Hoa Kỳ và Đức đang cạnh tranh để sản xuất một loại vắc-xin độc quyền chống lại Covid-19 đang được phát triển trong phòng thí nghiệm của Đức, tờ Die Welt hàng ngày đưa tin hôm 14/3.
Theo bài báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng "đánh cắp" các nhà khoa học Đức đang nghiên cứu một loại vắc-xin thử nghiệm chống lại Covid-19 với mục đích có giấy phép độc quyền.
Một loại vắc-xin như vậy sẽ "chỉ dành cho Hoa Kỳ", một nguồn tin thân cận với chính phủ Đức nói với Die Welt, mặc dù Berlin cũng sẽ tìm cách cung cấp riêng cho Công ty công nghệ sinh học CureVac, có trụ sở tại bang Thuringia của Đức.
Công ty CureVac được thành lập năm 2000, có các trụ sở khác ở Frankfurt và Boston.
Công ty tự quảng cáo là chuyên về "phát triển các phương pháp điều trị chống ung thư, trị liệu dựa trên kháng thể, điều trị các bệnh hiếm gặp và vắc-xin dự phòng".
Phòng thí nghiệm của công ty hiện đang làm việc song song với Viện Paul-Ehrlich, liên kết với Bộ Y tế Đức.
"Chính phủ Đức rất quan tâm đến việc phát triển vắc-xin và các hoạt chất chống lại Covid-19", một phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức nói với Die Welt.
"Chính phủ đã tham gia các cuộc đàm phán chuyên sâu về vấn đề với CureVac", người phát ngôn cho biết thêm.
Trước đó, ngày 2/3, ông Daniel Menichella, Giám đốc điều hành của CureVac, được mời tới Nhà Trắng để gặp Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và đại diện của các công ty dược phẩm làm việc về cách đối phó với đại dịch, công ty tiết lộ trên trang web của mình mà không cho biết thỏa thuận tài chính đã đạt được hay chưa.
"Chúng tôi rất tự tin có thể phát triển một loại vắc-xin mạnh trong vòng vài tháng", CureVac dẫn lời ông Menichella - người đã nhường chỗ cho người sáng lập và CEO sắp tới Ingmar Hoerr - sau chuyến thăm Washington.
CureVac hồi tháng 1 đã nhận được khoản tài trợ 8,3 triệu USD từ Liên minh các sáng kiến chống dịch bệnh (CEPI) để tìm cách ứng dụng công nghệ vắc-xin liều thấp của họ vào quá trình bào chế vắc-xin chống virus SARS-CoV-2, Reuters đưa tin.
CureVac hi vọng một vắc-xin thử nghiệm phòng chống SARS-CoV-2 sẽ sẵn sàng vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7, khi đó họ sẽ xúc tiến các thủ tục tiếp theo để có thể thử nghiệm trên người.
Ông Florian von der Muelbe, Giám đốc sản xuất kiêm đồng sáng lập Công ty CureVac, cho biết, với năng lực công nghệ hiện có, hãng có thể sản xuất tới 10 triệu liều vắc-xin trong một chu kỳ sản xuất thường mất vài tuần.