Rõ ràng, bảo đảm an ninh lương thực là một trong những ưu tiên của chính phủ Trung Quốc.
Theo tờ Washington Post, Trung Quốc, với 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 8% đất canh tác, đã phải đổ ra nước ngoài tìm đất làm nông nghiệp. Chỉ riêng ở châu Phi, các “trang trại hữu nghị” do người Trung Quốc điều hành trồng cải bắp ở CHDC Congo, nuôi cá ở Angola hay trồng vừng, điều và lạc ở Mozambique.
Giàu nhanh, tiêu thụ tăng vọt
Kể từ khi Trung Quốc bước vào hàng các nước giàu có, sức tiêu thụ lương thực, thực phẩm của gần 1,4 tỷ dân đã khiến cách thức trồng trọt và phân phối lương thực của cả thế giới thay đổi. Mức tiêu thụ thực phẩm của người Trung Quốc dần sánh ngang với người Mỹ và điều này buộc các công ty Trung Quốc phải lùng sục khắp thế giới tìm mua mọi thứ, từ thịt lợn muối đến chuối.
Trung Quốc đang trông đợi vào công nghệ để giúp ngành nông nghiệp nuôi sống gần 1,4 tỷ dân. Trong ảnh: Một đàn dê thuộc dự án thí điểm phát triển nông nghiệp Penglai Hesheng (Ảnh: Bloomberg) |
Nhưng các nỗ lực mua hoặc thuê đất nông nghiệp từ các nước đang phát triển đang cho thấy chỉ xây trang trại là chưa đủ. Tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đã tạo thêm 2 tỷ người trong vòng một thế hệ và họ cũng cần nhiều thực phẩm hơn, theo hãng tin Bloomberg.
Điều đó đặt Trung Quốc vào thế không còn đường lùi: Nếu nước này muốn có đủ cái ăn cho dân số khổng lồ của mình trong nửa còn lại của thế kỷ này, họ phải đảm bảo nông nghiệp thế giới đủ năng lực sản xuất lương thực cho 9 tỷ người. Câu trả lời nằm ở hai từ: công nghệ.
Nền nông nghiệp Trung Quốc, từ những mảnh ruộng trồng lúa nhỏ do những cao niên tuổi thất thập coi sóc, tới những công ty khổng lồ đang thách thức những tên tuổi của thế giới như Nestle SA và Danone SA, đang trải qua một cuộc cách mạng có thể có tác động to lớn không kém cuộc chuyển đổi công nghiệp hóa từng viết lại bản đồ thương mại thế giới.
Những thay đổi này bắt đầu từ 4 năm trước đây khi Trung Quốc bắt đầu sắp xếp lại hệ thống sản xuất nông nghiệp cũng như các công ty tư nhân trong lĩnh vực này. Kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong các nhà máy, trong các ngành đầu tư và xuất khẩu, nhưng những thay đổi trên đồng ruộng mới ấn tượng hơn cả.
Cải cách ruộng đất đã giúp nâng sản lượng các loại ngũ cốc như gạo và lúa mì. Và nhiều triệu người gia nhập hàng ngũ trung lưu giàu có nay muốn nhiều rau hơn, nhiều thịt lợn hơn và cũng muốn những thứ xa xỉ hơn nữa như thịt bò và sữa.
Khi Du Chunmei còn nhỏ, thịt lợn là thứ quý chỉ dành cho người già trong ngôi làng của cô ở Tứ Xuyên, vào mỗi dịp tết. Chỉ đến tết, gia đình mới thịt lợn và họ hàng, hàng xóm mới có một bữa “liên hoan” sau bao ngày kham khổ.
“Thịt từng rất khan hiếm”, bà Du, nay đã 47 tuổi, nhân viên Cty dầu mỏ PetroChina Co. thuộc sở hữu nhà nước, nói. Năm nay gia đình bà Du chào mừng tết bằng một bữa tiệc tại nhà hàng. “Bây giờ, phổ biến chuyện nhiều người phải cắt bớt khẩu phần thịt để đảm bảo sức khỏe”.
Bốn mũi nhọn
Nhưng sự phát triển quá nhanh của kinh tế Trung Quốc cũng đem lại những tác dụng không mong muốn. Đất nông nghiệp thu hẹp, nhường chỗ cho nhà máy. Đồng ruộng còn lại bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, hoặc do nông dân chạy theo sức ép thị trường mà dùng quá nhiều chất hóa học. Trung Quốc trở thành một quốc gia tai tiếng vì thực phẩm bẩn, từ gạo nhiễm thủy ngân tới sữa có melamine…
Vì vậy, Trung Quốc làm thế nào để có thể đảm bảo an ninh lương thực nếu mọi người Trung Quốc đều ăn với khẩu phần như người Mỹ?
Câu trả lời đơn giản là không thể.
Chỉ số đất nông nghiệp trên đầu người của Trung Quốc ở mức rất thấp, chưa tới 1/8ha (Ảnh: Bloomberg) |
Theo tính toán, để nuôi sống một người Mỹ theo cách họ đang sống, cần tới 1/2ha đất trồng trọt. Trung Quốc chỉ có chưa tới 1/8 ha đất canh tác/người, đó là tính cả số ruộng đồng bị ô nhiễm.
Chính vì lý do đó, Chính phủ Trung Quốc phải cấp tốc tập trung đổi mới nông nghiệp và chủ trương của họ có bốn mũi nhọn: kiểm soát thị trường, cải thiện hiệu quả canh tác, ngăn chặn việc mất đất nông nghiệp và cuối cùng là nhập khẩu.
Trong bốn mũi nhọn đó, công nghệ là chìa khóa làm cân bằng cán cân lương thực. Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD cho hệ thống tưới tiêu, giống, tự động hóa và khoa học dữ liệu để hạn chế những mặt trái của tiến trình công nghiệp hóa và phát triển nông nghiệp bền vững hơn, hiệu suất canh tác cao hơn.
Trung Quốc đang ở trong thế cần phải thành công nhanh chóng. Họ đặt mục tiêu tự cung đủ các loại lương thực chủ chốt như gạo, ngô và lúa mỳ. Nhưng trong nhiều trường hợp, chính sách của chính phủ đã khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp rẽ sang hướng không mong muốn.
Để đảm bảo nông dân trồng đủ các loại ngũ cốc này, chính phủ áp đặt một vài mức giá tối thiểu đối với các loại ngũ cốc và tích trữ phần thặng dư trong các kho dự trữ chiến lược.
Đáp lại, nông dân sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ để có năng suất càng cao càng tốt. Đã có những loại nông sản trở nên dư thừa và có khả năng bị hỏng sau quá trình tích trữ dài, cần phải xử lý. Ví dụ ở nhiều tỉnh, ngô tích trữ dần bị xuống cấp tới mức chính quyền phải quyết định mang ra làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học.