Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa có chuyến công tác và làm việc với tỉnh Hà Giang nhằm đánh giá tình hình triển khai các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030” tháng 4 năm 2023 và nắm bắt tình hình thực hiện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn cũng như những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, hiện nay toàn tỉnh Hà Giang có 4.360 công trình thủy lợi, trong đó có 59 hồ chứa, còn lại là các đập dâng vừa và nhỏ chuyển tiếp nước vào các kênh dẫn và một số kênh dẫn lấy nước trực tiếp từ các khe, mó nước dẫn thẳng nước vào khu tưới.
Nhìn chung, hệ thống công trình thuỷ lợi xây dựng qua nhiều năm khai thác sử dụng đến nay đã hư hỏng, xuống cấp, hệ thống kênh mương nội đồng bị sụt sạt, bồi lắng. Trong đó có 312 công trình hư hỏng cần được nâng cấp sửa chữa, nhu cầu kinh phí thực hiện cải tạo.
Về hồ thủy lợi, hiện nay tỉnh có 63 hồ (phân loại theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP gồm 5 hồ lớn, 19 hồ vừa, 39 hồ nhỏ) với tổng dung tích trữ xấp xỉ 27 triệu m3. Từ năm 2017 đến nay tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa được 32 hồ, các hồ còn lại đều được xây dựng từ lâu, cơ bản đã bị hư hỏng, xuống cấp như: Hư hỏng mái thượng, rò rỉ, thấm qua thân đập, không có lăng trụ thoát nước hạ lưu, cống lấy nước xuống cấp, tràn xả lũ là tràn đất… nhưng nguồn ngân sách hàng năm không đáp ứng được cho duy tu, sửa chữa.
Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 877 tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung chủ yếu tại các xã, thôn, bản khan hiếm nước. Các công trình này chủ yếu là công nghệ xử lý đơn giản, đảm bảo hợp vệ sinh (lắng lọc, giảm đục, xử lý tạp chất vi sinh là chính, chưa xử lý được về mặt hóa - lý). Chỉ có số ít công trình được đầu tư hệ thống lọc, đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT.
Trong số các công trình này chỉ có 341 công trình hoạt động hiệu quả, còn lại 370 công trình hoạt động kém hiệu quả và 166 công trình không hoạt động do hư hỏng xuống cấp. Nguyên nhân các công trình không hoạt động là do được xây dựng đã lâu (từ những năm 1997, 2000) bị hư hỏng xuống cấp chưa có kinh phí để sửa chữa kịp thời. Một số công trình do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sau khi hoàn thành thiếu hoặc không có nguồn nước để hoạt động.
Từ những thực trạng và khó khăn về hệ thống công trình thủy lợi nêu trên, tỉnh Hà Giang đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất như: Mong muốn Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao của tỉnh; đầu tư xây dựng hồ chứa nước Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ; hỗ trợ tỉnh khắc phục cấp bách phòng chống sạt trượt của thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần; xem xét cấp kinh phí hàng năm cho tỉnh phục vụ cong tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt…
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, tỉnh Hà Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình được Bộ NN-PTNT đã, đang đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ nghiên cứu đưa ra một mô hình tổ chức quản lý hồ thủy lợi thống nhất phù hợp trên địa bàn tỉnh.
Ông Dũng cũng mong muốn, Bộ NN-PTNT giao cho Cục Thủy lợi và các đơn vị của Bộ, cùng tỉnh nghiên cứu xây dựng Đề án giải quyết nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao của Hà Giang và sớm xây dựng Đề án đầu tư hạ tầng nông nghiệp cho 3 huyện vùng thấp gồm Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình…
Đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận về những bất cập, khó khăn trong công tác thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, nhất là công tác phát triển tổng thể thủy lợi và cấp nước nông thôn, mô hình quản lý sau đầu tư, cơ chế giá dịch vụ thủy lợi, cơ chế giá nước sinh hoạt đối với các công trình, xác định rõ những vấn đề cần phải triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
Trước những thực trạng, khó khăn và kiến nghị đề xuất của tỉnh Hà Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Về thủy lợi, chỉ đạo rà soát, đề xuất phương án phát triển tổng thể hạ tầng thủy lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó chú trọng đến việc phát triển các hồ chứa quy mô vừa, sử dụng nước từ hồ chứa thủy điện đồng thời xác định rõ mô hình quản lý sau đầu tư để đảm bảo hiệu quả, phù hợp với Luật Thủy lợi.
Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, đề nghị cần có sự chuyển đổi về mô hình quản lý công trình cấp nước, bố trí kinh phí để bảo trì công trình. Riêng vấn đề đảm bảo nhu cầu cấp nước cho đồng bào 4 huyện vùng cao núi đá, cần có đánh giá cụ thể thực trạng nhu cầu, đề xuất giải pháp đầu tư phù hợp kết hợp giữa đầu tư công trình cấp nước tập trung và hỗ trợ công trình trữ nước quy mô hộ gia đình. Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo, giao các đơn vị chuyên môn hỗ trợ tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động.