| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược phát triển thủy lợi miền núi phía Bắc

Bắc Kạn củng cố hệ thống thủy lợi nhỏ

Thứ Tư 15/11/2023 , 09:06 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Kạn có hơn 2.400 công trình thủy lợi, trong đó chủ yếu có quy mô nhỏ, với đặc thù tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, thủy lợi nhỏ phát huy hiệu quả.

Hệ thống thủy lợi nhỏ khá hoàn thiện giúp những cánh đồng ở xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) quanh năm đủ nước sản xuất. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hệ thống thủy lợi nhỏ khá hoàn thiện giúp những cánh đồng ở xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) quanh năm đủ nước sản xuất. Ảnh: Ngọc Tú. 

Xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) có 41 công trình thủy lợi, trong đó có 4 công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn quản lý, còn lại do địa phương quản lý. Tổng chiều dài kênh mương 27km, đã kiên cố hóa được 20km (đạt 74%).

Hàng năm, các công trình thủy lợi trên địa bàn xã đảm bảo tưới chủ động cho hơn 424ha (2 vụ), tất cả ruộng lúa 2 vụ chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.

Ông Ma Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã Phương Viên cho biết, hiện nay xã được giao quản lý 37 công trình. Để sử dụng hiệu quả, hàng năm các thôn vận động người dân chủ động tu sửa, nạo vét đảm bảo đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

“Từ nguồn vốn được giao, trung bình mỗi năm xã sửa chữa, cải tạo 2 công trình thủy lợi (phai tạm, mương dẫn nước). Hiện nay, 100% công trình đều đảm bảo hiệu quả cung cấp nước cho sản xuất”, ông Tuyền thông tin thêm.

Tại Bắc Kạn, trong số hơn 2.400 công trình thủy lợi có 11 hồ chứa lớn, 10 hồ quy mô vừa, 14 hồ chứa nhỏ, 41 trạm bơm, còn lại là các công trình đập dâng, kênh dẫn nước quy mô nhỏ. Hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới cho hơn 20.000ha lúa và hoa màu. Nhờ mạng lưới thủy lợi nhỏ đến tận những khu vực vùng sâu, chân ruộng cao nên tình trạng hạn hán, thiếu nước quy mô rộng không xảy ra.

Ông Đới Văn Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn cho biết, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có diện tích tưới nhỏ, chủ yếu từ 5 đến 10ha, chỉ có 64 công trình có diện tích tưới trên 20ha (chiếm 2,66%) tổng số công trình trên địa bàn tỉnh.

“Mặc dù công trình thủy lợi nhỏ có diện tích tưới ít nhưng dễ quản lý, khai thác và sửa chữa. Với đặc thù địa hình đồi núi, sông suối có độ dốc cao, vào mùa mưa lũ, hệ thống thủy lợi nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng. Nhưng với chi phí sửa chữa thấp, có thể huy động nguồn lực tại chỗ nên dễ khôi phục đảm bảo sản xuất trong thời gian ngắn”, ông Thiều cho biết thêm.  

Từ năm 2021 trở về trước, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích cho 118 tổ dùng nước tại các địa phương. Từ năm 2022, khi chuyển sang phương thức đặt hàng, các tổ dùng nước phải giải thể để chuyển đổi sang mô hình tổ thủy lợi cơ sở.

Để khai thác hiệu quả công trình thủy lợi nhỏ, tỉnh Bắc Kạn giao các địa phương thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở. Theo đó, giao các hợp tác xã, tổ hợp tác quản lý thống nhất từ công trình đầu mối đến hệ thống thủy lợi nội đồng.

Trong đó các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp có tham gia dịch vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã, Bộ luật Dân sự và các quy định khác có liên quan. Đối với tổ hợp tác, điều lệ hoặc quy chế hoạt động dịch vụ thủy lợi được trên 50% thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở thông qua.

Tổ chức thủy lợi ở cơ sở quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phục vụ cho đa số người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tại địa phương.

Các hợp tác xã hay tổ hợp tác khai thác công trình thủy lợi phải xây dựng kế hoạch, thanh quyết toán diện tích, kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được cấp hàng năm. Tổ chức thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng để đảm bảo duy trì bộ máy hoạt động hiệu quả, bền vững.

Nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi cơ sở sẽ góp phần quản lý, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi nhỏ. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi cơ sở sẽ góp phần quản lý, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi nhỏ. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tổ chức thủy lợi cơ sở thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện công trình hư hỏng nhỏ phải kịp thời sửa chữa, hư hỏng lớn lập danh mục báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền để sửa chữa.

Thường xuyên nạo vét bùn cát, phát cây, dọn cỏ trong lòng và bờ kênh, đắp bù phần bờ kênh bị xói lở, nạo vét bùn cát bồi lấp cống, kênh, sửa chữa nhỏ để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.