Chiến lược bảo quản sau thu hoạch mới
Theo đó, cơ quan dự trữ lương thực quốc gia đã công bố hai bản dự thảo kế hoạch củng cố hoạt động bảo quản sau thu hoạch thông qua sự hỗ trợ công nghệ và nguồn nhân lực mới, nhằm tạo ra những cải tiến đáng kể trong vòng 3-5 năm tới giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Theo một nghiên cứu, hệ thống các nhà hàng ở Trung Quốc đã lãng phí 17-18 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, trong giai đoạn từ 2013 đến 2015, nguồn này có thể nuôi sống được từ 30-50 triệu người mỗi năm.
Giới chức Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược quốc gia cho biết, sẽ có một sê-ri các hoạt động đổi mới trong ngành bảo quản sau thu hoạch và dự trữ lương thực bắt đầu triển khai từ năm 2025 và cơ quan này đang lập một nhóm công tác đặc biệt về đổi mới công nghệ.
Mục tiêu là sẽ ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và điện toán đám mây vào hoạt động của ngành, thay thế hoàn toàn cách làm xưa cũ là nguyên nhân chính gây thất thoát và suy giảm chất lượng bảo quản lương thực- thực phẩm tại các kho dự trữ chiến lược.
Ngoài ra, một bản kế hoạch khác liên quan cũng đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới phải xây dựng được ít nhất 5 nền tảng công nghệ có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu, tạo ra sinh khí mới cho toàn ngành dự trữ.
Theo kế hoạch này, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có một đội ngũ nhân lực hùng hậu, am hiểu về dự trữ lương thực và có trình độ học vấn cao hơn. "Một đội ngũ có kinh nghiệm và kỹ năng cao sẽ chiếm ít nhất 28% tổng số nhân lực của toàn ngành", báo cáo cho biết.
Cục trưởng Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược quốc gia Zhang Wufeng nói: "Đổi mới chính là động lực thúc đẩy sự phát triển. Chúng ta sẽ xây dựng một hệ thống dự trữ lương thực chất lượng cao và bền vững với sự hỗ trợ từ cả công nghệ mới và con người mới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước".
Phát biểu tại một hội nghị hôm thứ Ba, cấp phó của ông Zhang cho biết, hiện Trung Quốc có khoảng 1,92 triệu nhân công trong ngành bảo quản lương thực- thực phẩm và dự trữ chiến lược, trong đó có khoảng 35% đạt trình độ đại học.
Zhang Zhongjie, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quản lý Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm quốc gia cho biết, đổi mới công nghệ đã tạo nền tảng vững chắc cho dự trữ chiến lược của đất nước trong những năm gần đây, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
"Mặc dù đất nước không có vấn đề gì về an ninh lương thực, nhưng chúng ta vẫn cần phải quý trọng của ngọc thực, và phải bắt đầu ngay từ thời thơ ấu", ông Zhang nói.
Trong số những phát minh mới, tiêu biểu là thiết kế của nhóm các nhà nghiên cứu của học viện đã giúp giảm chi phí dự trữ ngũ cốc, đồng thời kiểm soát tốt độ ẩm và nhiệt độ của các loại lương thực trong các kho chứa.
Vào năm ngoái, một kho dự trữ lương thực mới đã “bao tiêu” cho 97 doanh nghiệp kinh doanh trong ngành tại 24 tỉnh thành, với sức chứa ít nhất là 3 triệu tấn giúp cắt giảm chi phí vận chuyển, thất thoát khoảng 50 triệu nhân dân tệ (7,1 triệu USD) trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018.
Theo ông Zhang, hiện lượng ngũ cốc tồn kho của Trung Quốc vẫn giữ ở mức cao, trong đó chủ yếu là hai loại gạo và lúa mì, ước tính có thể nuôi sống được toàn bộ dân số cả nước trong vòng hơn một năm.