| Hotline: 0983.970.780

Từ chủ thầu xây dựng thành chuyên gia nuôi tôm công nghệ cao

Thứ Hai 05/08/2024 , 14:49 (GMT+7)

Ham học hỏi, sẵn sàng đầu tư quy mô lớn giúp ông Nguyễn Cường thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Cường được đầu tư bài bản. Ảnh: Việt Khánh.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Cường được đầu tư bài bản. Ảnh: Việt Khánh.

Đi sau về trước

Từ chủ trương phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Cường, trú tại xóm 2, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi những vùng đất cát, trũng thành các ao, đầm nuôi tôm. Với kết quả thu về trong những năm qua, thấy rằng lựa chọn này hoàn toàn đúng đắn.

Có được thành công vang dội nhưng ông Cường vốn là tay ngang, trước khi dấn thân thử sức với lĩnh vực thủy sản là chủ thầu xây dựng. Xâm nhập vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa thấm tháp vào đâu thành thử những ngày đầu đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

15 – 20 năm trước nghề nuôi tôm chưa thịnh thành như bây giờ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi và công nghệ đi kèm còn nhiều hạn chế. Muôn vàn lực cản khiến con tôm sú “khó ở”, dần dà kéo theo dịch bệnh triền miên, hệ quả tất yếu là thua lỗ nặng nề. Chính gia đình ông Cường cũng trải qua lắm phen lao đao, nhiều bận rơi rớt niềm tin muốn bỏ nghề.

Bằng sự say mê và khát khao học hỏi, ông Nguyễn Cường (trái) đã thu về thành quả mỹ mãn khi lấn sân sang lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Việt Khánh.

Bằng sự say mê và khát khao học hỏi, ông Nguyễn Cường (trái) đã thu về thành quả mỹ mãn khi lấn sân sang lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Việt Khánh.

Thiết nghĩ trót đâm lao phải theo lao, đến năm 2007 nhận thấy xu hướng thị trường thay đổi, ông Cường nhanh nhạy chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ngặt nỗi thời điểm đó số đông đều áp dụng theo hình thức quảng canh và bán thâm canh, đan xen rủi ro tăng dần (môi trường ô nhiễm, nguồn giống không đảm bảo, dịch bệnh phát sinh…) khiến tình hình thực sự bất bênh.

Không cam chịu cảnh vung tiền tỷ chỉ để thu về từng cắc bạc lẻ, năm 2019 ông cùng cậu con trai Nguyễn Hữu Thắng, người vừa tốt nghiệp Đại học chuyên ngành nông lâm thủy sản kéo nhau đi khắp trong Nam ngoài Bắc, rong ruổi đến những vùng nuôi tôm công nghệ cao tiếng tăm lẫy lừng để “tầm sư học đạo”. Quá trình này ngót nghét tận 3 năm, đưa ra để thấy họ thực sự đam mê và tâm huyết với nghề.

Nhận thấy hành trang kiến thức tích lũy đã đủ đầy, đến tháng 5/2022 ông Cường dốc toàn lực, rót 5,5 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn trong nhà màng trên quy mô 4 ha, gồm 2 ha nuôi, 2 ha diện tích lắng và xả thải.

“Nguồn nước là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công, do đó không được phép lơ là, chủ quan. Nước được bơm từ ngoài biển vào các hồ dự trữ, sau đó sẽ sàng lọc kỹ lưỡng trước khi dẫn chảy vào hồ lắng, qua quá trình kiểm nghiệm, xác định các thông số đảm bảo quy chuẩn mới bơm vào để bể nuôi tôm. Song song với đó phải kể đến tiện ích của hệ thống nhà màng, vành đai che chắn vòng ngoài rất hữu ích, vừa góp phần hạn chế nắng gắt lại giảm thiểu tối đa khả năng tác động của ngoại cảnh, qua đó ngăn chặn tảo phát triển trong ao nuôi và duy trì sự ổn định của môi trường nước.

Những con tôm được nuôi theo quy trình 3 giai đoạn phát triển rất ổn định. Ảnh: Việt Khánh.

Những con tôm được nuôi theo quy trình 3 giai đoạn phát triển rất ổn định. Ảnh: Việt Khánh.

Nuôi tôm công nghệ cao có nhiều ưu điểm nổi bật, nếu vận dụng tốt có thể gia tăng mật độ nuôi để tăng hiệu quả kinh tế. Môi trường nuôi được kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu, từ nhiệt độ, độ mặn đến chất lượng nước sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro về dịch bệnh, đồng thời tăng cao tỉ lệ sống sót của con tôm”, ông Nguyễn Cường chia sẻ.

Khoa học công nghệ là nền tảng

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu chú trọng quá trình ươm giống, thời gian kéo dài từ 20 - 25 ngày với mật độ 2.500 con/m3 nước. Thời điểm này con giống cần được chăm sóc đặc biệt nhằm tích lũy đầy đủ dưỡng chất và sức đề kháng.

Giai đoạn kế tiếp chuyển sang nuôi ở mật độ 500 con/m3 trong 20 - 25 ngày, khi tôm đạt trọng lượng 200 - 250 con/kg. Cuối cùng, tiếp tục nuôi cho đến khi giống đạt trọng lượng 30 con/kg thì xuất bán.

Ứng dụng khoa học công nghệ là nền tảng hướng đến thành công vang dội. Ảnh: Việt Khánh.

Ứng dụng khoa học công nghệ là nền tảng hướng đến thành công vang dội. Ảnh: Việt Khánh.

Qua nhiều năm lăn lộn trong nghề, nhận thấy điều kiện thời tiết Nghệ An quá khắc nghiệt, con tôm vốn dĩ “đỏng đảnh” thành thử đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là vào mùa hè nóng nực, do đó gia đình ông Cường ưu tiên nuôi 4 tháng vụ đông, căn thời điểm xuất bán đúng vào dịp tết Âm lịch khi nhu cầu thị trường tăng cao, được giá.  

Tiềm lực vững vàng lại thừa kinh nghiệm thực tiễn là những yếu tố giúp ông Cường thu lợi lớn từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đều như vắt tranh, hàng năm gia đình thu tổng sản lượng trên dưới 100 tấn tôm, trừ chi phí lãi ròng hàng tỷ đồng. Đáng nói mô hình còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho 8 lao động thường xuyên với mức lương khoảng 10 triệu đồng/ tháng.

Xem thêm
Hướng dẫn phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn biện pháp phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão.

Hơn 2.100 tàu cá ‘3 không’ của Hà Tĩnh sẽ được đăng ký

Sau khi rà soát tại các địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố danh sách các tàu cá không đủ hồ sơ, cần hoàn thiện để được đăng ký theo quy định.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Cứu 3 thuyền viên sà lan bị chìm trôi dạt trên biển

Kiên Giang Sà lan KG-49470 bị sóng đánh chìm trên vùng biển gần đảo Hòn Tre, 3 thuyền viên trôi dạt trên biển may mắn đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu vớt an toàn.