Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết hôm 20/7. Nguy hiểm hơn, một số "biến thể mới của virus cũng xuất hiện", vị quan chức thông tin.
Cụ thể, các nguồn tin trong ngành chăn nuôi cho biết đã có những đợt bùng phát mới ở miền bắc và đông bắc Trung Quốc hồi đầu năm nay. Các ổ dịch mới cũng được phát hiện ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam nước này, như Reuters đã đưa tin trước đó.
Xin Guochang, một quan chức tại Cục chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết: “Tình hình kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh vẫn còn phức tạp và nhiệm vụ vẫn còn rất nặng nề".
Ông Xin nói với các phóng viên rằng nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới vẫn tồn tại ngay cả khi tình hình nói chung ổn định.
Zeng Yande, người đứng đầu bộ phận phát triển và lập kế hoạch, cũng thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết vào cuối tháng 6 vừa qua, đàn lợn của Trung Quốc gồm 439 triệu con, bằng 99,4% so với cuối năm 2017, với đàn lợn nái là 45,64 triệu con, bằng 102% so với cuối năm 2017.
Song Danyang, một quan chức khác của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo, việc phục hồi chăn nuôi lợn đã dẫn đến việc sử dụng nhiều ngô hơn, một thành phần chính của thức ăn chăn nuôi và đẩy giá ngũ cốc lên cao.
"Nguồn cung ngô được đảm bảo và giá có thể sẽ duy trì ở mức cao và ổn định trước vụ thu hoạch mới vào mùa thu - thời điểm lượng ngô, cao lương và lúa mạch nhập khẩu tăng", Song nói.
Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã chuyển sang sử dụng lúa mì có giá rẻ hơn để thay thế ngô trong công thức thức ăn chăn nuôi.
Việc sử dụng lúa mì trong thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức tương đối cao vì loại ngũ cốc này vẫn giữ được lợi thế về giá so với ngô, ông Song bổ sung.
Lúa mì ở tỉnh Hà Nam, nằm ở miền Trung của Trung Quốc, là khu vực sản xuất ngũ cốc hàng đầu, có mức giá 2.520 nhân dân tệ (tương đương 388,57 USD)/tấn vào ngày 19/7, thấp hơn hẳn so với giá ngô ở mức 2.910 nhân dân tệ (tương đương 448,7 USD)/tấn.
(1 USD = 6,4854 Nhân dân tệ của Trung Quốc)