| Hotline: 0983.970.780

Tu bổ kênh mương cấp xã quản lý: Vấn đề nan giải!

Thứ Sáu 17/11/2023 , 10:04 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Việc nạo vét, tu bổ hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện An Dương được tập trung thực hiện, tuy nhiên ở cấp xã có nhiều khó khăn.

Huyện An Dương có hơn 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp cần tưới, tiêu thường xuyên. Ảnh: Đinh Mười.

Huyện An Dương có hơn 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp cần tưới, tiêu thường xuyên. Ảnh: Đinh Mười.

Trên địa bàn huyện An Dương, TP Hải Phòng hiện có 69 trạm bơm và 1.915 tuyến kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó kênh cấp 1 có 177 tuyến với chiều dài 211km, hệ thống kênh cấp 2, 3, 4 có 1.738 tuyến với tổng chiều dài là 476km.

Trong thời gian qua, phòng Nông nghiệp huyện An Dương, TP Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải (Công ty An Hải) tu bổ hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đối với việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo từng vụ, từng năm, sẽ được xây dựng kế hoạch tưới tiêu; lập phương án bảo vệ công trình trên hệ thống. Mặt khác, việc đầu tư kinh phí, tập trung nhân lực, vật lực để triển khai thực hiện các nội dung của phương án bảo vệ công trình thủy lợi được quan tâm.

Hàng năm, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ và đầu tư của Bộ NN-PTNT, thành phố Hải Phòng và các sở, ban, ngành, huyện An Dương và Công ty An Hải đã tập trung sửa chữa, cải tạo nâng cấp nhằm vận hành hiệu quả các công trình, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, kết hợp tiêu thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không xả trực tiếp nước thải vào nguồn nước thủy lợi.

Bên cạnh đó, đã nạo vét, đắp bờ, xử lý các điểm ách tắc, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu như: Hoàng Lâu, Tân Tiến, Bắc Nam Hùng để tăng khả năng tiêu thoát nước. Hoàn thiện hệ thống bờ bao và công trình trên kênh, mở rộng các tuyến kênh dẫn để nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện An Dương.

Xã An Hòa có hơn 60km kênh mương chưa được kiên cố, việc nạo vét gặp khó khăn. Ảnh: Tiến Thành.

Xã An Hòa có hơn 60km kênh mương chưa được kiên cố, việc nạo vét gặp khó khăn. Ảnh: Tiến Thành.

Tuy vậy, do nhiều tuyến kênh đã xây dựng từ lâu nên đến nay một số đoạn đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi còn hạn chế nên việc phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Ghi nhận tại xã An Hòa, nơi được xem là có diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhiều nhất huyện An Dương với gần 600ha, trong đó đất trồng lúa là 325ha, còn lại là diện tích các cây trồng khác. Địa phương này có 10km kênh mương cấp 1 do Công ty An Hải quản lý, địa phương quản lý có 41km kênh cứng và 60km kênh đất.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, địa phương có đặc thù là hơn 90% hộ dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn vẫn phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, nhiều tuyến kênh mương kiên cố do đã xây dựng từ năm 2000 đến nay đã có một số đoạn xuống cấp, hư hỏng.

Hàng năm, việc nạo vét, tu bổ được thực hiện thường xuyên nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên không thực hiện được toàn bộ hệ thống. Để có nguồn kinh phí, địa phương đã vận động nhân dân đóng góp, xã hội hóa nhưng cũng rất hạn chế, do đó trên địa bàn xã vẫn còn 1 số diện tích sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về tưới tiêu.

Cũng như xã An Hòa, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện An Dương và các huyện khác của TP Hải Phòng cũng đang gặp tình trạng tương tự. Thậm chí, ngoài tình trạng kênh mương xuống cấp, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, việc kênh mương cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ tưới - tiêu đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu ở huyện An Dương được quan tâm đầu tư hàng năm nhưng chưa nhiều. Ảnh: Tiến Thành.

Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu ở huyện An Dương được quan tâm đầu tư hàng năm nhưng chưa nhiều. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương cho biết, toàn huyện hiện có hơn 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hiện địa phương đang tập trung vào các nhóm cây chủ lực là hoa cây cảnh như: đào cảnh ở Đặng Cương; quất ở Hồng Thái, Đồng Thái, thị trấn An Dương; cây gia vị ở xã Đại Bản, Tân Tiến, An Hồng; cây ổi và lê Đài Loan ở xã An Hòa; lúa hữu cơ ở Đại Bản, Bắc Sơn,…

Trong những năm vừa qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện An Dương về cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng đang dần bộc lộ những hạn chế nhất định. Hiện nay, một số tuyến kênh cấp 3, 4 đã được đầu tư nhiều năm, nhiều tuyến chạy qua khu dân cư, trong đó có tuyến vừa phục vụ tưới vừa phục vụ thoát nước, nay đã xuống cấp. 

Bên cạnh đó, cùng với quá trình đô thị hóa, vấn đề xả thải ảnh hưởng nguồn nước sản xuất nông nghiệp đã xảy ra. Dù đã tập trung xử lí các vấn đề liên quan đến nước thải trong nhân dân để hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ hơn.

"Sau vụ mùa năm 2023, từ nguồn ngân sách được thành phố Hải Phòng, huyện đã đầu tư để cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương nhưng chưa nhiều. Chúng tôi đang tập trung một số vùng sản xuất để trồng những cây thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân, do đó việc tưới tiêu rất quan trọng, cần được quan tâm đầu tư hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu", ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương chia sẻ.

Theo Công ty Thủy lợi An Hải, từ năm 2020 đến nay việc thi công nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới đã tác động đến hệ thống tưới tiêu. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom nước mưa tràn mặt, nước thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư được gộp chung hoặc đấu nối với các tuyến kênh tưới sau trạm bơm khiến việc bơm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, khó khăn trong công tác điều tiết nguồn nước tưới và gây ô nhiễm tới nguồn nước hệ thống thủy lợi.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.