| Hotline: 0983.970.780

TTC Gia Lai nỗ lực chống hạn cho cây mía

Thứ Năm 18/07/2019 , 16:20 (GMT+7)

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt năm 2019, điều này không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng mía trong vụ ép 2018 - 2019 mà còn làm sụt giảm diện tích, sản lượng mía vụ 2019 - 2020.

Để đồng hành và chia sẻ những khó khăn của nông dân, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công - Gia Lai (TTC Gia Lai), đơn vị trực thuộc CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar) đã triển khai các chính sách, giải pháp chống hạn nhằm ổn định vùng nguyên liệu trong thời gian tới.
 

Nhà máy cùng nông dân tưới mía

Vụ ép 2018 - 2019 đã khép lại. Dạo quanh một vòng các cánh đồng mía đã thu hoạch cũng như vừa trồng mới tại khu vực Đông Nam, tỉnh Gia Lai, có thể thấy nỗi khó khăn, vất vả của người trồng mía khi tình trạng nắng hạn kéo dài, trong đó vấn đề cây mía sinh trưởng, phát triển kém, năng suất thấp đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nông dân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nắng nóng kéo dài đang khiến nhiều nông dân “lo đứng lo ngồi” với diện tích mía đang mọc mầm bị khô héo, việc chăm sóc mía lưu gốc càng gặp nhiều khó khăn bởi lượng nước tại các sông, suối, giếng khoan trên địa bàn đang cạn dần.

Cánh đồng mía tại TTC Gia Lai.

Để chia sẻ những khó khăn và đồng hành cùng người trồng mía, những năm gần đây TTC Gia Lai đã đầu tư hệ thống điện trị giá hơn 2 tỷ đồng dọc kênh thủy lợi Ayun Hạ cũng như hỗ trợ đào ao, khoan giếng, mua máy bơm thiết bị tưới nhằm phục vụ người trồng mía huyện Phú Thiện “tiếp nước” cho cây mía. Ngoài ra, bên cạnh các chính sách hỗ trợ không hoàn lại đã và đang triển khai cho mía trồng mới (4,8 đến 6,3 triệu đồng/ha), chăm sóc gốc (2,3 triệu/ha), từ ngày 15/01/2019, công ty đã tiếp tục triển khai thêm gói hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng/ ha cho người trồng mía chủ động tưới chống hạn.

Ông Lê Trọng Phương, thôn 3, xã Pờ Tó, huyện IaPa cho hay: “Gia đình tôi gắn bó với cây mía từ khi có Nhà máy đường AyunPa hoạt động cho đến nay. Hiện tại tôi đang canh tác 10 ha mía, chưa kể diện tích của các con cũng gần 10 ha nữa. Từ năm ngoái đến nay nắng nóng kéo dài liên tục dẫn đến năng suất và sản lượng mía giảm trong vụ ép vừa rồi, nhưng nhờ áp dụng cơ giới hóa, ruộng mía có cày ngầm nên rễ mía ăn sâu vào đất, hút nước nhiều hơn, vừa rồi thu hoạch 10 ha mía trừ mọi chi phí lãi được 150 triệu đồng. Để bảo vệ diện tích mía lưu gốc vừa mới thu hoạch xong, thời gian này gia đình tôi thuê 2 công lao động thường xuyên túc trực để bơm nước từ suối Đak Pi Hiao lên tưới mía. Nhiều hộ trồng mía trong khu vực suối này cũng tổ chức tưới cho cây mía với nhiều phương pháp như tưới dũi, tưới béc hay tưới tràn”.

Theo ông Phương, tưới mía đúng cách, đúng thời điểm sẽ tạo ra hiệu quả rất cao, năng suất mía có thể tăng từ 20 đến 30 tấn/ha. “Đặc biệt, cây mía lưu gốc sẽ tái sinh được nhiều năm mới phải phá bỏ trồng lại. Hiện nay đang tập trung tưới nước, được Công ty quan tâm hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha, chúng tôi thấy có thêm động lực để đầu tư cho cây mía”, ông Phương chia sẻ thêm.
 

