| Hotline: 0983.970.780

TS Hạ Thúy Hạnh: 'Gia đình tôi sử dụng nhiều thịt gia cầm'

Thứ Ba 30/06/2020 , 12:13 (GMT+7)

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) đã chia sẻ với NNVN xung quanh câu chuyện cơ cấu bữa ăn của người Việt hiện nay.

TS Hạ Thúy Hạnh phát biểu tại tọa đàm 'Đa dạng cơ cấu thực phẩm hậu Covid-19'. Ảnh: Nhật Quang.

TS Hạ Thúy Hạnh phát biểu tại tọa đàm "Đa dạng cơ cấu thực phẩm hậu Covid-19". Ảnh: Nhật Quang.

Theo TS Hạ Thúy Hạnh, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 22 dự án gia cầm, trong đó tập trung vào những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên đối tượng gà ở phía Bắc và vịt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn xây dựng triển khai các dự án hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất giống tại chỗ, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, chăn nuôi gà bản địa cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Thông qua chương trình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học phù hợp cho từng vùng sinh thái cùng bộ giải pháp chăn nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu và địa lý từng tỉnh.

Điển hình như Vịt biển 15 Đại Xuyên là giống vịt lần đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa vào các tỉnh ven biển, đến nay hiệu quả từ mô hình mang lại rất tốt, bà con nông dân hưởng ứng nhiệt tình bởi mô hình thực sự mang lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Theo TS Hạ Thúy Hạnh, những mô hình như chăn nuôi gà bản địa, nuôi Vịt biển 15 Đại Xuyên không những giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi mà còn mang tính chất phát triển bền vững cho ngành, đặc biệt trong bối cảnh chăn nuôi gia cầm đang hỗ trợ chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu thực phẩm và hướng tới xuất khẩu.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 22 dự án gia cầm. Ảnh: Nguyên Huân.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 22 dự án gia cầm. Ảnh: Nguyên Huân.

TS Hạ Thúy Hạnh chia sẻ, thực tế chứng minh chăn nuôi gia cầm có rất nhiều lợi thế với đặc thù chăn nuôi tại Việt Nam. Lợi thế thứ nhất là quay vòng nhanh, con giống dễ dàng cung cấp ở các đơn vị nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp. Thứ hai là chi phí trong chăn nuôi gia cầm tương đối đơn giản. Lợi thế thứ ba đặc biệt quan trọng là chăn nuôi gia cầm vấn đề môi trường rất thuận lợi và dễ xử lý hơn chăn nuôi lợn.

“Chăn nuôi gia cầm thời gian vừa qua đã phát triển tương đối nóng. Thời điểm này, tổng đàn gia cầm trên cả nước khoảng 470 triệu con để cung cấp cho thị trường. Nhưng do vấn đề dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu cũng như tiêu thụ gia cầm đang bị giảm, từ đó ảnh hưởng tới người chăn nuôi gia cầm. Nhưng chúng tôi cho rằng, chăn nuôi gia cầm sẽ khởi sắc trong nửa cuổi năm 2020”, TS Hạ Thúy Hạnh nhận định.

Theo quan điểm đánh giá của TS Hạ Thúy Hạnh, trong lúc thịt lợn vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường, người tiêu dùng có thể chuyển sang một phần thịt gà, vịt, ngan, trứng gia cầm cũng là điều hợp lý, bởi các loại thịt gia cầm cũng đều có giá trị dinh dưỡng rất cao, phù hợp thói quen tiêu dùng của người Việt, đồng thời cũng rất đa dạng cách chế biến.

Để làm được việc này đòi hỏi phải có thời gian và rất cần các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc làm sao hướng dẫn cơ cấu khẩu phần thức ăn, chế biến để dân Việt ta đa dạng nguồn thực phẩm, mang lại giá trị dinh dưỡng đồng thời hỗ trợ cho bà con nông dân thu nhập từ chăn nuôi.

“Bản thân tôi là một người phụ nữ trong gia đình, tôi cũng sử dụng rất nhiều sản phẩm từ gia cầm, từ gà, vịt, ngan, ngỗng tới trứng. Ở thời điểm hiện tại, không những người chăn nuôi mà cả người tiêu dùng có thể chuyển một phần từ thịt lợn sang thịt gia cầm để làm sao giúp được bà con nông dân chăn nuôi gia cầm, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho các gia đình”, TS Hạ Thúy Hạnh tâm sự.

TSHạ Thúy Hạnh cho rằng, cần kiên trì tuyên truyền để người Việt cơ cấu lại bữa ăn hợp lý và cân đối dinh dưỡng hơn. Ảnh: Nguyên Huân.

TSHạ Thúy Hạnh cho rằng, cần kiên trì tuyên truyền để người Việt cơ cấu lại bữa ăn hợp lý và cân đối dinh dưỡng hơn. Ảnh: Nguyên Huân.

Cũng theo TS Hạ Thúy Hạnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xác định việc khuyến cáo, truyền thông cho các địa phương, đặc biệt là cho các cơ sở chăn nuôi chuyển đổi những giống vật nuôi khi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian qua.

Ngoài việc thông qua các mô hình trình diễn, các chương trình đào tạo khuyến nông, truyền thông, các kênh, các báo, các đài, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn có cả chương trình truyền thông cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có 30 chương trình đã được dịch ra tiếng dân tộc để bà con có thể tiếp cận dần, làm sao để mang lại giá trị lợi nhuận thu nhập cho bà con nông dân, đặc biệt là bà con chăn nuôi.

Bên cạnh đó, TS Hạ Thúy Hạnh lưu ý, thời điểm này các cơ sở chăn nuôi phải nghiêm túc thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học để làm sao quản lý được dịch bệnh, tránh lơ là chủ quan khiến dịch bệnh tái bùng phát.

Đặc biệt, để cạnh tranh được với xu thế chăn nuôi trong tương lai, các doanh nghiệp, trang trại, gia trại, HTX phải tạo ra được các liên kết chuỗi sản xuất từ khâu giống, khâu vật tư cho đến bao tiêu sản phẩm, xây dựng các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo người dân về an toàn sinh học phải thực hiện đúng 3 nguyên tắc: Thứ nhất là cách ly giảm thiểu tối đa mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi; Thứ hai là làm sạch, quét dọn chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ định kì để làm sao giảm được tối đa 70% mầm bệnh vào trong khu vực chăn nuôi; Thứ ba là tiêu độc khử trùng cũng như tiêm vacxin định kỳ đầy đủ theo yêu cầu của ngành thú y hiện nay trên các sản phẩm gia cầm cũng như thủy cầm.

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.