| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc 'phong tỏa' thành phố Vũ Hán vì virus Corona

Thứ Năm 23/01/2020 , 15:17 (GMT+7)

Trung Quốc ra lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng rời khỏi thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi được mô tả là "thành phố ma".

Cảnh sát Trung Quốc đứng bảo vệ tại nhà ga Hàn Khẩu, thành phố Vũ Hán sau lệnh phong tỏa giao thông công cộng. Ảnh: SCMP

Hệ thống giao thông công cộng ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bị buộc ngừng hoạt động trong lúc số ca lây nhiễm virus Corona được ghi nhận lên tới gần 600 người, SCMP đưa tin hôm 23/1.

Các phương tiện bị cấm bao gồm tàu hỏa, xe bus, phà. Lệnh dừng hoạt động bắt đầu từ 10h sáng 23/1. Điều này được xem là biện pháp được chính quyền trung ương Trung Quốc áp dụng nhằm kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch. Virus corona đã làm ít nhất 17 người thiệt mạng ở quốc gia này. 

Cư dân Vũ Hán tối 22/1 đổ xô tới các ga tàu, sân bay tối 22/1, trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực. Với những người ở lại, chính quyền Vũ Hán khuyến cáo họ không rời khỏi thành phố trừ "các lý do đặc biệt".

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính tới tối 22/1, đã có 571 ca nhiễm virus corona, 17 người chết vì loại virus này. Tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, có 6 ca nhiễm mới được phát hiện, nâng tổng số người nhiễm virus corona lên 32, theo People's Daily. 
 

Cảnh báo ở ga tàu hỏa

Nhà ga tàu hỏa Vũ Hán chật cứng người lúc 7h sáng 23/1, song không phải toàn bộ hành khách đều muốn rời khỏi thành phố. Zhang, 61 tuổi, người Vũ Hán, cho biết ông có công việc cần đi tàu tới Thiên Tân và dự định trở lại vào ngày 24/1.

Zhang nói ông lo sợ virus Corona sẽ lây lan, giới chức Trung Quốc cần có các biện pháp ngăn chặn sớm hơn. "Chính quyền Vũ Hán nói họ bắt đầu dùng thiết bị đo thân nhiệt từ cuối tuần trước, nhưng khi tới lối vào nhà ga, tôi không hề thấy thiết bị nào. Cũng không ai đo thân nhiệt của tôi", Zhang nói. 

Trên chuyến tàu cao tốc từ Vũ Hán đi Đại Liên, tây bắc Trung Quốc, hầu hết hành khách đều đeo khẩu trang y tế chuyên dụng. Tuy nhiên, tại Hứa Xương, nơi đoàn tàu dừng lại đón khách 2 tiếng sau khi khởi hành, không ai đeo khẩu trang, cả già lẫn trẻ. Một người đàn ông hơn 60 tuổi, khi được SCMP phỏng vấn đã nói ông không hề biết gì về virus Corona hay khuyến cáo cần đeo khẩu trang. 

Một số thành phố khác ở Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Tại Hàm Đan, cách Vũ Hán 790 km, dân số 9 triệu người, các nhân viên y tế chốt tại cửa ra nhà ga kiểm tra kỹ thân nhiệt hành khách. 

Số ca nhiễm và tử vong vì virus corona ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP.


Trạm kiểm soát trên đường

Nhân viên y tế tại các trạm thu phí và trạm kiểm soát dọc đường cao tốc từ Vũ Hán đi các nơi, đã kiểm tra thân nhiệt những người rời thành phố, theo tường thuật của SCMP. Một cư dân Vũ Hán, họ Đinh, cho biết các làn đường rời khỏi Vũ Hán chật kín xe cộ, trong khi chỉ có vài chiếc đi chiều ngược lại. 

"Rất nhiều người muốn rời đi", Đinh nói. "Các nhân viên kiểm tra từng xe, đo thân nhiệt từng người. Xe cộ đi rất chậm vì phải kiểm tra".


Lùng sục mua khẩu trang

Các Cty dược phẩm Trung Quốc đang tăng cường sản xuất khẩu trang để đối phó cơn sốt mặt hàng này, theo Hubei Daily. Một nhân viên của Tập đoàn Dược phẩm Jiuzhou Express, cho biết hơn nửa triệu khẩu trang đã được đưa tới các siêu thị hôm 21/1, phần lớn khẩu trang chuyển tới Vũ Hán. 

Lượng đặt hàng khẩu trang đã tăng gấp đôi trong hôm qua. Các Cty dược phẩm cũng tuyên bố họ có đủ lượng dự trữ thuốc chống cảm cúm Tamiflu. 

Trong khi đó, các chủ siêu thị tuyên bố họ dự trữ đầy đủ và đảm bảo sẽ không có chuyện "cháy hàng" ở Vũ Hán. 

Bên ngoài bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP.