Giải pháp giảm thiệt hại sản xuất mía do hạn

Theo đại diện TTC Gia Lai, để giảm thiểu những thiệt hại do hạn hán gây ra đối với năng suất và chất lượng của cây mía, cần áp dụng biện pháp cày ngầm trong khâu làm đất trồng mới và cày ngầm cho mía gốc sau thu hoạch nhằm phá vỡ tầng đất đã canh tác lâu năm, giúp bộ rễ cây mía phát triển sâu, hấp thụ nước ngầm, giữ nước khi có mưa và chất dinh dưỡng nhiều hơn.

Khi trồng mía trong điều kiện khô hạn, nguồn nước không còn nhiều, bà con nên áp dụng một trong hai hình thức tưới dũi vào hàng mía ngay sau khi trồng hoặc tưới đến mức bão hòa vào đáy rãnh trước khi đặt hom hoặc trồng bằng máy, sau đó rải phân lót và lấp hàng, như vậy vừa giúp tiết kiệm nước, hạn chế mất ẩm do nước bốc hơi bề mặt mà cây mía vẫn có đủ ẩm để mọc mầm, lại hạn chế được cỏ dại ở vị trí giữa hàng mía. Sau thu hoạch nên để lá mía trên mặt ruộng nhằm giữ ẩm cho đất.

Ngoài ra, nông dân cũng nên chọn các giống mía không có biểu hiện nhiễm bệnh, có khả năng chịu hạn, tái sinh gốc tốt như K84-200, LK92-11, KK3… Về phân bón, nên sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh hoặc bã bùn giúp cải thiện tình trạng thiếu chất mùn trong đất, giảm thiểu đáng kể những tác động bất lợi của hạn hán. Hiện nay, Công ty đang hỗ trợ không hoàn lại bằng hiện vật với mức 900.000 đồng/ha cho trồng mới và 1.500.000 đồng/ha cho mía gốc.

Đến thời điểm này, tổng diện tích mía nguyên liệu TTC Gia Lai đã đầu tư tưới nước đạt 1.000 ha, tập trung nhiều tại huyện Ia Pa và Krongpa. Ông Hoàng Trọng Tịnh, Giám đốc Công ty cho biết: “Liên tiếp trong 2 vụ ép gần đây, lượng mưa trên vùng nguyên liệu quá ít, không đủ để cây mía phát triển cũng như tăng năng suất, đây cũng là lo lắng của nhiều bà con nông dân và cũng là điều trăn trở của ban lãnh đạo Công ty. Với phương châm đồng hành cùng bà con, Công ty cũng đã ban hành nhiều chính sách để đầu tư, hỗ trợ người trồng mía. Cán bộ nông vụ cũng đã và đang nỗ lực nhiều hơn để vận động, khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và chăm sóc. Nhưng nhìn chung, để giá trị cây mía ngày càng nâng cao, công ty không ngừng vận động bà con hợp thửa từ 3 ha trở lên để áp dụng cơ giới hóa, bởi vì chỉ có đưa cơ giới vào canh tác mới cải tạo được tầng canh tác dày, tăng khả năng chống hạn cũng như kết hợp nhiều khâu chăm sóc giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất mía”.

Cũng theo ông Tịnh, hiện nay, TTC Gia Lai đang thực hiện nhiều khảo nghiệm để tìm giống có thể cho năng suất cao và tăng khả năng chống hạn. “Rất mong chính quyền địa phương xem xét đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng, nguồn nước tưới và hỗ trợ tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi, tăng cường mối liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp. Nếu bà con đồng lòng, cùng quyết tâm với công ty, thay đổi tập quán canh tác thì việc làm giàu từ cây mía là không khó”, ông Tịnh chia sẻ thêm.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2025

Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành gần 170 km các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, nhằm cơ bản nối thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.