Theo Văn phòng SPS Việt Nam, phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Tây như Bằng Tường, Đông Hưng...
Phía bạn đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ... nhằm đảm bảo chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đưa ra 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép xuất hiện trong chanh leo khi nhập khẩu vào thị trường nước này.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp trong việc lấy mẫu kiểm tra trong các lô hàng xuất khẩu. Phía bạn cũng đề nghị, việc sản xuất chanh leo phải đáp ứng các yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP.
Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo từ ngày 1/7 là kết quả từ sự nỗ lực Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan trong suốt thời gian dài đàm phán vừa qua.
Chanh leo nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo Việt Nam tăng hơn 300%. Hiện xuất khẩu chanh leo phẩm của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.
Chanh leo liên tục gia tăng về diện tích gieo trồng vài năm qua, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên. Sản lượng chanh leo ước đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Lợi nhuận trên mỗi hecta chanh leo có thể lên tới 350-400 triệu đồng.
Trước đó, bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, vào ngày 21/6, Đoàn công tác Việt Nam do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu đã họp song phương với phía Trung Quốc do ông Bi Zhonglin, Đại sứ Thường trực của Trung Quốc tại WTO làm Trưởng đoàn.
Tại phiên họp, đại diện Việt Nam đã nêu nhiều đề nghị với phía nước bạn, trong đó có việc tăng cường hợp tác, đảm bảo giao thương nông sản. Trung Quốc hứa xem xét việc sớm mở cửa cho các nông sản khác như chanh leo, khoai lang tím và bưởi thời gian tới.