| Hotline: 0983.970.780

Trước bờ vực phá sản, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp cầu cứu Thủ tướng

Thứ Tư 15/04/2020 , 11:26 (GMT+7)

Công ty TNHH Dương Vũ vừa có văn bản khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ “cứu lấy” doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản, cho phép xuất khẩu nếp và tấm nếp bình thường.

Quy định hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 không quá 400.000 tấn khiến nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Quy định hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 không quá 400.000 tấn khiến nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công ty TNHH Dương Vũ (địa chỉ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là một trong 4 công ty lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo trực thuộc tỉnh Long An.

Doanh nghiệp này chuyên thu mua, sản xuất và xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp với tổng sản lượng 220.000 tấn/năm. Qua đó giải quyết công ăn việc làm cho trên 400 công nhân viên và hàng ngàn hộ nông dân trồng lúa nếp ở tỉnh Long An.

Qua 12 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp, thương hiệu gạo của công ty đã được thị trường Trung Quốc chấp nhận, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân trồng nếp cũng như góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Hiện nay, Công ty đã bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng nếp ở tỉnh Long An và An Giang với diện tích khoảng 50.000 ha, với tổng sản lượng này Công ty Dương Vũ đã ký hợp đồng trước với nhiều khách hàng để ổn định thiêu thụ hàng hóa.

Tại văn bản số 03/2020DV về việc “cầu cứu doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước bờ vực phá sản” ngày 13/4/2020, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính..., Công ty Dương Vũ cho biết: “Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương đề xuất về việc áp dụng hạn ngạch 400.000 tấn xuất trong tháng 4 năm 2020, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước tình hình dịch bệnh và hạn mặn, Công ty chúng tôi hoàn toàn đồng ý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đặt vấn đề an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu”.

Gạo nếp không thuộc diện sản phẩm dự trữ lương thực quốc gia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gạo nếp không thuộc diện sản phẩm dự trữ lương thực quốc gia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, mặt hàng nếp và tấm nếp là mặt hàng không thuộc diện dự trữ lương thực quốc gia, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đang xuất sang Trung Quốc chủ yếu sử dụng để làm bột. Trong khi khách hàng đang có nhu cầu cao, chúng tôi có thể xuất khẩu với giá cao mang lại lợi ích cho nhà nước, nông dân và doanh nghiệp thì lại không được phép xuất khẩu và cũng không thể tiêu thụ trong nước.

“Với tình hình này, công ty đang đứng trước bờ vực phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy khác như những hộ nông dân đã được công ty bao tiêu trồng lúa nếp không thể tiêu thụ, ngân hàng không thu được nợ (công ty hiện đang nợ ngân hàng Viettinbank 300 tỷ đồng), 400 công nhân viên của công ty lâm vào tình cảnh thất nghiệp”, văn bản gửi Thủ tướng do ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ ký, nêu rõ.

Văn bản của Công ty TNHH Dương Vũ khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ 'cứu lấy' doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản.

Văn bản của Công ty TNHH Dương Vũ khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ “cứu lấy” doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản.

Cũng theo Công ty Dương Vũ, hiện công ty đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) đã lưu cont từ ngày 20/3/2020 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng hàng trong container tại kho 5 ngày.

Đối với việc dừng xuất khẩu từ ngày 24/3/2020 đến nay đã gây thiệt hại rất lớn cho công ty và có nguy cơ đi đến phá sản vì thời gian hàng hóa lưu trong container hơn 23 ngày, nay tiếp tục lại không thể khai báo hải quan. Nếu kéo dài đến tháng 5, chất lượng hàng hóa sẽ xuống cấp, đồng thời khách hàng yêu cầu bồi thường và hủy hợp đồng nếu không giao hàng kịp trong tháng 4/2020.

Ngoài ra công ty còn phải chịu phí container trong một thời gian dài, tiền lãi suất ngân hàng, tiền vốn đã mua nguyên liệu tồn kho, nhà máy phải ngừng hoạt động.

Từ những lý do trên, Công ty TNHH Dương Vũ khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan “cứu lấy” doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản, cho phép xuất khẩu nếp và tấm nếp bình thường, không nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020.

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất