Sản lượng trái cây ước đạt 7,3 triệu tấn trong năm 2022
Ngày 8/6, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn.
Một số tỉnh có sản lượng lớn như thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; bưởi tại Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang; xoài tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai; mít tại Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai; chanh leo tại Gia Lai, Đắk Lắk…
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin thêm, hiện nay, các mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng tươi với 75,9%; còn lại là đã qua chế biến. Top 10 trái cây xuất khẩu tươi của Việt Nam năm 2021 là thanh long (tỷ lệ cao nhất, chiếm 33,9%), xoài (6,5%), chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải, chanh leo. 10 thị trường tiêu thụ nhiều nhất trái cây của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Hà Lan, Nga, Úc.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu rau quả vẫn tăng cao, đạt 3,55 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2020.
Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chanh leo Việt Nam
Tại Diễn đàn, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang thảo luận kĩ thuật để có thể sớm xuất khẩu chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới qua cửa khẩu biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây.
Về điều kiện chung, chanh leo xuất khẩu phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số cơ sở đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này cần liên hệ Cục BVTV để đăng ký và được hướng dẫn. Đây là loại quả có tiềm năng lớn tại Trung Quốc, có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao.
"Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 của trái cây Việt Nam và họ đang tăng cường kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, nhất là các mặt hàng như thanh long, xoài, dưa hấu,… và ghi nhận một vài trường hợp không đạt, nhất là các tiêu chí về kiểm soát Covid-19. Do đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp và địa phương phải hết sức chú ý thực hiện đúng các quy định vì Trung Quốc sẽ chỉ thông báo trước từ 3 - 5 ngày. Khi phát hiện vi phạm, tùy mức độ có thể tạm ngưng nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản", ông Lê Văn Thiệt lưu ý.
Còn đối với vấn đề xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, việc đàm phán cũng đang ở giai đoạn cuối, hi vọng việc đàm phán sẽ kết thúc sớm để trong năm nay để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường tiềm năng này.
Việc xuất khẩu quả tươi đi các thị trường khó tính có nhiều yêu cầu khác nhau. Như với thị trường Mỹ, Úc, New Zealand thì yêu cầu trái cây tươi phải chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand thì yêu cầu xử lý hơi nước nóng. Với biện pháp lạnh thì có ít nước yêu cầu hơn.
Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Lê Văn Thiệt, Việt Nam đã xuất khẩu được 6 loại quả là thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện quá trình đàm phán giữa 2 nước để xuất khẩu quả bưởi Việt Nam sang Hoa Kỳ đã vào giai đoạn cuối. Dự kiến khoảng một vài tháng nữa Hoa Kỳ sẽ mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam.
Với thị trường Nhật bản, hiện Việt Nam đang xuất khẩu 3 loại trái cây tươi là thanh long, xoài, vải. Hiện Cục BVTV cũng đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật để xuất khẩu quả nhãn bằng biện pháp xử lý khí lạnh.