Khóc vì lệnh phong tỏa

"Chúng tôi cần nhiều biện pháp hỗ trợ y tế hơn nữa. Không ai sẵn sàng cho lệnh phong tỏa giao thông công cộng", Yu, một phụ nữ ở Vũ Hán cho biết. Cô nói mình gần như ở yên trong nhà vì sợ lây nhiễm. Tình hình ở siêu thị không lạc quan như tuyên bố nêu trên báo chí. Yu kể rằng cô tới siêu thị sáng sớm nay, nhưng ở đó đã rất nhiều nguời xếp hàng, rau quả đã bị mua sạch. 

"Chúng tôi đang thiếu các nguồn lực y tế. Các bác sỹ trực 24h trong ngày, ăn ở tại bệnh viện. Một người bạn cùng lớp của tôi cũng là bác sỹ đang trực. Anh ấy nói các thiết bị bảo vệ còn rất thiếu, ngay cả với bác sỹ ở tiền tuyến".

"Nhiều nhân viên y tế đã bị ốm. Con số chính thức cho biết 15 người bị lây nhiễm có lẽ là không đúng. Tôi nghĩ rằng chính quyền biết có rắc rối nhưng không hành động nhanh chóng. Cái chúng tôi cần bây giờ là tốc độ xử lý bệnh dịch", Yu nói.

Người phụ nữ này cũng kể rằng cả gia đình cô đã khóc khi biết có lệnh phong tỏa tối qua.


Thành phố ma

Alex Wang, một cư dân Vũ Hán, cho biết mọi người đang lùng sục tích trữ thực phẩm. "Một miếng cải bắp có giá 35 Nhân dân tệ (khoảng 105.000đ), đắt gấp vài lần trước khi có khủng hoảng vì virus Corona. Kho hàng của một số siêu thị nhận vận chuyển trực tuyến đã trống rỗng".

"Các trung tâm mua sắm, đường phố chính, nhà hàng bình thường sôi động giờ vắng hoe. Trên đường phố không bóng người, dù vào giờ cao điểm. Vũ Hán bây giờ giống thành phố ma", Wang nói. 

Một số cư dân Vũ Hán đã rời thành phố từ vài ngày trước, bởi có không ít công chức đã nghe nói về lệnh phong tỏa, theo lời Wang. "Vài người họ hàng của tôi là công chức, họ biết về lệnh này từ vài ngày trước nên họ đã rời Vũ Hán từ hôm 20/1 để tránh tình trạng giao thông hỗn loạn".

Nhân viên y tế Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt hành khách ra vào ga tàu hỏa. Ảnh: Getty.


Đóng cửa

David Wilmots, chủ nhà hàng bia Bỉ tại Vũ Hán, cho biết ông cùng vợ đã bay từ Vũ Hán đến Việt Nam sáng qua, thông qua "kiểm soát chặt chẽ" về than nhiệt tại sân bay và khi lên máy bay. Việc kiểm tra ở Quảng Châu, nơi có máy bay chuyển tiếp, diễn ra ít nghiêm ngặt hơn. Ông David nói họ "không bị kiểm tra thân nhiệt" khi đến Việt Nam.

"Chính phủ nói rằng không ai được tới những nơi công cộng mà không đeo khẩu trang, tôi nghĩ đây là biện pháp tốt và cần thiết", David nói. Tuy nhiên, ông này mô tả mọi người ở Vũ Hán có vẻ đang hoảng loạn.

David từng ở Vũ Hán thời 2002-2003, lúc dịch viêm phổi Sars bùng phát. Lúc đó, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu cư dân địa phương hầu như không rời khỏi nhà. David cho rằng tình hình hiện tại chưa nghiêm trọng như cách đây gần 20 năm. 

"Tôi lo lắng cho những nhân viên của mình. Tôi đã kinh doanh 15 năm qua và chưa từng đóng cửa như thế này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải đóng cửa trong 2 ngày".

Huang, 24 tuổi, cư dân Vũ Hán, cho biết khách sạn nơi anh làm việc trong thành phố đã không nhận thêm khách. "Khách sạn chỉ cho khách trả phòng, không nhận thêm ai vào nghỉ". Huang nói mọi việc đang "rất nghiêm trọng", mọi người phải đeo khẩu trang ra ngoài, trong khi nhiều người cho rằng còn cần đeo thêm kính bảo vệ.


Gia đình chia rẽ

Giao thông gián đoạn khiến nhiều gia đình phải sắp xếp lại lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Chen Yan, 35 tuổi, nhân viên công nghệ, đi cùng vợ và con trai 5 tuổi tới Vũ Hán với dự định nghỉ Tết cùng bố mẹ, song anh đã quay về nhà tối qua. Rắc rối ở chỗ bố mẹ Chen vẫn muốn ở lại.

"Tôi cảm thấy mọi thứ đang mau chóng tồi tệ đi. Bố mẹ tôi không muốn rời Vũ Hán dù tôi đã cố thuyết phục. Mẹ tôi muốn ở nhà như những Tết trước. Chúng tôi đã ăn tối cùng nhau tối qua. Tôi khóc và ôm mẹ trước khi lái xe rời đi", Chen kể. 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.