhận thức trong sản xuất lúa gạo thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là các chương trình khuyến nông và tập huấn của ngành bảo vệ thực vật ở địa phương. Qua đó, nông dân ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như nắm bắt được các tiêu chuẩn, từng bước sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo theo định hướng phát triển ngành lúa gạo bền vững, giảm phát thải.

Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp trồng hoa sinh thái trên đồng ruộng giúp nông dân giảm 15 - 18% chi phí, tăng thêm 18 - 20% lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp trồng hoa sinh thái trên đồng ruộng giúp nông dân giảm 15 - 18% chi phí, tăng thêm 18 - 20% lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong đó, sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp trồng hoa sinh thái trên đồng ruộng, có ứng dụng biện pháp xử lý rơm rạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật giúp là mô hình canh tác đã được nông dân tích cực triển khai áp dụng. Thông qua mô hình này, không chỉ giúp sản xuất lúa theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, mà còn giúp giảm 15 - 18% chi phí đầu vào và tăng thêm 18 - 20% lợi nhuận - tương đương 4,8 – 5 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất theo phương pháp truyền thống.  

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP dựa trên nền tảng “1 phải 5 giảm” không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị hạt gạo, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe con người. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp An Giang, thông qua Dự án các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (Dự án GIC), tỉnh này đã có trên 2.500 nông hộ đã áp dụng các giải pháp "đổi mới sáng tạo xanh, thông minh" nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh đã hỗ trợ thực hiện 6 mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp trồng hoa sinh thái ứng dụng biện pháp xử lý rơm rạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và dư lượng thuốc BVTV tại An Giang, trong đó mô hình thực hiện tại HTX nông nghiệp Tây Phú (huyện Thoại Sơn) với diện tích 20ha gồm 8 hộ tham gia, được thực hiện từ tháng 4/2023. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình này với sự tham dự của  60 nông dân cùng các đại biểu là lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông An Giang, phòng NN-PTNT, hội nông dân, trạm trồng trọt và BVTV, trạm khuyến nông các huyện cùng Ban quản lý Dự án GIC – GIZ. 

Không chỉ cải thiện về giá trị kinh tế, tăng lợi nhuận cho nông dân, giá trị về môi trường mang lại nhờ áp dụng canh tác lúa bền vững là rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không chỉ cải thiện về giá trị kinh tế, tăng lợi nhuận cho nông dân, giá trị về môi trường mang lại nhờ áp dụng canh tác lúa bền vững là rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tham quan ruộng mô hình, nhiều nông dân tâm đắc và đánh giá mô hình cây lúa rất khỏe, rất sáng, đẹp, bông to, cứng cây, không bị đổ ngã. Ngoài ra, còn tạo cảnh quan rất đẹp bởi những hàng hoa cúc, hướng dương, sao nhái, đậu bắp...

Nông dân Bùi Văn Thanh ở xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn (An Giang) là một trong những hộ tham gia mô hình mô hình cho biết, trong vụ hè thu năm 2023, ông sử dụng giống lúa OM18 cấp xác nhận. Tham gia mô hình, ông và bà con đã được cán bộ khuyến nông tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp, công nghệ sinh thái, gieo sạ thưa, né rầy, tiêu chuẩn SRP...

Ông Bùi Văn Thanh chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi gieo sạ có xử lý gốc rạ (bằng chế phẩm sinh học R1) nhằm hạn chế đốt đồng (là một trong những tiêu chí của sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP), cung cấp nguồn dinh dưỡng cho đất (canh tác theo tiêu chuẩn SRP sẽ giảm 15 - 18% phí chi phân bón, thuốc BVTV so với sản xuất thông thường, đặc biệt là năng suất cao hơn ruộng đối chứng từ 130 - 150kg/ha). Ngoài ra, lúa kiểm tra phải đạt dư lượng các chất trong ngưỡng cho phép, đáp ứng theo yêu cầu doanh nghiệp nên được thu mua tăng thêm 200 đồng/kg lúa so với nông dân sản xuất thông thường.

