Thưa bà, khả năng cung ứng con giống ra thị trường của Viện Chăn nuôi hiện nay như thế nào?
Viện Chăn nuôi có 21 đơn vị trực thuộc của Viện và trong đó có 5 đơn vị được nhà nước giao cho nuôi giữ giống gốc và sản xuất dịch vụ về chăn nuôi gia cầm, trải dài từ Bắc đến Nam là nuôi dưỡng giống gốc và sản xuất dịch vụ để chăn nuôi gia cầm.
Tổng đàn gia cầm hiện có của Viện khoảng 232.000 con. Trong đó, khoảng 130.000 con gà giống, vịt khoảng 103.000 con vịt giống, còn lại là ngan, các sản phẩm gia cầm khác.
Trong 5 năm gần đây, Bộ NN-PTNT đã công nhận cho Viện 9 dòng gà đạt giải thưởng Bông lúa vàng và 8 dòng vịt, ngan, 4 dòng đà điểu. Hàng năm, chúng tôi có thể chuyển giao ra sản xuất từ 12 - 14 triệu con gia cầm, trong đó khoảng 8-9 triệu con gà giống, 3-4 triệu con vịt, còn lại là sản phẩm ngan và các gia cầm khác.
Đối với gà, Viện chúng tôi cung cấp được khoảng 30 - 35% thị phần gà bố mẹ trong cả nước. Đối với vịt được khoảng 60% vịt bố mẹ, đặc biệt đối với vịt thịt cung cấp được khoảng 65 - 70% thị trường đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Với lợn, Viện chúng tôi có hai cơ sở lưu giữ giống gốc là Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương ngoài phía Bắc và Trung tâm Heo Bình Thắng trong phía Nam.
Hiện tại, cả 2 cơ sở của Viện Chăn nuôi lưu giữ khoảng 1.300 lợn nái cụ kỵ, ông bà, chiếm 1 - 1,5% tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà 109.000 con của cả nước.
Dưới góc độ di truyền giống, bà đánh giá như thế nào về lợi thế và hạn chế của chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn với đặc thù của ngành chăn nuôi Việt Nam?
Ở Việt Nam, nếu xét về góc độ di truyền chúng ta đều thấy được là đối với cả lợn và gia cầm so với các nước trên thế giới đều là có nguồn đa dạng di truyền rất lớn.
Tổng số các giống lợn bản địa Việt Nam có khoảng 25 giống, đối với gia cầm khoảng gần 30 giống, chưa tính đến giống nhập ngoại, chưa tính đến những tổ hợp lai mà chúng ta tạo ra.
Với nguồn gen đa dạng như vậy, có thể nói đây là nguồn vật liệu di truyền rất quan trọng trong công tác giống sau này để đảm bảo phát triển bền vững.
Chúng ta có thể sử dụng một cách có hiệu quả được nguồn gen này nếu như chúng ta có một chiến lược hợp lý trong công tác giống để phát triển. Với một số lượng đa dạng như vậy các giống gen nội thể hiện độ thích nghi rất cao đối với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam mà các giống của các nước khác không có được.
Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao chúng ta có thể phát huy tốt được chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đảm bảo có thể khống chế được dịch bệnh xảy ra và trong tương lai tạo ra được giống thích nghi được biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Về hạn chế, hiện chăn nuôi lợn đang gây áp lực lên môi trường lớn hơn chăn nuôi gia cầm, nguy cơ rủi ro chăn nuôi lợn cũng cao hơn chăn nuôi gia cầm do dịch tả lợn Châu Phi hiện vẫn chưa có vaccine. Chi phí đầu tư ban đầu cũng như nghiên cứu với chăn nuôi lợn cũng tốn kém hơn chăn nuôi gia cầm.
Trước đòi hỏi ngày càng cao về dinh dưỡng, bà có nghĩ ngành chăn nuôi hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thông qua các sản phẩm chăn nuôi hay không?
Về khía cạnh đấy tôi nghĩ là hoàn toàn có thể đáp ứng được, quan trọng nhất là công tác giống và nguồn nguyên liệu. Đối với các giống gia cầm chúng tôi có rất nhiều giống rất đa dạng, mỗi một giống có chất lượng khác nhau, tùy theo từng mức độ, tùy theo từng yêu cầu có thể lai tạo ra những tổ hợp lai có thể đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng.
Ví dụ như chúng tôi đã tạo ra được những tổ hợp lai đáp ứng được khí hậu của từng vùng miền. Ví dụ như lại tạo ra giống gà đẻ trứng tỷ lệ omega3 bao nhiêu % chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được, tất nhiên là cần thời gian và có lộ trình.
Với lợn cũng vậy, chúng tôi hiện có đa dạng các giống ngoại, giống nội, tổ hợp lai khác nhau, cung cấp đầy đủ các giống lợn từ hướng nạc tới mỡ dắt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường chăn nuôi và tiêu dùng.
Vậy, trước luồng quan điểm hiện nay Việt Nam nên giảm chăn nuôi lợn và tăng gia cầm, theo bà tỉ lệ, cơ cấu bao nhiêu là hợp lý?
Theo tôi, trong tương lai cơ cấu thịt lợn vẫn chiếm khoảng trên 60%, tôi nghĩ đây là sự cơ cấu hợp lý, bởi người Việt vẫn có thói quen ăn thịt lợn nhiều hơn so với các sản phẩm khác.
Thịt lợn được dùng trong chế biến tất cả các sản phẩm đặc sản hay mang tính chất truyền thống trong lễ hội, ví dụ bánh chưng ngày tết vẫn phải có nhân thịt lợn, ngày tết, đám cưới đều có giò từ thịt lợn, bữa ăn hàng ngày từ trước đến nay vẫn chủ đạo là thịt lợn. Để thay đổi lại những thói quen người dân cần có thời gian.
Đối với Việt Nam chúng ta, cần có chiến lược cơ cấu thịt lợn từ hơn 65% hiện nay giảm xuống còn khoảng 60 - 63% trong những năm sắp tới, tôi nghĩ đấy là chiến lược rất khả thi.
Nhất là trong tình trạng dịch tả lợn Châu Phi đang rất là nóng hổi mà chúng ta chưa có vaccine để phòng chống dịch bệnh, những sản phẩm đặc biệt là sản phẩm từ gia cầm là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm rất có giá trị.
Với gia cầm, hiện tỷ lệ đạt khoảng 25% tăng lên 27 - 30% và đối với thịt gia súc tăng lên từ 9 - 11% để đảm bảo cơ cấu là hợp lý.
Chiến lược trong vòng 5 năm tới, chúng ta nên duy trì đàn lợn hơn 30 triệu con, đối với gia cầm hiện tại quy mô hơn 467 triệu con, làm sao hàng năm chúng ta tăng lên 3%.
Để làm được điều đó, quan trọng nhất là địa phương phải tập trung rà soát lại cơ cấu vật nuôi của mình và xây dựng định hướng phát triển sản phẩm đặc thù để phát huy lợi thế cạnh tranh cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đáp ứng được thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự thay đổi cơ cấu này không thể làm ngay được, nhưng người nông dân của Việt Nam có khả năng sản xuất rất tốt, thông minh, sáng tạo nên mục tiêu đó trong tương lai tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Xin cảm ơn bà!