| Hotline: 0983.970.780

Từ đồi hoang thành vựa cam tỉnh Quảng Trị

Thứ Bảy 01/05/2021 , 11:26 (GMT+7)

Từ vùng đồi hoang đầy bom đạn, bời bời cỏ dại, cây cam đã giúp hồi sinh, làm giàu cho vùng gò đồi K4 (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị).

“Thánh địa” cây cam Quảng Trị

Từ Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngược lên phía tây, đi khoảng chừng 7 - 8 cây số, gặp một con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo, len lỏi giữa những tán rừng cao ngất ngưởng rẽ về hướng nam, đi thêm hơn một cây số nữa là vùng gò đồi K4.

Địa danh K4 (nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) từng là căn cứ kháng chiến của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hòa bình lập lại, nhiều gia đình ở vùng đồng bằng xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã cơm đùm mắm muối phạt rừng tìm về K4 để khai phá.

Ông Trần Ngọc Nhơn là một trong những nông dân tiên phong trồng cam ở vùng đồi K4. Ảnh: CĐ.

Ông Trần Ngọc Nhơn là một trong những nông dân tiên phong trồng cam ở vùng đồi K4. Ảnh: CĐ.

Ròng rã mấy chục năm bám trụ, cải tạo từng mét đất đầy đá sỏi, bằng niềm tin mãnh liệt, những người nông dân đó đã biến cả một vùng đồi hoang bời bời cỏ dại, đạn bom thành vựa cam xanh tốt.

Dẫn chúng tôi thăm vùng đồi K4, nơi được xem “thánh địa” cây cam ở Quảng Trị, ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cứ xuýt xoa mãi về nghị lực và sự kiên trì của những người dân địa phương khi cố bám trụ trên vùng đất sỏi đá này.

“Chính sự cần cù, nhẫn nại của những người dân vùng đồi K4 đã trực tiếp làm đất hồi sinh, cho quả ngọt lành. Toàn bộ khu triền đồi bên khe suối giờ đã là bạt ngàn cây cam, đồi chè và nhiều loại cây ăn quả, hoa màu khác… Người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được giờ đây vùng đồi K4 đã trở nên trù phú thế này”, ông Hải bồi hồi xen lẫn vẻ tự hào.

Thập niên 90 của thế kỷ trước là khoảng thời gian mà các mô hình kinh tế gia trại, trang trại bắt đầu manh nha. Hồi ấy anh em ông Trần Ngọc Nhơn, Trần Ngọc Trung (quê xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) chỉ quẩn quanh ruộng vườn, côi cút mưu sinh. Rồi cơ duyên và khát khao làm giàu đã đưa ông đến với vùng đất K4.

“Hồi ấy chấp nhận lên đây là một quyết định cực táo bạo và phải chịu đựng vô vàn gian khổ mới trụ nổi. Muốn đi được, phải phạt lối cây rừng, mất cả ngày đường mới đến được K4. Rồi mồ hôi, công sức, mắm muối chắp nối qua ngày, khai phá, cải tạo ròng rã gần chục năm trời mới khuất phục được vùng đất này”, ông Trần Ngọc Nhơn vừa loay hoay dùng cây đỡ những cây cam lúc lắc quả trỉu nặng, nhớ lại.

Cam K4 được trồng theo hướng hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: CĐ.

Cam K4 được trồng theo hướng hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: CĐ.

Ông Nhơn kể, hồi đó, trong số diện tích 10 ha do hai anh em ông cải tạo chủ yếu trồng cây keo, tràm. Để lấy ngắn nuôi dài, năm 2008, ông mang theo nắm đất K4, bắt xe đò lặn lội ra tận vùng cam nổi tiếng xứ Nghệ để quyết chí tìm hiểu, tìm mua giống về trồng.

Sau khi được tận tình giúp đỡ, giảng giải, họ khuyên ông mua giống cam Vân Du, Xã Đoài về trồng vì qua nghiên cứu cho thấy, các giống cam này hoàn toàn thích hợp với chất đất ở vùng đồi K4.

Ông Nhơn phân tích: Khâu giống là rất quan trọng, bởi mất tới vài năm cây mới cho quả. Nếu cây cho quả kém chất lượng thì ắt phải phá vườn cam và tính toán lại từ đầu rất tốn kém… Nhờ được anh em bạn bè giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm nên đã thành công ngoài mong đợi. Các giống cam trồng ở K4 đã cho quả to đều, ngọt thanh, ít bị sâu bệnh, năng suất cao.

"Mà kể cũng lạ! Ở Quảng Trị nhiều nơi cũng trồng cam, cũng trồng cùng giống mà quả lại nhỏ, chua lè, trong khi cam trồng ở K4 thì hoàn toàn khác. Ngay cả khi tôi mang cam ra Nghệ An để đo hàm lượng đường đối chứng với cam cùng loại bản địa, kết quả là cam trồng ở K4 vượt trội, khiến những bạn trồng rất ngạc nhiên… Điều ấy đã làm anh em tôi rất hạnh phúc vì đất khó đã không phụ người”, anh em ông Trần Ngọc Nhơn bồi hồi.          

