Đây là mô hình mới, không chỉ giải quyết bài toán nguyên liệu cho nhà máy đường mà còn góp phần tái cơ cấu ngành cao su trong thời điểm giá mủ giảm sâu.
Theo hợp đồng ký kết giữa Cty CP Cao su Phước Hòa với Cty CP Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh (gọi tắt TTCS) thì Cty Cao su Phước Hòa cho TTCS thuê 700 ha đất cao su tái canh sau 4 - 5 tháng để trồng mía với đơn giá 2 triệu đồng/ha/năm bắt đầu từ vụ ĐX 2015-2016. Đến nay diện tích cây mía đã trồng được 150 ha, số còn lại 550 ha dự kiến đến vụ HT 2016 khi sắp tới có mưa xuống, phía đối tác TTCS sẽ tiếp tục trồng hết theo kế hoạch.
Đây cũng là năm đầu tiên đưa cây mía trồng xen trong vườn cao su thực hiện theo qui trình kỹ thuật mới. Nhằm đảm bảo cho vườn cao su cùng cây mía phát triển ổn định phải dựa trên hai nguyên tắc, đó là đường ranh giữa cao su và mía có khoảng cách từ 2m trở lên, bởi nếu trồng sát quá sau này mía sẽ “ôm” cao su sẽ ngã; hai là không tự tiện xử lý thuốc BVTV. Tất cả các loại thuốc cỏ, thuốc sâu trước khi đem phun cây mía phải được cán bộ kỹ thuật của Cty Cao su Phước Hòa thẩm định.
“Dự kiến năng suất mía không tưới trên vùng cao su khoảng 60 tấn/ha, nếu trồng đạt 1.000 ha thì mỗi năm sẽ đáp ứng cho hơn 6.000 tấn mía nguyên liệu cho nhà máy đường, trong khi đường vận chuyển từ vùng nguyên liệu về nha máy rút ngắn khoảng 100km. Đây là con số thật sự ý nghĩa, bởi không chỉ ngành cao su có thêm thu nhập nhờ vào việc cho thuê đất mà còn giải quyết được phần nào đó lao động tại chỗ do tham gia vào quá trình chăm sóc cây mía cho TTCS”, ông Hùng chia sẻ. |
Chúng tôi đến Nông trường Hội Nghĩa, một trong 4 nông trường đang thực hiện dự án trồng mía xen trong vườn cao su với diện tích 70ha. Trong cái nắng hầm hập mấy tháng qua, cùng với cao su thì cây mía đang phát triển xanh tốt.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ kỹ thuật của TTCS đang “nằm vùng”, khó khăn nhất của việc trồng mía trên đất cao su tái canh chính là giai đoạn làm đất do cỏ và gốc rễ còn sót lại nhiều nên tiến độ trồng chậm, mặc dù trồng bằng máy với định mức 3,5 triệu đồng/ha.
Chỉ tay vào vùng mía tơ phơi phới xanh nõn được trồng từ cuối tháng 11/2015 tại Đội 2, ông Bình nói: “Đến nay cây mía đã sinh trưởng hơn 3 tháng, mới bón lót và làm cỏ đợt 1, tuy trong thời điểm khô hạn nhưng nhìn chung vẫn phát triển đều.
Chúng tôi đang theo dõi sâu đục chồi sớm (dạng sâu đục thân) để có biện pháp xử lý. Theo hợp đồng thời hạn 3 năm (1 tơ 2 gốc), nhưng thực tế do đất cao su tốt nên có thể trồng mía 2 năm là đủ, bởi sau 3 năm e rằng cây mía xanh tốt sẽ nuốt cao su mất”.
Được biết, niên vụ 2015-2016, tổng diện tích mía của tỉnh Tây Ninh đạt 15 ngàn ha, giảm khoảng 20 - 30% so tổng diện tích mía niên vụ 2014-2015.
Nguyên nhân chính là do sâu bệnh phá hại và các cây trồng khác như mì, mãng cầu, quýt đường cạnh tranh, trong đó ngành chức năng từng khuyến cáo người dân không nên bỏ mía trồng mì trên những vùng đất không thích hợp làm xáo trộn cơ cấu cây trồng, phá vỡ qui hoạch.
Cơ giới hóa trồng mía xen trong lô cao su
Chính vì nguyên liệu tại chỗ đang thiếu, không còn cách nào khác là TTCS “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”, bằng cách sang Campuchia tìm đất trồng hơn 2.000 ha mía, đồng thời tích cực đẩy mạnh phát triển mô hình trồng xen cây mía vào các khu vực trồng cao su tái canh trong nước với diện tích tập trung như đã nóitrên.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó TGĐ phụ trách nông nghiệp của TTCS cho biết, đưa cây mía trồng xen giai đoạn đầu khá vất vả, do mật độ trồng và chăm sóc đều khác so với việc trồng mía bình thường, bởi luôn đảm bảo cho cả mía và cao su sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm và tâm huyết của đội ngũ KHKT cũng như năng lực máy móc sẵn có của TTCS, ông tin tưởng rằng DN sẽ thành công.