| Hotline: 0983.970.780

Trùng tu hay xâm hại di tích? - [Bài 1] Thon thót trùng tu

Thứ Ba 18/02/2020 , 08:26 (GMT+7)

Đối với các nhà nghiên cứu di sản văn hóa cổ truyền, mỗi khi được tin di tích nào được trùng tu thì vừa mừng lại vừa thon thót giật mình.

Cầu Ngói chợ Thượng trước khi trùng tu...

Cầu Ngói chợ Thượng trước khi trùng tu...

Sơn son thếp vàng di tích

Câu chuyện đình Văn Xá (thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) một trong số ít những ngôi đình cổ kính nhất của tỉnh Hà Nam, có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, năm 2019 bị thôn tự ý dùng sơn công nghiệp sơn lên những cấu kiện gồm hai cột cái, hai cột quân, hai xà và hai kẻ, nghé ở gian giữa… làm mất đi những đường nét, hình khối điêu khắc, chạm trổ có giá trị nhất của di tích. Sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan quản lý vào cuộc khắc phục.

Chẳng bao lâu sau, công chúng yêu di sản lại ngao ngán trước việc cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được trùng tu. Rồi đình Trùng Hạ (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) được sơn son bất chấp ý kiến góp ý của những nhà chuyên môn.

Trước đó vài năm, người cao tuổi địa phương hết sức bất bình trước việc đình Phong Cốc (phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) sau khi trùng tu bỗng mọc thêm bức bình phong án ngữ trước sân đình.

Theo phản ánh, cầu ngói chợ Thượng, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, phần cổng được trát lại, sơn mới màu giả đá trông như bia mộ. Phần bậc thang bằng gạch cũng được lát lại bằng đá xanh.

Cầu ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh. Cầu có kết cấu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) giống chùa Cầu ở Hội An. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng.

Cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45 m đến 1,65 m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35 m. Phía trên các bộ vì còn có hệ thống các hoành mái nối mộng với nhau để tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái.

Năm 2012, cầu Ngói chợ Thượng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Với bộ khung được dựng bằng gỗ lim, cầu Ngói chợ Thượng hiện là 1 trong 5 cầu ngói cổ độc đáo nhất Việt Nam. Các cầu ngói còn lại là: Chùa Cầu (Hội An), cầu ngói Thanh Toàn (Huế), cầu ngói chùa Lương (Nam Định) và cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình).

Cuối năm 2019, cầu ngói chợ Thượng được Bộ VH-TT-DL hỗ trợ 200 triệu đồng theo chương trình “Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020” để tu sửa phần mái đã xuống cấp. Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định giao UBND xã Bình Minh tiến hành tu sửa phần mái (thay ngói, rui, mè cũ) theo đúng hình mẫu được lưu trong hồ sơ di tích.

Phần tu sửa mái được giám sát của Ban quản lý di tích và danh thắng đã làm rất chuẩn, đúng chất liệu cũ. Sau đó, nhận thấy phần cổng bắc xuống cấp nên địa phương đã vận động kinh phí xã hội hóa trát lại rồi sơn màu giả đá.

... và sau khi được trùng tu.

... và sau khi được trùng tu.

Trước thông tin cổng cầu ngói chợ Thượng bị làm mới, ông Trần Xuân Bình, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định) đã về kiểm tra. Ông khẳng định cầu bị làm mới quá sai, mất hết hoa văn, màu sắc. “Việc làm phát sinh này là do chính quyền địa phương tự ý, không báo cáo”, ông Trần Xuân Bình nói.

Trước sự việc trên, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định đã yêu cầu chính quyền địa phương làm lại phần cổng đã bị sửa chữa.

Cần đảm bảo tính chân xác của di tích

Theo Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) thì giá trị lớn nhất của cầu ngói chợ Thượng chính là mái ngói cổ và khung gỗ vẫn được giữ nguyên. Đây là điều may mắn cho di tích này.

Việc “granite hóa” di tích hay bê tông hóa di tích đã xảy ra và biết đâu sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu những người làm công tác quản lý di sản tại các địa phương vẫn cứ chạy theo trào lưu làm mới di tích.

Trao đổi với PV Báo NNVN, PGS.TS Khuất Tân Hưng (Khoa Di sản kiến trúc – Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: “Một trong những vấn đề nhức nhối trong hoạt động bảo tồn Di tích hiện nay là không đảm bảo được nguyên tắc về tính chân xác (về cấu trúc, tỷ lệ, chất liệu, màu sắc, các thành phần và chi tiết gốc...)

Do vậy, di tích sau khi được trùng tu bỗng trở nên xa lạ, mất hẳn tinh thần vốn có. Hiện tượng này phản ánh những lỗ hổng lớn trong bảo tồn Di tích, từ khâu khảo sát, tư vấn thiết kế, đến công tác tu bổ di tích, giám sát, rồi công tác quản lý và đào tạo nhân lực...”.

Theo ông Hưng, đây đều là những việc cần những người có chuyên môn sâu. Tuy nhiên, dù đã có một số nỗ lực nhưng trong thời gian qua vẫn còn quá nhiều bất cập, trong đó có cả những bất cập về mặt pháp lý.

“Xã Bình Minh phải bỏ kinh phí ra làm lại. Rất may là họ chỉ trát lại và sơn giả đá chứ không ốp đá vào. Chúng tôi sẽ giám sát việc sửa chữa này để đảm bảo các hoa văn, màu sắc của cầu ngói trở về đúng hình ảnh trong hồ sơ di tích” - ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.