Phát triển vùng cam K4 theo hướng hữu cơ

Từ thành công của vườn cam của anh em ông Nhơn và ông Trung, đến nay vùng đồi K4 đã phát triển lên đến hơn 16 ha cam và đều đã cho thu hoạch rất khả quan. Đó là những vườn cam rộng lớn của các hộ gia đình như ông Trần Kim Phúng, Văn Ngọc Chúng, Trần Lợi, Văn Tập, Văn Sở, Võ Trường… với bình quân mỗi hộ có diện tích trên 1,5 ha.

Nhiều diện tích cam đã phủ xanh vùng đồi K4 cằn cỗi năm xưa. Ảnh: CĐ.

Nhiều diện tích cam đã phủ xanh vùng đồi K4 cằn cỗi năm xưa. Ảnh: CĐ.

Điều đáng mừng hơn, ngoài việc tăng cường liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật, kinh nghiệm trồng chăm sóc, những năm gần đây, người trồng cam ở vùng đồi K4 đã tập trung chuyển đổi sang trồng cam theo hướng hữu cơ, giúp tiêu thụ tốt hơn.

Cũng như nhiều nông dân đang canh tác ở vùng đồi K4 này, ông Trần Kim Phúng đã gắn bó với những ngọn đồi K4 đã được 12 năm. Sau khi trồng nhiều mô hình cây, con không hiệu quả, 6 năm trước, ông bắt đầu trồng cây cam và chính mô hình này đã thay đổi rất lớn đến cuộc sống gia đình ông.

Là một trong những hộ được chọn làm mô hình điểm trong trồng cam hữu cơ sạch, 3,5ha vườn cam của ông hiện đạt năng suất và chất lượng rất cao. Riêng năm nay, vụ cam được mùa và cũng được giá, trung bình mỗi ha đạt từ 35 - 40 tấn. Cam được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi được 500 - 600 triệu đồng.

Ông Kim Phúng chia sẻ, so với mô hình trồng cam bình thường, chi phí trồng hữu cơ đắt hơn khoảng 40 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, công sức chăm sóc cũng rất lớn do phải mất nhiều công đoạn như ủ phân, ủ và trộn chế phẩm để trị bệnh cho cây… Nhưng bù lại, cây cam theo hướng hữu cơ ít sâu bệnh, giá bán cao hơn, đầu ra ổn định, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Từ vùng đất sỏi đá, cây cam cho người dân vùng gò đồi K4 thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: CĐ.

Từ vùng đất sỏi đá, cây cam cho người dân vùng gò đồi K4 thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: CĐ.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, do tập quán sản xuất, trước đây người dân trồng cam lạm dụng sử dụng phân hóa học. Nhưng những năm trở lại đây, được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, nhiều hộ đã bắt đầu chuyển sang trồng cam theo hướng hữu cơ.  

Theo ông Hải, trồng cam theo hướng hữu cơ, người dân phải mất nhiều công, từ việc bón phân, trị bệnh cho cây đều theo quy trình nghiêm ngặt; tốn nhiều công và chi phí để mua, ủ các loại chế phẩm sinh học khác thay thế như ớt, bã trầu, tỏi, gừng, rượu... trị bệnh cho cây. Nhưng bù lại, giá cả và đầu ra của trái cam ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng...

Theo UBND huyện Hải Lăng, với mục tiêu phát triển vùng gò đồi K4 thành vùng chuyên canh trồng cam tập trung, huyện đã có những chính sách hỗ trợ phát triển cho người dân về giống và kỹ thuật. Đặc biệt về giống cam, huyện tiến hành hỗ trợ cho bà con 50% giá giống.

Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho người dân hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình trồng cam sạch theo hướng hữu cơ. Mặt khác, đẩy mạnh kêu gọi, quảng bá tới các doanh nghiệp, các đơn vị về sản phẩm cũng như hỗ trợ người trồng dám tem truy xuất nguồn gốc.

Vùng gò đồi K4 đang phát triển mạnh vùng cây có múi bền vững theo hướng hữu cơ. Ảnh: CĐ.

Vùng gò đồi K4 đang phát triển mạnh vùng cây có múi bền vững theo hướng hữu cơ. Ảnh: CĐ.

Huyện đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Cam K4 Hải Phú” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2015. Đây là kết quả được hình thành từ sự chắt chiu và tâm huyết của cán bộ và nhân dân.

Về lâu dài, để giúp người dân trồng cam có đầu ra ổn định, ngoài việc tiêu thụ trong tỉnh, thời gian qua, huyện Hải Lăng cũng đã tiến hành nối liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, qua phân tích thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng gò đồi phía tây của huyện, đặc biệt là ở K4 cho thấy rất phù hợp với các loại cây ăn quả có múi. Trên thực tế, một số giống cam và bưởi đã thích nghi tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Hiện dư địa để mở rộng diện tích cam, bưởi ở địa phương còn rất lớn. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 150ha cam, đến 2025 đặt mục tiêu phát triển được 1.000ha cam, đưa cây có múi trở thành một thế mạnh kinh tế vùng gò đồi của huyện Hải Lăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.