Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Cần làm rõ tính hợp lý khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ
Theo bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho biết, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu thực chất chỉ tác động đến khu vực công, nên cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong các dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... đang được trình Quốc hội, sẽ không dẫn đến việc phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật.
Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động. |
Còn đối với vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, hiện các đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị không tăng giờ làm thêm vì không phù hợp với xu hướng tiến bộ “tăng lương, giảm giờ làm” và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội và bất lợi cho người lao động trong bối cảnh các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang chững lại, hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) có xu hướng tăng.
Loại ý kiến thứ hai, tán thành với đề xuất của Chính phủ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.
Người lao động có quyền đình công
Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm;
Đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.
Công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam đình công đòi quyền lợi. |
Về giải quyết tranh chấp với người lao động, Ủy ban Các vấn đề xã hội tán thành việc sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng: “Ngay sau khi phát sinh tranh chấp, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mà họ cho là phù hợp, không quy định hòa giải là một khâu bắt buộc”.
Riêng đối với quyền đình công của người lao động (được quy định tại Điều 199), Ủy ban thấy rằng, về nguyên tắc, chỉ cho phép đình công đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Do đó, chỉ trường hợp quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 179 dự thảo Bộ luật (là trường hợp có sự giải thích và thực hiện khác nhau các quy định của thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác) thì có thể được tiến hành đình công, các trường hợp khác bản chất là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý theo các cơ chế pháp lý tương ứng như hành chính, dân sự, hình sự.