Ưu tiên sản phẩm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường
Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh chính sách đổi cũ lấy mới, đặc biệt trong các lĩnh vực ô tô, điện gia dụng và thiết bị gia đình. Sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Theo dữ liệu từ Suning.com, từ khi chương trình trợ cấp đổi cũ lấy mới cho điện gia dụng bắt đầu vào tháng 8/2024, doanh số của các sản phẩm như máy giặt sấy kết hợp tiết kiệm năng lượng, điều hòa thông minh và lò hấp nướng kết hợp đều tăng mạnh từ 129% đến 228%.

Các thương hiệu xe điện Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm Oto Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024. Ảnh: Phan Hội.
Xe điện trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người trẻ khi mua xe. Năm 2024, lần đầu tiên sản lượng và doanh số xe điện đạt hơn 10 triệu chiếc, chiếm 40,9% tổng số ô tô mới bán ra. Thị phần xe điện trong thị trường ô tô cá nhân cũng đã vượt 50% trong 6 tháng liên tiếp. “Xe điện không chỉ tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, mà còn kết hợp với nhiều tính năng thông minh khác", Vương Lệ, một người tiêu dùng thế hệ 9x, nhận xét.
Bên cạnh đó, thị trường xe cũ cũng đang phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, tổng số xe cũ giao dịch tại Trung Quốc đạt 19,61 triệu chiếc, tăng 6,5% so với năm trước, trong khi lượng xe đã qua sử dụng được thu hồi và tái chế lên tới 8,46 triệu chiếc, tăng 64%. Việc “thu cũ đổi mới” không chỉ thúc đẩy tiêu dùng mà còn góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Xây dựng thói quen chi tiêu hợp lý thông qua tiêu dùng xanh và carbon thấp
Ngày càng có nhiều bạn trẻ Trung Quốc sử dụng các sàn giao dịch đồ cũ trực tuyến để bán những món đồ không còn sử dụng và mua sắm những món đồ yêu thích. “Không phải vì tiết kiệm quá mức, mà chúng tôi đang tận dụng tối đa giá trị của đồ vật”, anh Vũ Tinh chia sẻ về việc mua một chiếc máy ảnh cũ trên mạng. "Máy ảnh khá đắt nhưng tôi ít dùng đến, tìm mua đồ cũ vừa hữu ích lại tiết kiệm chi phí".
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, người tiêu dùng còn có thể tìm được những món đồ cũ mang đậm dấu ấn cá nhân, tạo ra trải nghiệm mua sắm thú vị tại các cửa hàng đồ cũ.
Theo thống kê từ nền tảng giao dịch đồ cũ Xianyu, hiện tại số lượng người dùng đã vượt mốc 600 triệu, với giá trị giao dịch hằng ngày lên tới hơn 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 32 nghìn tỷ VND). Hơn 100 triệu người dùng đã đăng bán đồ cũ trong một năm, với 4 triệu món đồ được đăng mỗi ngày, trong đó hơn một nửa là người dùng sinh năm 1995 trở đi.

Trang chủ nền tảng mua sắm đồ cũ Xianyu. Ảnh: Phương Linh.
Không chỉ mua bán trực tuyến, các cửa hàng đồ cũ offline cũng đang trở thành một không gian tiêu dùng mới. Tại một cửa hàng đồ cũ nằm ở tầng hầm một trung tâm thương mại ở khu vực Tây Hồ, Hàng Châu, các sản phẩm từ quần áo, giày thể thao, phụ kiện đến các thiết bị gia dụng đều được trưng bày gọn gàng. “Chúng tôi áp dụng hình thức ký gửi, người bán sẽ gửi đồ vào cửa hàng cho đến khi bán được, giao dịch trực tiếp tại cửa hàng sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn”, bà Trần, chủ cửa hàng chia sẻ.
Các cửa hàng đồ cũ offline ngày càng phong phú về hình thức, trở thành một xu hướng được giới trẻ ưa chuộng. Mới đây, các cửa hàng đồ cũ đã vào tận trường học trong mùa tốt nghiệp, giúp sinh viên bán đi những món đồ không dùng đến, như sách vở, đồ chơi “blind box” hay các vật dụng gia đình.
“Với giới trẻ, việc mua bán đồ cũ không chỉ xây dựng lối sống tiêu dùng tiết kiệm và bảo vệ môi trường mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi hy vọng sẽ kết nối thêm nhiều nguồn lực xã hội để hình thành một mạng lưới giao dịch đồ cũ hiệu quả, góp phần tạo ra xu hướng tiêu dùng xanh mạnh mẽ hơn", ông Lý Thế Kiệt, Trưởng bộ phận kinh doanh offline của Xianyu, chia sẻ.

Trung Quốc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (Ảnh minh họa).
Trong những năm gần đây, Cục Quản lý Thị trường thành phố Thạch Gia Trang (Hà Bắc, Trung Quốc) đã triển khai "Chiến dịch đĩa sạch" để hướng dẫn người tiêu dùng hình thành thói quen tiết kiệm thực phẩm và giảm lãng phí.
“Các nhà hàng và cơ sở ăn uống đã hưởng ứng mạnh mẽ, cung cấp các suất ăn nhỏ và ‘bữa ăn cho một người’, đồng thời khuyến khích khách hàng mang thức ăn thừa về”, ông Lý Văn Hoa, Trưởng phòng An toàn thực phẩm của Cục Quản lý Thị trường Thạch Gia Trang, cho biết.
Không chỉ là các suất ăn nhỏ, các hoạt động tái chế hay “thu hồi chai lọ” cũng đang trở thành xu hướng phổ biến trong giới trẻ. Ví dụ, mang theo cốc riêng khi mua cà phê để giảm thiểu việc sử dụng cốc giấy, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Mỗi cốc cà phê tiết kiệm được vài nhân dân tệ, và một tháng người tiêu dùng có thể tiết kiệm gần trăm nhân dân tệ (tương đương hơn 300.000 VNĐ).
Bên cạnh đó, khi sử dụng hết các sản phẩm mỹ phẩm, khách hàng có thể mang chai rỗng đến các quầy thu hồi tại trung tâm thương mại để đổi điểm tích lũy hoặc phiếu mua hàng.
Để khuyến khích công dân "di chuyển xanh", thành phố Thạch Gia Trang cũng đã ra mắt ứng dụng "Carbon Hui", cho phép người dân tích lũy điểm carbon khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đổi lấy các quyền lợi xanh như vé điện tử xe buýt và các voucher mua sắm khác.