| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ: 40 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Năm 13/12/2018 , 13:34 (GMT+7)

Cách đây 40 năm, ngày 20/11/1978, Phân viện Đặc sản rừng thuộc Cty Lâm sản, đặc sản xuất khẩu - Bộ Lâm nghiệp, tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ ngày nay được thành lập theo Quyết định số 1981/TCh của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đạt những thành tự to lớn về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ.

10-21-58_nh_1
Tập thể lãnh đạo cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ năm 2018

Với gần nửa thế kỷ đã qua, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã trải qua những thăng trầm với nhiều biến cố, có nhiều thay đổi từ tên gọi, qui mô và hình thức đến nội dung hoạt động và chức năng nhiệm vụ. Dù trải qua 4 lần đổi tên, 3 lần chuyển địa điểm trụ sở nhưng các thế hệ cán bộ viên chức và người lao động của Trung tâm luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là tổ chức khoa học công lập hàng đầu chuyên nghiên cứu về lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ.

TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, trong 40 năm qua, nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, Trung tâm trực tiếp tham gia thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng cấp nhà nước (quốc gia), cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Nổi bật có 7 đề tài cấp nhà nước, 65 đề tài cấp bộ, 16 đề tài cấp tỉnh, hơn 20 đề tài cấp cơ sở đã được nghiên cứu và chuyển giao cho sản xuất.

Các kết quả nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ về lâm sản ngoài gỗ gắn liền với tên tuổi của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín của Trung tâm như: Phạm Đình Thanh, Nguyễn Thiên Kim, Lương Văn Tiến, Nguyễn Hữu Phước, Vũ Văn Riệm, Trần Quốc Túy, Nguyễn Huy Sơn,… với nhiều công trình có ý nghĩa khoa học thiết thực, hàng chục tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận.

10-21-58_nh_4
10-21-58_nh_5
Trong 40 năm qua Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đóng góp cho ngành lâm nghiệp Việt Nam nhiều giống mới, ứng dụng và tiến bộ KHKT

Hầu hết các kết quả nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao ngay vào thực tiễn sản xuất, mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế to lớn cho sinh kế của người dân, nâng cao giá trị sản xuất ngành, được các cấp ngành trao giải thưởng cao quý như giải thưởng Bông lúa vàng lần thứ 3 năm 2018 về giống Sa nhân tím - SNT.HB.018; Huy chương Bạc tại Hội chợ triển lãm khoa học kỹ thuật Việt Nam năm 1987 về tiến bộ kỹ thuật trích nhựa thông ba lá và các cây thuộc họ dầu bằng cách sử dụng các chất kích thích sinh trưởng.

Trung tâm cũng đã tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi từ lá cho huyện Bắc Mê (Hà Giang) nâng cao hiệu suất và hiệu quả kinh tế tăng tới 40%,… Những thành công này đóng góp một phần không nhỏ vào nâng cao vị thế, uy tín của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, công tác chuyển giao công nghệ của Trung tâm liên tiếp đạt được kết quả tiêu biểu như: Công nghệ sản xuất bàn ghế song mây xuất khẩu cho Cty sản xuất mây tre đan Bình Định năm 1980; Công nghệ và thiết bị sản xuất hoạt chất artemisinin vào sản xuất của Cty Dược phẩm TW1 năm 1990; Lắp đặt thiết bị và công nghệ chế biến nhựa thông (công suất 3.000 tấn/năm) vào sản xuất của Cty Lâm Công nghiệp Long Đại năm 1998.

10-21-58_nh_3
 

Hàng năm, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, trồng thâm canh, chế biến lâm sản ngoài gỗ để xây dựng hàng chục ha mô hình sản xuất lâm sản ngoài gỗ điển hình ở nhiều địa phương, xuất bản nhiều cuốn sách và mở các lớp tập huấn khuyến nông có liên quan đến lâm sản ngoài gỗ cho khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Trung tâm rất coi trọng mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, như: FAO, UNDP, IUCN, CIFOR, ICRAF, OXFAM,.. trong đó phải kể đến: Dự án VIE80/018 - Phát triển Cánh kiến đỏ Việt Nam do FAO/UNDP tài trợ; Dự án VN007701 - Sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, vai trò của lâm sản ngoài gỗ ngày càng được coi trọng, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã tiến hành hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng ngay các kết quả nghiên cứu có liên quan để phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ trong thực tiễn sản xuất ở Việt Nam theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Điển hình là dự án FOOD/2016/151093-1/205- Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre ở Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Oxfam.

“Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ có thể tự hào về những thành quả mà các thế hệ Lãnh đạo và cán bộ viên chức, người lao động đã làm được. Đây là hành trang và động lực to lớn để các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động hôm nay của Trung tâm phấn đấu, tự tin tiếp bước để trở thành một cơ quan khoa học hàng đầu về lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ của ngành lâm nghiệp, có uy tín trong khu vực, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm Phan Văn Thắng.
GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu chuyên đề của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đối với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Trung tâm là đơn vị tiên phong của Viện đã và đang có sự đổi mới mạnh mẽ chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm. Trung tâm rất chú trọng tới các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất, kết quả đã được Bộ NN-PTNT công nhận nhiều Tiến bộ kỹ thuật, giống mới,... qua đó đóng góp đáng kể cho Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp hiện nay. Với việc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đang xin thêm 150ha đất thí nghiệm ở Lào Cai để mở rộng phạm vi và năng lực nghiên cứu hứa hẹn sẽ tạo nên bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho Trung tâm trong thời gian tới.

 

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.