Trên đồng ruộng, ông Thanh còn trồng hoa hai bên bờ nhằm thu hút, dẫn dụ thiên địch có lợi cho lúa và tạo khung cảnh đẹp, thân thiện với môi trường. Từ đó giúp lúa ít sâu bệnh, đồng nghĩa lúa ít sử dụng thuốc BVTV, giảm chi phí đầu tư từ 10 - 15% so với sản xuất lúa thông thường. 

"Những vụ tới tôi cũng sẽ tiếp tục áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến này. Tôi cũng mong thời gian tới ngành nông nghiệp địa phương cần nhân rộng mô hình này ra cho nông dân lân cận trong tỉnh áp dụng”, ông Bùi Văn Thanh bộc bạch.

Tạo đà cho quản lý sức khỏe cây trồng

Sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng là định hướng lớn mà ngành nông nghiệp An Giang đang hướng tới. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành lúa gạo cũng đã ưu tiên liên kết, thu mua sản phẩm được sản xuất theo các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, quy trình xanh, không tồn dư hóa chất độc hại. Trung tâm Khuyến nông An Giang cũng đang từng bước khuyến khích nông dân sản xuất xanh, sạch và đã được nông dân nhiệt tình đón nhận, thực hiện.

Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong canh tác lúa bền vững cũng như mô hình 'ruộng lúa bờ hoa' là nền tảng quan trọng để triển khai thực hiện chương trình về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong canh tác lúa bền vững cũng như mô hình 'ruộng lúa bờ hoa' là nền tảng quan trọng để triển khai thực hiện chương trình về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Trần Nhật Linh, khuyến nông viên Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn - người trực tiếp theo dõi mô hình và hỗ trợ nông dân canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP dựa trên nền tảng “1 phải 5 giảm” và kết hợp trồng hoa sinh thái đánh giá: Trước đây, nông dân thường có thói quen sạ dày với lượng giống lên tới 180 - 250kg/ha. Từ khi tham gia mô hình, bà con đã được tập huấn tiếp cận những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến theo hướng sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó nông dân đã nhận thức rõ lợi ích và hưởng ứng áp dụng. 

Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết, các mô hình trình diễn được áp dụng trên các nền tảng kỹ thuật như “1 phải 5 giảm”, tích hợp nhiều cải tiến vào mô hình sản xuất như ứng dụng công nghệ sinh thái "ruộng lúa bờ hoa" nhằm thu hút thiên địch có lợi để tiêu diệt thiên địch có hại, từ đó làm giảm sự xuất hiện của sâu hại. Qua đó giúp nhà nông giảm số lần phun thuốc BVTV, giúp cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ "sức khỏe đất, sức khỏe lúa" và cả sức khỏe người sản xuất lẫn tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các mô hình cũng ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, giảm đốt đồng, đặc biệt là tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ, qua đó giảm phát thải khí nhà kính... Ngành nông nghiệp các địa phương cũng ưu tiên triển khai các chính sách, chương trình tại các HTX nhằm khuyến khích nông dân tham gia HTX, bởi sản xuất liên kết với quy mô lớn cần sự tham gia của HTX, giúp nông dân dễ dàng ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Điểm nổi bật nhất trong các mô hình canh tác bền vững là cây lúa khỏe, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điểm nổi bật nhất trong các mô hình canh tác bền vững là cây lúa khỏe, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án các Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC) được triển khai thực hiện ở 6 tỉnh của vùng ĐBSCL nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất, tạo chuỗi giá trị cho 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lúa gạo và cây ăn quả (cụ thể là cây xoài).

GIC sẽ hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động trong vùng dự án.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cải thiện thu nhập cho các hộ sản xuất nhỏ, tạo thêm việc làm, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi giá trị lúa gạo và xoài thông qua các mô hình kinh doanh có tính cạnh tranh. Đồng thời, giảm thiểu tác động môi trường, tạo điều kiện cho các tác nhân tham gia trong chuỗi có thể ứng dụng thành công những đổi mới sáng tạo để phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao lợi nhuận.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.