| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc sẽ nắn sông?

Thứ Tư 30/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

Thiếu nước có thể khiến Trung Quốc từ nhà xuất khẩu thành nhà nhập khẩu lương thực. Các chuyên gia còn cho rằng, có thể để giữ nước, quốc gia này sẽ nắn dòng chảy nhiều con sông chảy tới Nam và Đông Nam Á.

Hiện nay, 67% nước ngọt của Trung Quốc được dành cho sản xuất nông nghiệp, ngành chỉ đóng góp 13,2% GDP. Trong nông nghiệp, nhu cầu nước cho tưới tiêu hiện nay là 400 tỷ m3 và dự kiến tăng tới 665 tỷ m3 vào năm 2030, theo Viện Nghiên cứu Arlington, Mỹ.

Lúa gạo, lúa mỳ, ngô và bông là bốn loại cây trồng đòi hỏi nhiều nước nhất ở vùng Đông Nam Trung Quốc. Lúa gạo tiêu thụ 90% số nước tưới tiêu dù diện tích lúa chỉ chiếm 70%. Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể trong 50 năm qua nhờ hệ thống thủy lợi được mở rộng nhưng nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi liệu như vậy có bền vững không khi Trung Quốc ngày càng thiếu nước và liệu nước này còn khả năng duy trì sản lượng nông nghiệp ở mức cao hay không bởi trong những năm gần đây sản lượng đã sụt giảm.

Nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất

Đồng bằng Hoa Bắc khô cằn bao gồm nhiều tỉnh nông nghiệp như Hà Bắc hay Sơn Đông. Đồng bằng này được các dòng sông Hải Hà, Liêu Hà và sông Hoàng cung cấp nước với khối lượng 20 tỷ m3 nước mặt. Trong vài thập kỷ gần đây, nông dân ngày càng trở nên phụ thuộc vào nguồn nước ngầm khi nhiều con sông đã cạn trước khi tới được đồng bằng Hoa Bắc. Kết quả là nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức và nhanh chóng suy giảm, đặt ra nhiều thách thức về nguồn nước trong tương lai.

Vấn đề càng trầm trọng hơn khi công nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh trong vài chục năm qua. Nước cho sản xuất công nghiệp chiếm 22% tổng lượng nước ngọt và theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tính đến thời điểm 2010, nhu cầu nước cho công nghiệp đã tăng 62%. Các ngành tiêu thụ nhiều nước nhất là luyện kim, sản xuất gỗ, giấy, dầu mỏ và hóa chất.

Nhưng công nghiệp mang lại lợi nhuận lớn hơn nông nghiệp nên nước ngày càng được ưu tiên cho khu vực này. 1.000 tấn nước chỉ có thể sản xuất được 1 tấn lúa mỳ trị giá 200 USD, trong khi đó cũng với lượng nước đó, sản xuất công nghiệp có thể thu về 14.000 USD. Khi nước ngày càng khan hiếm, khu vực nông nghiệp sẽ phải chia sẻ với công nghiệp nhiều hơn nữa.

Và khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu lương thực, thay vì là nhà xuất khẩu như hiện tại. Thay đổi lớn này ẩn chứa nhiều tác động đối với giá ngũ cốc thế giới. Hơn nữa, công nghiệp dùng nước nhiều hơn đồng nghĩa là ô nhiễm nặng hơn và nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm thêm nữa.

Hiện nay, nông dân nhiều nơi đã phải bơm rất sâu để lấy được nước. Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tường thuật rằng nông dân trồng lúa mỳ ở một số vùng phải bơm nước từ độ sâu 100-300m. Bơm nước ở độ sâu đó, nhiều nông dân không chịu nổi chi phí và buộc phải chuyển qua trồng như giống cây ít cần nước hơn và sản lượng thấp hơn.

Và mặc dù có nhiều thành tựu và kinh nghiệm trị thủy từ hàng ngàn năm, công tác quản lý nước của Trung Quốc vẫn bị xem là cực kỳ thiếu hiệu quả với tỷ lệ thất thoát nước rất cao. Nước là thứ được chính phủ trợ giá nên rất nhiều người không có động lực tiết kiệm nước. Tâm lý chung là dùng càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Hệ thống thủy lợi kém hiệu quả, những loại cây trồng cần nhiều nước, ưa chuộng làm thủy điện, khai thác nước mặt quá mức là những biểu hiện rõ nhất của việc quản lý nước yếu kém.

Hiệu quả của hệ thống thủy lợi chưa đạt tới 50% đồng nghĩa 8,5% nước ngọt của thế giới bị lãng phí. Đa phần nước trên hệ thống kênh thủy lợi thẩm thấu vào đất nhưng lại không nhanh tới mức đủ để bổ sung cho nguồn nước ngầm. Theo Bộ Xây dựng Trung Quốc, hệ thống thủy lợi kém hiệu quả làm thất thoát 400 triệu m3 nước/năm.

13-21-14_song-ln-thuong
Trung Quốc được nói có thể nắn dòng chảy một số con sông để giữ nguồn nước. Ảnh. Sông Mekong (Lan Thương) trên đất Vân Nam-Trung Quốc (ảnh: tour-yunnan.com)

Để quản lý nguồn nước, Chính phủ Trung Quốc thường trông chờ vào hệ thống đập, đồng thời mong muốn hoàn thành mục tiêu trở thành nhà sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới. Nhưng các con đập để lại nhiều hậu quả xấu đến kinh tế- xã hội và môi trường. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Arlington còn cho rằng đập thủy điện lớn còn khiến nước bốc hơi rất mạnh.

Trung Quốc sẽ nắn sông?

Trung Quốc khai thác quá mức nguồn nước mặt và nước ngầm đến mức các cơn mưa không bù đắp kịp. Theo Bộ Tài nguyên nước, tỷ lệ sử dụng nước của một số con sông, bao gồm Hoài Giang, Liêu Hà và sông Hoàng là 60%, cá biệt có sông Hải Hà đạt tới 90%, cao hơn nhiều so với chuẩn thế giới (30-40%).

Nếu Trung Quốc tiếp tục khai thác quá mức nguồn nước vốn đã khan hiếm, một cuộc khủng hoảng về nước quy mô lớn là khó tránh khỏi. Việc miền Bắc ngày càng phụ thuộc miền Nam về nguồn nước tiềm ẩn những nguy cơ xung đột vùng. Thêm vào đó, sự cạnh tranh giữa các bên dùng nước có thể bùng phát thành bạo lực và bất ổn xã hội. Cao nguyên Thanh-Tạng là đầu nguồn của nhiều con sông chảy tới Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Bhutan, Nepal, Campuchia, Pakistan, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Khi Trung Quốc bắt đầu hết nước, quốc gia này có thể tìm cách tích trữ số nước còn lại để dùng riêng và thậm chí có thể nắn dòng chảy các con sông đang chảy tới Nam và Đông Nam Á. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, đã và đang phải đối đầu với các cuộc khủng hoảng về nguồn nước, sẽ rất khó khăn nếu Trung Quốc nắn dòng chảy các con sông vốn cung cấp nguồn nước quan trọng bấy nay.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.